Cạnh tranh bằng công nghệ
Trong giai đoạn 2015-2020, ngành công nghiệp giấy Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước hiện đại hóa và nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sản lượng giấy các loại tăng trung bình trên 25%/năm. Đặc biệt, xuất khẩu giấy bao bì công nghiệp sang một số nước trong khu vực đã tăng trên 65%, đồng thời nhu cầu giấy tissue chất lượng cao tăng đều mỗi năm trong 5 năm gần đây, đã thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất với công suất tối đa.
Tọa đàm “Định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành công nghiệp giấy giai đoạn 2021-2025, có xét tới năm 2030” |
Tại Tọa đàm “Định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành công nghiệp giấy giai đoạn 2021-2025, có xét tới năm 2030”, do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, TS. Dương Xuân Diêu - chuyên viên theo dõi ngành của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - cho biết: Năm 2020, tổng sản lượng giấy đạt > 4,5 triệu tấn. Tổng năng lực sản xuất bột giấy của toàn ngành ước đạt 420.000 tấn, trong đó có 250.000 tấn bột hóa tẩy trắng và khoảng 180.000 tấn bột giấy hiệu suất cao. Bên cạnh đó, nhập khẩu khoảng 350.000 tấn bột giấy và khoảng 3 triệu tấn giấy phế liệu mỗi năm cho sản xuất giấy bao bì công nghiệp.
“Mặc dù, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực công nghiệp và đời sống, nhưng, trong năm 2020 ngành công nghiệp giấy Việt Nam vẫn có được những kết quả sản xuất kinh doanh ngoài mong đợi: Sản lượng các sản phẩm giấy đạt công suất tối đa, tiêu thụ hàng hóa tốt và nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất hết quý 2/2021” - TS. Dương Xuân Diêu nhấn mạnh.
Dẫn chứng thêm về sự phát triển của ngành giấy, TS. Dương Xuân Diêu cho hay: Các dự án đầu tư dây chuyền sản xuất mới đang gấp rút triển khai để khởi động, nhiều dự án đầu tư mới và dài hạn trước đây chậm tiến độ nay đã khởi động trở lại, đặc biệt, các dự án đầu tư FDI mới khu vực miền Bắc với tổng mức đầu tư lên đến 1 tỉ USD tiếp tục được thúc đẩy. Việc mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp FDI với những dây chuyền sản xuất quy mô, công nghệ hiện đại, tân tiến, đã góp phần thúc đẩy đầu tư, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và tạo động lực sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hình thành những khu vực có ngành công nghiệp giấy hiện đại, với công nghệ thiết bị tiên tiến so với thế giới, như khu vực Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, công nghiệp giấy trong nước vẫn còn phần lớn các doanh nghiệp thuộc nhóm có quy mô vừa và nhỏ, dây chuyền sản xuất lạc hậu công suất <10.000 tấn/năm, chiếm khoảng 20% tổng công suất toàn ngành. “Sản lượng giấy do các doanh nghiệp FDI sản xuất chiếm hơn 50% tổng sản lượng giấy sản xuất trong nước” - TS. Dương Xuân Diêu nói.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Tiến Luân - Trưởng Phòng kỹ thuật, Tổng công ty Giấy Việt Nam - chia sẻ: Với dây chuyền sản xuất vận hành trong gần 30 năm qua, nhu cầu cải tiến, ứng dụng khoa học và công nghệ để duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh là tất yếu. Từ cải tạo giống cây nguyên liệu, nâng cao năng suất và hiệu quả kỹ thuật trồng rừng, cải tiến hệ thống thu hồi hóa chất và nhiệt, điện, xử lý nước thải và tận dụng chất thải rắn, đến các giải pháp về điều khiển tự động hóa, ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng bột giấy, giấy và cải thiện quá trình vận hành. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, của đội ngũ khoa học công nghệ trong và ngoài nước.
Cần định hướng cụ thể
PGS.TS. Lê Quang Diễn - Giảng viên chuyên ngành Kỹ thuật xenlulo - giấy, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội - cho rằng: Doanh nghiệp cần phải chủ động và tự lực hơn nữa trong ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh, với sự hỗ trợ của các nhà khoa học. Các định hướng khoa học và công nghệ trong thời gian tới cần phải hướng tới xây dựng những nhiệm vụ thiết thực, khả thi nhằm khai thác những thế mạnh của ngành công nghiệp giấy phục vụ nhu cầu cho toàn ngành và xã hội.
Ứng dụng công nghệ là một trong những vấn đề then chốt của ngành giấy |
Một trong những nhiệm vụ quan trọng và cần thiết là phát triển công nghệ sản xuất bao bì giấy thân thiện môi trường thay thế túi ni lông, ứng dụng công nghệ sinh học, vật liệu mới, tận dụng chất thải công nghiệp giấy để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng. Tuy vậy, đội ngũ khoa học và công nghệ và cơ sở vật chất nghiên cứu khoa học, sự phối kết hợp giữa các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiêp còn hạn chế. “Phát triển và ứng dụng công nghệ là một trong những vấn đề then chốt của ngành giấy để đáp ứng tình hình thực tế hiện nay. Do đó, cần tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo” - PGS.TS. Lê Quang Diễn kiến nghị.
Nhận định nhiều vấn đề của ngành giấy không thể giải quyết nếu thiếu ứng dụng khoa học và công nghệ, ông Hoàng Trung Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam - nêu: Sự hỗ trợ về công nghệ của Bộ Công Thương trong thời gian qua đối với ngành công nghiệp giấy rất đáng ghi nhận. Những nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn đã và đang được thực hiện, đã góp phần kịp thời hỗ trợ tháo những khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn không đủ điều kiện để triển khai ứng dụng khoa học công nghệ cho sản xuất kinh doanh, đồng thời đã tạo động lực cho ngành về tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh và có cơ sở để lạc quan hơn về triển vọng của ngành.
Liên quan đến câu chuyện nghiên cứu khoa học và công nghệ trong ngành giấy, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - cho rằng: Cần có những định hướng cụ thể về khoa học và công nghệ và tầm nhìn xa hơn, đóng góp cho sự phát triển của ngành giấy, tiến tới ứng dụng những công nghệ then chốt, tạo động lực phát triển cho ngành, đồng thời nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của công nghệ tiên tiến khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài.
Các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất và tham gia tích cực các hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ chính doanh nghiệp của mình và toàn ngành. “Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần được xây dựng và triển khai thực hiện phù hợp với tình hình mới, hướng tới chủ động được nguồn nguyên vật liệu trong nước, làm chủ công nghệ trong bối cảnh của những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và khủng hoảng toàn cầu, đồng thời giữ vững vị thế cân bằng của khối doanh nghiệp trong nước trước làn sóng đầu tư FDI” - ông Trần Việt Hòa lưu ý.