Giá trị xuất khẩu hàng hóa giảm do đâu?
Trong 05 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế của tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát triển; sản xuất nông nghiệp ổn định, duy trì theo đúng khung thời vụ; giá trị sản xuất công nghiệp và sản lượng một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ (theo giá so sánh 2010) tháng 5 ước đạt 2.026,3 tỷ đồng, 05 tháng ước đạt 9.332.3 tỷ đồng, đạt 39,3% kế hoạch, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 24,7% so với kỳ báo cáo trước); dịch vụ du lịch có nhiều khởi sắc trong tháng 5/2024, toàn tỉnh thu hút được 375.000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt 398 tỷ đồng; lũy kế 05 tháng thu hút được 1.487.500 lượt khách du lịch đạt 54% kế hoạch năm, doanh thu đạt 1.701 tỷ đồng; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, giữ vững.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Công Thương Tuyên Quang, giá trị xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện trong tháng 5 đạt 9,8 triệu USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 5 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 45 triệu USD, bằng 26,5% kế hoạch năm, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng chủ yếu được xuất khẩu là chè, giấy đế, bột giấy, hàng dệt may, bột barit, đũa gỗ, giày dép, antimony thỏi…
Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Sở Công Thương Tuyên Quang |
Một số sản phẩm giảm mạnh như sản phẩm hàng may mặc của Công ty TNHH MTV Seshin VN2, sản phẩm tai nghe của Công ty TNHH Future of Soud Vina giảm, sản phẩm chè xuất khẩu. Do đó, sản lượng và giá trị xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp đã có hàng hóa và thị trường xuất khẩu vẫn đang nỗ lực tìm kiếm và mở rộng thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, duy trì các đối tác, bạn hàng truyền thống và cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Ông Ngô Đức Tú, Giám đốc Công ty cổ phần chè Sông Lô cho biết, thị trường xuất khẩu chủ yếu của công ty là các nước thuộc khu vực Trung Á, Đông Á, Nga... Thời điểm đầu năm, lượng hàng xuất khẩu của công ty thường thấp, từ tháng 7 trở đi xuất khẩu được nhiều hơn. Do các nước là thị trường truyền thống của công ty bước vào mùa lễ hội, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm đồ uống, trong đó có chè tăng rất cao. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu và phấn đấu đạt chỉ tiêu 2.300 tấn trong năm 2024.
Theo phân tích của Phòng Quản lý Thương mại - Xuất, nhập khẩu - Sở Công Thương Tuyên Quang, nguyên nhân giá trị xuất khẩu hàng hóa giảm là do các doanh nghiệp chưa tìm kiếm được đơn hàng mới, khủng hoảng địa chính trị lan rộng, suy thoái kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Future of Soud Vina nhận được ít đơn hàng bên hãng Sony đặt và bên Trung Quốc mới xây dựng một nhà máy sản xuất tai nghe, phụ kiện lớn, dẫn đến lượng đơn đặt hàng của Việt Nam bị giảm nhiều. Chính vì thế, tình hình xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Nỗ lực gỡ "nút thắt"
Hiện nay, UBND tỉnh, ngành Công Thương, các doanh nghiệp đang nỗ lực vượt khó, phát triển sản xuất để hoạt động xuất khẩu tiếp tục đà khởi sắc trong những tháng cuối năm.
Để đạt được chỉ tiêu giá trị xuất khẩu trong năm 2024, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng trong tỉnh cũng đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp về thủ tục, chính sách… nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp sản xuất, xuất khẩu ổn định. Cùng với đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, để huy động nguồn lực từ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, hỗ trợ, tạo điều kiện để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp và các dự án khác.
Mô hình trồng ớt xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa được triển khai tại Chiêm Hóa. |
Bên cạnh đó, cần thông tin nhanh chóng, kịp thời đến các doanh nghiệp các văn bản, chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, vận chuyển hàng hóa để các doanh nghiệp biết, chủ động triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, định vị thương hiệu cho các mặt hàng nông sản có lợi thế của tỉnh để xuất khẩu; xây dựng các kênh thông tin về các mặt hàng có chất lượng tốt và giá trị xuất khẩu cao cho thị trường và doanh nghiệp, kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản để trao đổi thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp này trong hoạt động xuất khẩu.
Để thúc đẩy xuất khẩu khởi sắc trở lại, doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt các thông tin về thị trường thế giới để ứng phó kịp thời trong sản xuất và xuất khẩu; đồng thời phải chủ động hội nhập, nắm bắt cơ hội từ các Hiệp định thương mại để thâm nhập thị trường. Từng doanh nghiệp phải chủ động xây dựng thương hiệu, giảm tính lệ thuộc hoặc xuất khẩu qua trung gian, tăng tính liên kết trong nội bộ ngành hàng để tăng cạnh tranh khi gia nhập thị trường mới, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.