Bộ Công Thương làm việc với Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về phát triển nhiên liệu sinh học Bộ Công Thương tham vấn Quy định kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính |
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng cho cán bộ quản lý tại các Sở Công Thương địa phương và doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT). Đồng thời, qua các chương trình tập huấn này, các chuyên gia cũng chỉ ra “bẫy” trong TMĐT, giúp doanh nghiệp nâng cao cảnh giác và cẩn trọng trong ký kết hợp đồng.
Đào tạo cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp tại Kon Tum. Ảnh: MOIT |
Mở rộng cơ hội phát triển cho doanh nghiệp
Theo bà Huỳnh Thị Tuyết Nga - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, trong quá trình phát triển công nghệ thông tin, TMĐT đang đóng một vai trò thiết yếu và vô cùng quan trọng. Sự ra đời của TMĐT đã làm cho mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp được thay đổi đáng kể và đang trở thành xu thế mới thay thế dần phương thức kinh doanh cũ với nhiều ưu thế và mang lại hiệu quả cao.
“Thực hiện Chương trình tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2025 của Bộ Công Thương cũng như của tỉnh Kon Tum đã góp phần vào thành công chung của việc ứng dụng TMĐT trong quản lý nhà nước và doanh nghiệp (DN), Sở Công Thương Kon Tum đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến, đào tạo và ứng dụng TMĐT nhằm mở ra cơ hội mới cho DN cũng như nâng cao năng lực quản lý của cán bộ địa phương”- bà Huỳnh Thị Tuyết Nga cho biết thêm.
Ông Võ Xuân Nam – Phụ trách Đào tạo, Trung tâm Phát triển TMĐT- Cục TMĐT và Kinh tế số thông tin: Theo Bảng xếp hạng chỉ số TMĐT của các địa phương năm 2022 và 2023 (do Hiệp hội TMĐT Việt Nam thực hiện), thứ hạng của Kon Tum thuộc top các tỉnh, thành phố chưa phát triển. Điều đó cho thấy, tiềm năng để Kon Tum phát triển TMĐT còn rất lớn. Nếu đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng, kiến thức cho cả đội ngũ cán bộ quản lý và DN chắc chắn chỉ số phát triển TMĐT của Kon Tum sẽ được cải thiện đáng kể.
Hướng dẫn tìm “bẫy” trong TMĐT
Ông Nguyễn Tiến Luận – Phòng Quản lý hoạt động TMĐT - chia sẻ, không chỉ giúp các cán bộ quản lý và DN nâng cao nhận thức, kỹ năng trên môi trường TMĐT, chúng tôi còn giới thiệu những vấn đề liên quan đến: Xử lý vi phạm trong TMĐT; một số hành vi vi phạm phổ biến Nghị định 98; quy trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong TMĐT…
Trong đó, ông Nguyễn Tiến Luận lưu ý một số hành vi vi phạm như: Không thông báo website TMĐT bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng; không công bố hoặc công bố không đầy đủ, không chính xác trên website TMĐT bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng thông tin về chủ sở hữu website hoặc ứng dụng bán hàng; thông tin hàng hóa, dịch vụ…; hoặc những vi phạm liên quan đến giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến, giả mạo thông tin, kiểm soát thông tin trên các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử….
Bên cạnh đó, các khóa đào tạo của Cục TMĐT và Kinh tế số cũng hướng đến các nội dung giúp học viên hiểu và phân biệt về AI, ChatGPA và Google.
Ông Hoàng Khánh Dương – Giám đốc chiến lược Công ty TNHH Giải Pháp Phát Triển Doanh Nghiệp iViet - cho biết, ChatGPT có rất nhiều ứng dụng trong công việc, chẳng hạn, hỗ trợ tạo ý tưởng nội dung content, tiêu đề sản phẩm, nội dung kịch bản, hỗ trợ tìm từ khóa, hỗ trợ thiết kế website (bằng code), hỗ trợ thiết kế hình ảnh...
Tuy nhiên, ChatGPT cũng có những hạn chế, người dùng cần lưu ý vì thiếu những thông tin mới nhất trên internet, dữ liệu chỉ cập nhật đến năm 2021, do đó, câu trả lời có thể lỗi thời so với hiện tại, người dùng phải hỏi rõ vấn đề, nếu không câu trả lời sẽ chung chung.