Nguy cơ tiềm ẩn tai nạn rất cao
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, những ngày qua, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Tuyên Quang thời tiết có những diễn biến phức tạo có mưa vừa, mưa to, dông, lốc và kèm theo sấm sét. Lượng mưa phổ biến từ 50 - 100 mm/đợt. Mưa lớn kéo dài kèm dông khiến nguy cơ sạt lở đất đá nơi đồi dốc, ngập úng vùng trũng, báo động rủi ro thiên tai cấp 1.
Những ngày qua với lượng mưa lớn, dự báo sẽ có lũ trên các hệ thống sông chảy qua địa bàn Tuyên Quang, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoa màu, gây ngập úng cũng như an toàn giao thông đường thủy. |
Tỉnh Tuyên Quang có 2 con sông chính là sông Lô và sông Gâm. Bên cạnh ưu thế thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy thì kéo theo đó là nỗi lo về tai nạn giao thông đường thủy, nhất là khi mùa mưa bão đã đến. Với địa hình ngắn dốc, có nhiều ghềnh, đá ngầm, độ dốc lớn tạo ra dòng chảy mạnh. Về mùa mưa, nước chảy xiết gây khó khăn cho hoạt động của các phương tiện. Bên cạnh đó, địa phương còn có hồ thủy điện Tuyên Quang và hồ thủy điện Chiêm Hóa. Trên 2 hồ này, các phương tiện giao thông đường thủy hoạt động chở khách, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản diễn ra khá sôi động. Về mùa bão, trên lòng hồ thường xảy ra dông tố tiềm ẩn nguy cơ lật thuyền, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân.
Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang cảnh báo, lũ trên các sông suối lên nhanh, biên độ lũ lớn gây cản trở giao thông, cuốn trôi lồng cá, thuyền bè trên sông, ảnh hưởng tới các công trình và ngập úng các vùng trũng thấp ven sông, suối.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Tuyên Quang, mặc dù tai nạn giao thông đường thủy nội địa trong thời gian gần đây hầu như không xảy ra nhưng trên thực tế vẫn có những diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Thể hiện rõ nhất là tình trạng khai thác cát, sỏi, khoáng sản trái phép làm thay đổi dòng chảy, luồng chạy tàu, xói lở các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy và nhà cửa, hoa màu của người dân.
Bên cạnh đó, một số bến đò không đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật nhưng vẫn cố tình hoạt động; nhận thức và ý thức chấp hành luật của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế. Điều này thể hiện khá rõ qua việc không tuân thủ đúng các quy định đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy như đi đò, đi phà không mặc áo phao... Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông đường thủy trên địa bàn chưa hoàn thiện, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết trong mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là rất lớn.
Nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông đường thủy
Với phương châm phòng ngừa là chính, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã tiến hành rà soát, xác định các điểm nguy hiểm để hướng dẫn đảm bảo an toàn cho các phương tiện, nhất là khu vực có nước chảy siết, các cầu qua sông trong thời điểm mực nước ở các sông dâng cao.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy Tuyên Quang luôn túc trực giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở chủ phương tiện và hành khách chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông tại các bến đò dọc tuyến sông Lô. |
Những ngày qua, các cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tuyên Quang đang tăng cường tuần tra trên tuyến sông Lô để tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân, chủ phương tiện thực hiện các biện pháp phòng, chống mưa bão.
Trung tá Chẩu Ngọc Anh, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Hàng năm chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trong mùa mưa bão. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải, Đội cảnh sát giao thông, trật tự các huyện tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải trên các tuyến đường thủy nội địa, các bến thủy, bến đò qua sông.
“Hiện trên địa bàn tỉnh có 31 bến thủy nội địa, 39 bến đò ngang sông với 788 phương tiện đã đăng ký, bao gồm 230 phương tiện vận tải hành khách và trên 550 phương tiện vận tải hàng hóa. Lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tiến hành kiểm tra, cương quyết xử lý đối với các chủ phương tiện vi phạm quy định về giao thông đường thủy. Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản trên 10 trường hợp vi phạm, xử phạt nộp ngân sách Nhà nước gần 40 triệu đồng. Đồng thời, lực lượng chức năng tiến hành yêu cầu ký cam kết và nhắc nhở 100% các chủ phương tiện thủy, chủ bến phà, bến đò chở khách sông chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa” Trung tá Chẩu Ngọc Anh cho biết thêm.
Tại các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đảm bảo giao thông đi lại an toàn khu vực lòng hồ, tạo thuận lợi cho người dân và du khách tham quan, du lịch trong mùa du lịch hè 2024. Trong đó, tập trung rà soát, thống kê phương tiện thủy đang hoạt động trên lòng hồ và hạ lưu sông Gâm; thành lập tổ công tác tăng cường kiểm soát phương tiện và sắp xếp việc neo đậu; nhắc nhở các phương tiện chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, đảm bảo đầy đủ các điều kiện kỹ thuật an toàn, trang thiết bị phòng chống cháy nổ, phao cứu sinh…
Thường xuyên kiểm tra các thuyền du lịch tại hồ thủy điệnTuyên Quang để đảm bảo an toàn cho du khách |
Trung tá Nguyễn Đức Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Na Hang chia sẻ, đơn vị tập trung rà soát, thống kê phương tiện thủy đang hoạt động trên lòng hồ và hạ lưu sông Gâm. Toàn huyện hiện có trên 80 tàu, thuyền làm dịch vụ du lịch đưa đón khách đi tham quan trải nghiệm trên vùng lòng hồ và 300 thuyền khai thác thủy sản của người dân. Đồng thời Đội thành lập tổ công tác tăng cường kiểm soát phương tiện và sắp xếp việc neo đậu; nhắc nhở các phương tiện chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn.
Anh Hà Hữu Đức, thị trấn Na Hang (Na Hang) là một cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Anh cho biết, gia đình anh có 2 thuyền du lịch hoạt động trên khu vực lòng hồ sinh thái Na Hang. Cơ sở của anh đã ký cam kết thực hiện đúng các quy định về an toàn giao thông đường thủy. Bên cạnh việc trang bị đầy đủ các thiết bị cứu sinh và đảm bảo tốt các yếu tố kỹ thuật, anh cũng chủ động xem dự báo thời tiết và tư vấn cho du khách trải nghiệm du lịch vào những ngày thời tiết thuận lợi để đảm bảo an toàn và giúp du khách có trải nghiệm tốt nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của lực lượng chức năng, người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông đường thủy, nghiêm túc thực hiện các quy định bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đường thủy nội địa, góp phần hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra trên địa bàn, nhất là trong mùa mưa bão.
Có thể nói, với sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, ý thức của người dân cũng như các chủ phương tiện đường thủy nội địa từng bước được nâng lên. Nhiều năm qua, Tuyên Quang không có vụ việc mất an toàn đường thủy nào xảy ra, tạo được sự an tâm, tin tưởng cho hành khách.