“Nếu trong điều kiện hiện tại, Ukraine được chấp nhận vào NATO, điều này có nghĩa là sự khởi đầu của Thế chiến thứ 3”, ông Szijjarto nói. Ngoài ra, ông nói thêm, phía Hungary luôn phản đối việc khiêu khích đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Theo ông, lập trường hòa bình của Hungary về cuộc xung đột ở Ukraine vẫn không thay đổi, bất chấp áp lực từ bên ngoài.
Ukraine gia nhập NATO là sự khởi đầu của Thế chiến thứ 3. Ảnh: AP |
Ngoại trưởng Hungary cũng cho hay, hầu hết các nước thành viên NATO không thực sự ủng hộ Ukraine gia nhập khối quân sự do Mỹ dẫn đầu. Nhà ngoại giao này tuyên bố, nhiều thành viên của liên minh đã bày tỏ sự hoài nghi và phản đối về khả năng Ukraine gia nhập NATO.
"Cách hành xử của một phần lớn các quốc gia thành viên NATO là cực kỳ bất công đối với người Ukraine, vì họ không trung thực về quan điểm thực sự của mình", ông Szijjarto nói.
Ngoại trưởng Hungary cho biết, ông đã trao đổi điều này với người đồng cấp Ukraine Andrey Sibiga trong cuộc họp gần đây. Nhà ngoại giao này không tiết lộ Ngoại trưởng Ukraine đã phản ứng như thế nào trước quan điểm của ông.
Không giống như hầu hết các quốc gia NATO, Hungary đã công khai phản đối tư cách thành viên của Kiev, tin rằng việc gia nhập khối quân sự do Mỹ dẫn đầu sẽ dẫn đến Thế chiến thứ 3. Do việc kết nạp thành viên cần sự chấp thuận của toàn bộ 32 quốc gia thành viên NATO, dù chỉ có một quốc gia phản đối, Ukraine cũng không thể gia nhập khối quân sự này.
Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết, bà có kế hoạch giải quyết vấn đề mở rộng NATO và đồng ý chấp nhận Ukraine vào liên minh khi phát sinh. “Hiện tại, Mỹ ủng hộ khả năng tự vệ của Ukraine”, bà Harris nói.
Hôm 5/10, có thông tin cho rằng, Ukraine có thể được đưa ra các bước cụ thể hơn để gia nhập NATO trong cuộc họp tại căn cứ Ramstein ở Đức.
Theo ông Zelensky, ông cần ít nhất phải có lời mời Ukraine gia nhập vào NATO từ các quốc gia thành viên liên minh và nhấn mạnh bước đi này chưa có nghĩa là trở thành thành viên NATO.
"Chúng tôi muốn thực hiện bước đầu tiên là một lời mời. Lời mời gia nhập liên minh không phải là tư cách thành viên NATO. Đúng, tốt hơn là nên trở thành thành viên NATO. Nhưng chúng tôi đang nói về việc củng cố vị thế của Ukraine vào lúc này, chứ không phải sau cuộc xung đột, không phải trong 10 năm, không phải trong 30 năm. Đây là cơ hội để củng cố, đây là cơ hội để trở nên mạnh mẽ về mặt chính trị, có ý nghĩa trong các cuộc đàm phán nhất định trong tương lai”, Tổng thống Ukraine cho biết.
Ông Zelensky nhấn mạnh, Kiev hiểu rằng, có những quốc gia còn hoài nghi về vấn đề Ukraine gia nhập NATO. “Chúng tôi hiểu họ, đó là lý do tại sao chúng tôi đang nói về lời mời. Vì vậy, tôi thực sự không muốn có đánh giá bằng ngoại giao từ các quốc gia thành viên, mà là sự phản hồi thực sự để các quốc gia ủng hộ đề xuất của chúng tôi. Lời mời là một phần của những đề xuất gia nhập”, Tổng thống Zelensky khẳng định.
Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022, trong bối cảnh xung đột với Nga. Mặc dù nhiều quốc gia phương Tây công khai ủng hộ nguyện vọng của Ukraine, nhưng các nước này cũng từ chối cung cấp lộ trình cụ thể gia nhập khối. Tổng thống Zelensky hồi tháng 7 vừa qua cũng đã thừa nhận "chúng ta sẽ không thể gia nhập NATO khi mà cuộc chiến ở Ukraine chưa kết thúc".