Nga “vạch trần” kế hoạch thông đồng giữa Ukraine và phương Tây
Ngày 16/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, quân đội Ukraine đã “thâu tóm hoàn toàn” thị trấn chiến lược Sudzha của Nga tại khu vực Kursk thông qua cuộc đột kích bất ngờ trên lãnh thổ Nga. Ông Zelensky cũng tiết lộ, một văn phòng chỉ huy quân sự đã được thiết lập ngay tại thị trấn này, nơi từng có khoảng 5.000 cư dân sinh sống trước khi chiến tranh nổ ra.
Quân nhân Ukraine vui mừng khi thắng lợi trở về từ chiến trường Kursk ngày 14/8/2024. (Ảnh: AP) |
Cựu Thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông Nikolai Patrushev tố cáo Ukraine không dám đơn phương tấn công vào lãnh thổ Nga mà không có sự "bật đèn xanh" từ Mỹ và NATO. Tuần trước, Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất vào Nga kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Dù các quan chức phương Tây công khai ủng hộ Kiev, họ lại phủ nhận có liên quan trực tiếp đến chiến dịch này.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Izvestia ngày 16/8, cựu Thư ký Hội đồng An ninh Nga khẳng định: "Những tuyên bố của Mỹ về việc không liên quan đến các hành động của Ukraine ở Kursk là sai sự thật. Nếu không có sự hỗ trợ từ NATO, Kiev sẽ không dám mạo hiểm như vậy." Ông cũng cho rằng NATO đã cung cấp vũ khí, huấn luyện viên quân sự, và thông tin tình báo cho Ukraine, góp phần vào kế hoạch tấn công Kursk.
Dù cuộc tấn công của Ukraine bị lực lượng Nga chặn lại, một số khu định cư vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng Kiev. Ít nhất 12 người dân đã thiệt mạng, 121 người bị thương và hơn 120.000 cư dân phải sơ tán. Các quan chức Nga cảnh báo rằng bất kỳ cơ hội đàm phán hòa bình nào cũng sẽ bị "đóng băng lâu dài" sau vụ tấn công này.
Người dân Nga “lâm cảnh loạn lạc” khi quân đội Ukraine tiến sâu vào Kursk. (Ảnh: RTE) |
Mỹ và một số nước phương Tây phủ nhận việc biết trước về cuộc tấn công của Ukraine, nhưng trợ lý của Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podoliak lại lên tiếng phản bác vấn đề này. Ông khẳng định rằng Kiev đã thảo luận về kế hoạch tấn công xuyên biên giới với các đồng minh phương Tây. “Có một số việc nhất định phải được thực hiện với yếu tố bất ngờ và phải diễn ra ở cấp độ địa phương. Nhưng đã có những cuộc thảo luận giữa các lực lượng đối tác, chỉ là không phải ở cấp độ công khai”, ông Podoliak nói với tờ Independent.
Phương Tây có thể “giải phóng” Ukraine khỏi sự kìm kẹp
Chỉ trong vài ngày kể từ khi tiến hành chiến dịch đột kích vào Kursk, Ukraine đã tiến xa ít nhất 30 km tính từ biên giới, chứng minh với đối thủ, người dân và đồng minh của mình rằng họ vẫn đang chiến đấu và có thể tạo ra những bất ngờ gây tổn thất lớn cho Nga.
Theo người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu pháp lý quân sự Ukraine Oleksandr Musiienko, cuộc đột kịch qua biên giới có thể thúc đẩy phương Tây chấp thuận cho Kiev sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, trước hết là với tên lửa ATACMS và Storm Shadow Scalp.
Phương Tây tăng tốc cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine. (Ảnh: AFP) |
Mỹ và phương Tây đã dần nới lỏng hạn chế đối với Ukraine trong việc sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công các mục tiêu trên đất Nga, đặc biệt là sau khi lực lượng của Moscow tiến hành cuộc tấn công qua biên giới vào Kharkov hồi tháng 5. Tuy nhiên, cho đến nay, Washington vẫn chưa cho phép Kiev sử dụng tên lửa ATACMS hoặc các loại vũ khí tầm xa khác vào mục đích này.
Trong một tuyên bố sau cuộc họp của Nhóm tiếp xúc Ukraine hồi giữa tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng quyết định của Washington cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công các mục tiêu của Nga đã tác động tích cực đến tình hình ở Kharkov, làm chậm đà tấn công của Nga và ngăn đối phương đạt được những đột phá lớn.
Dù vậy, theo truyền thông phương Tây, phạm vi chỉ khoảng 100 km trên lãnh thổ Nga là không đủ để tấn công hiệu quả vào các căn cứ không quân quan trọng của đối phương, chẳng hạn như Voronezh Baltimor và Buturlinovka, nơi có các máy bay ném bom Su-34 tấn công vào Ukraine.
Washington đã cung cấp cho Ukraine hàng chục tỷ đô la viện trợ quân sự để ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga. (Ảnh: RT) |
Những vũ khí Ukraine tuy có sẵn, nhưng “không phải lúc nào cũng đủ hiệu quả để nhắm mục tiêu vào các vị trí ở hậu phương của Nga.” Khu vực biên giới của Nga tương đối an toàn do Ukraine không thể sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công. Moscow nhận thức được điều đó và họ vẫn có thể sử dụng các cơ sở quân sự hiện có, thậm chí xây dựng thêm các cơ sở mới trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Lecornu xác nhận, ông và người đồng cấp Ukraine đã thảo luận về “diễn biến mới trên chiến trường, cũng như sự hỗ trợ tiếp theo của Pháp” cho Kiev. Washington Post dẫn lời một cố vấn của Tổng thống Ukraine cho biết, sau khi tấn công vào tỉnh Kursk của Nga, Kiev đã yêu cầu Washington cho phép sử dụng ATACMS để tấn công các sân bay trên lãnh thổ Nga nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công “trả đũa” của Nga.