Những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, lượng nước lớn trên thượng nguồn các con sông Lô, sông Gâm,…liên tục dồn về. Cộng với việc xả lũ 8 cửa xả đáy của Thủy điện Tuyên Quang đã gây ngập úng tại nhiều khu vực tại các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang như các huyện: Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương và TP. Tuyên Quang.
Đặc biệt, từ đêm 10/9, gần như toàn bộ TP. Tuyên Quang đã bị ngập trong nước lũ, có những nơi mực nước ngập 2-3m. Đến chiều tối nay (11/9), mức nước lũ tại TP. Tuyên Quang đã có dấu hiệu giảm chậm.
Tính tới trưa 12/9, khu vực TP. Tuyên Quang ghi nhận tình trạng nước lũ bắt đầu rút, chỉ còn lại một số khu vực ven sông Lô vẫn đang ngập úng. Các tuyến trên địa bàn TP. Tuyên Quang cơ bản thông thoáng. Tuy nhiên, điện và nước vẫn chưa được cấp lại, do đó việc dọn dẹp sau lũ của người dân tiến hành rất khó khăn, một số hộ dân trong vùng bị ngập phải dùng nước lũ để dọn, rửa đồ đạc. Để có nước dọn dẹp nhà cửa, nhiều người dân phải di chuyển nhiều lần ra sông Lô để múc nước.
Người dân tất bật dọn dẹp nhà cửa sau khi nước lũ rút. (Nguồn ảnh: Báo Giao thông) |
Điện lực thành phố Tuyên Quang hiện đang tổng rà soát lại các khu vực điện quản lý gồm: 364 trạm biến áp, 500km trung thế, 4000km hạ thế. Tuy nhiên, nếu diễn biến thời tiết chuyển biến xấu thì nguy cơ cắt điện còn kéo dài. Hiện, đơn vị đã xây dựng các phương án để cấp điện trở lại cho người dân.
Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Tô Hoàng Linh cho biết, triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang khẩn trương khắc phục, tiếp tục kiểm tra, thống kê cụ thể tình hình thiệt hại do thiên tai xảy ra trên địa bàn.
Song song, tập trung chỉ đạo khắc phục ngay hậu quả mưa lũ, bảo đảm sản xuất; hỗ trợ ổn định đời sống cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng do thiên tai.
Bên cạnh đó, kịp thời thăm hỏi, động viên các hộ có gia đình có người bị thiệt mạng do thiên tai; đặc biệt chú ý kiểm tra, rà soát di chuyển kịp thời các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, đá đến nơi an toàn;
Tăng cường công tác thông tin, cảnh báo người dân thực hiện các biện pháp ứng phó; chủ động sử dụng ngân sách dự phòng để thực hiện việc khắc phục thiệt hại theo đúng quy định.
Ông Tô Hoàng Linh khẳng định, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội sẵn sàng tiếp nhận mọi ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân... về vật chất, lương thực, nhu yếu phẩm... dành cho người dân ảnh hưởng bởi lũ, để góp phần giúp người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định lại cuộc sống.
Cũng trong sáng nay 12/9, đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 tại các trường: Mầm non Tân Trào, Tiểu học Phan Thiết, THCS Ỷ La, THPT Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang), Tiểu học Đăng Châu (Sơn Dương). Cùng đi có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và UBND huyện Sơn Dương.
Đại diện các trường học trên địa bàn thành phố Tuyên Quang đã báo cáo nhanh với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão số 3. Các trường đều chủ động di chuyển tài sản, thiết bị dạy học lên vị trí cao hạn chế thiệt hại do ngập úng. Ngay khi nước rút, các trường đã huy động cán bộ giáo viên, phụ huynh, học sinh đến tổ chức vệ sinh dọn dẹp; kê lại bàn ghế, thiết bị dạy học…
Tại huyện Sơn Dương, các trường học đều không có thiệt hại về người, tài sản, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Bão số 3 khiến một số trường bị sập tường rào, sập nhà xe, gẫy đổ cây; trên 180 cán bộ, giáo viên, học sinh trên địa bàn huyện bị ngập nhà. Đến sáng 12/9, toàn huyện Sơn Dương đã có 41 trường đã tổ chức dạy học, còn 56 trường đang cho học sinh nghỉ học. Dự kiến ngày 13/9, các trường trên địa bàn Sơn Dương đều đón học sinh trở lại trường (trừ một số trường nằm dọc tuyến ven đê sông Lô).
Đồng chí Hoàng Việt Phương chia sẻ những khó khăn với các trường và biểu dương nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các thầy cô giáo đã chủ động lên phương án, triển khai sớm việc khắc phục hậu quả sau bão. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo các sở, UBND huyện, đơn vị liên quan có kế hoạch chỉ đạo, hỗ trợ các trường huy động thêm nhân lực, phương tiện đẩy nhanh công tác dọn dẹp vệ sinh, phun khử trùng… sớm tổ chức dạy học bình thường trên tinh thần trường phải bảo đảm an toàn về điện, có nước sạch, đã được phun khử trùng tiêu độc, phòng ngừa dịch bệnh mới đón học sinh trở lại trường học.
Ngay sau khi lũ lụt xảy ra, tỉnh Tuyên Quang đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, nhà nước, các Bộ ngành như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công Thương,... cùng hàng trăm chuyến xe nghĩa tình của đồng bào cả nước hướng về nhân dân Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh miền núi phía bắc nói chung như hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống sạch, thuốc men, quần áo chăn màn để nhân dân vùng lũ từng bước khắc phục khó khăn dần ổn định lại cuộc sống.