Cần giải pháp hữu hiệu tăng tỷ lệ nội địa hóa trong lắp ráp, sản xuất ôtô |
Thị trường hẹp
2 năm trở lại đây, tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ôtô khoảng 460.000 xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con (200.000 xe/năm), xe tải và xe khách (215.000 xe/năm). Giá bán xe vẫn còn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp, chỉ 7-10%, trong đó, Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37%.
Lý giải về điều này, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân chính do quy mô thị trường ôtô Việt Nam còn quá nhỏ, thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ôtô tại ASEAN, bằng 1/10 quy mô thị trường ôtô của Thái Lan và 1/14 của Indonesia. Dự báo, đến năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 3.000 USD, thời kỳ bùng nổ nhu cầu xe hơi sẽ diễn ra ngay sau đó. Năm 2025, nhu cầu xe hơi sẽ đạt khoảng 600.000 xe/năm. Nếu ngành công nghiệp ôtô trong nước đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đặc biệt là loại xe 9 chỗ thì năm 2025 có thể giảm được 3-7 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu. Đến năm 2030, con số tiết kiệm được lên tới 5-12 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thương mại.
Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô cũng chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa doanh nghiệp lắp ráp ôtô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Những nguyên liệu vật liệu cơ bản như thép chế tạo, cao su, nhựa và chất dẻo phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Tăng tỷ lệ nội địa hóa
Để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành ôtô, thời gian tới cùng với thị trường trong nước và khu vực tiếp tục mở rộng, các nhà sản xuất ôtô trong nước cần có giải pháp hữu hiệu mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa trên 40% để hưởng các ưu đãi thuế AFTA nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Ông Toru Kinoshita - Tổng giám đốc Toyota Việt Nam - cho biết, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa luôn là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển lâu dài của Toyota kể từ khi hoạt động tại thị trường Việt Nam. Đến nay, Toyota đã trở thành doanh nghiệp ôtô FDI có tỷ lệ nội địa hóa cao. Cụ thể, đối với từng sản phẩm, như mẫu xe Vios, mẫu xe CKD chiến lược của Toyota, số lượng phụ tùng trong nước đã tăng gấp 3 lần so với thế hệ cũ, từ 51 phụ tùng lên 151 phụ tùng. Về số lượng nhà cung cấp, tăng lên 33 nhà cung cấp với trên 400 sản phẩm, trong đó có 5 nhà cung cấp Việt Nam.
Không chỉ Toyota Việt Nam, Thaco cũng đang tập trung đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các nhà máy sản xuất lắp ráp ôtô gồm: Xe tải, xe bus, xe con, xe chuyên dụng, nhà máy sản xuất máy nông nghiệp và tổ hợp nhà máy công nghiệp hỗ trợ theo hướng tự động hóa và tổ chức sản xuất theo tinh thần của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, để tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, Công ty TNHH Sản xuất & Kinh doanh VINFAST (Việt Nam) đang đầu tư nhà máy sản xuất thân vỏ xe ngay tại Việt Nam. VINFAST sẽ nội địa hóa gần như toàn bộ việc dập và hàn các chi tiết thân vỏ xe, đặt nền tảng cho việc tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ được xem là nền tảng và yêu cầu cấp thiết để phát triển ngành công nghiệp sản xuất ôtô. |