Tuyên Quang: Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nào?
Khó khăn thách thức
Thời gian qua, hoạt động Xúc tiến đầu tư của Tuyên Quang có nhiều đổi mới, được triển khai đồng bộ, hiệu quả, nhận được sự đánh giá cao của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các hoạt động xúc tiến đầu tư đã thể hiện sự gắn kết của chính quyền với doanh nghiệp. Đó là luôn quan tâm, sẵn sàng đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, là cầu nối để tăng cường sự hợp tác, kết nối của các doanh nghiệp, hướng đến sự phát triển bền vững của địa phương.
Dự án sản xuất bao bì xuất khẩu PPE tại Cụm Công nghiệp Phúc Ứng của Công ty TNHH WooJin Vina Korea đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. (Ảnh: Anh Thư) |
Năm 2024, dù đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi), công tác xúc tiến đầu tư của Tuyên Quang vẫn đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại, ký kết 06 thỏa thuận hợp tác quốc tế, thu hút các dự án công nghệ cao từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và một số quốc gia phát triển khác. Đặc biệt, sự kiện Khai mạc Năm Du lịch tỉnh Tuyên Quang 2024 cùng Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ III đã góp phần nâng cao vị thế và quảng bá hình ảnh địa phương trên trường quốc tế.
Công tác cải thiện môi trường đầu tư được đẩy mạnh, với 267 doanh nghiệp mới thành lập, 24 hợp tác xã được cấp phép, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn lên 2.837. Trong năm 2024, địa phương này cũng hoàn thành đưa vào hoạt động 16 dự án, trong đó có hai dự án FDI đáng chú ý, dự án nhà máy nhiên liệu sinh khối EREX SAKURA Tuyên Quang của Nhật Bản và nhà máy sản xuất ván sàn tại Yên Sơn do Singapore đầu tư đã đi vào hoạt động, mang lại giá trị xuất khẩu cao.
Những tín hiệu khả quan trong thu hút đầu tư là thành quả của một quá trình thay đổi từ tư duy, nhận thức cho tới hành động trong việc đổi mới đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Tuyên Quang vẫn đối mặt với một số thách thức như việc chưa thu hút được nhiều dự án FDI quy mô lớn, tiến độ triển khai các dự án đầu tư còn chậm, hạ tầng khu công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Xúc tiến thu hút 10.000 tỷ đồng
Nhằm thu hút 10.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách và thành lập mới 395 doanh nghiệp, ngày 17/2, UBND tỉnh Tuyên Quang thông tin đã chính thức ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025.
Với nhà xưởng xây dựng bài bản, quy củ cùng với nguồn nhân lực dồi dào các Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp hứa hẹn sec hấp dẫn các nhà đầu tư vào tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Đức Lâm) |
Với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Hướng tới việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025 bao gồm các hoạt động nghiên cứu tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư; đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.
Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025 của Tuyên Quang tập trung vào việc thu hút chọn lọc nguồn lực trong và ngoài nước; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy triển khai dự án nhanh chóng; phát triển khu, cụm công nghiệp, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch. Đồng thời, chuẩn bị hạ tầng, quỹ đất, nhân lực để thu hút dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, du lịch.
Định hướng trong những năm tới, tỉnh Tuyên Quang ưu tiên phát triển toàn diện các ngành kinh tế trong đó công nghiệp là động lực chủ yếu, nông nghiệp làm nền tảng đảm bảo và dịch vụ làm điều kiện thúc đẩy.
Về ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư: Tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là giao thông, đô thị và công nghệ thông tin nhằm tăng cường kết nối liên vùng và thu hút đầu tư. Ưu tiên thu hút đầu tư theo hướng "xanh", gắn với chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, AI, năng lượng tái tạo…, đồng thời tìm kiếm hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, hướng đến các dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án thuộc các lĩnh vực như sau:
Đối với lĩnh vực công nghiệp: Phát triển các khu, cụm công nghiệp mới như Nhữ Khê - Đội Cấn, An Hòa - Long Bình An, Xuân Vân, Ninh Lai - Thiện Kế. Thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp công nghệ cao.
Về nông nghiệp: Phát triển Tuyên Quang thành trung tâm chế biến gỗ công nghệ cao, thu hút đầu tư vào nông nghiệp thông minh, sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến (cam, chè, dược liệu, tín chỉ carbon rừng…).
Về dịch vụ, thương mại, du lịch: Đầu tư vào hạ tầng du lịch tại Tân Trào, Mỹ Lâm, Na Hang - Lâm Bình, phát triển trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, y tế và giáo dục hiện đại.
Dự kiến Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025 bao gồm các hoạt động thuộc các nhóm nội dung: Nghiên cứu tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư; Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư; Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; Hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.
Với quan điểm, đường hướng đúng đắn, cùng các giải pháp mang tầm chiến lược, dài hạn, hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư của địa phương này, chắc chắn trong thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, là nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Hiện tại, tỉnh Tuyên Quang có 4 CCN đã thành lập gồm CCN Phúc Ứng (74ha, huyện Phúc Ứng); CCN Tân Thành (72,2ha, huyện Hàm Yên); CCN An Thịnh (75ha, huyện Chiêm Hóa) và CCN Khuôn Phươn (20ha, huyện Na Hang). Một cụm công nghiệp đã thành lập, được dự kiến mở rộng là CCN Thắng Quân (58ha; huyện Yên Sơn); một CCN được nghiên cứu thành lập cụm công nghiệp trên diện tích quy hoạch khu công nghiệp cũ là CCN Sơn Nam (50ha, huyện Sơn Dương). |