Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến tặng Bằng khen cho các em học sinh DTTS đạt giải Quốc gia |
Đây là lần thứ 6 Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu được tổ chức. 166 em học sinh, sinh viên DTTS được tuyên dương lần này thuộc 25 dân tộc, đến từ 30 tỉnh trên cả nước. Trong đó có 17 em đạt giải nhì, ba, khuyến khích trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; 94 em đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 2 em 3 năm liền xếp học lực giỏi và trúng tuyển vào đại học với số điểm trên 27 điểm; 42 em tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng loại xuất sắc. Đặc biệt năm nay có 11 em học sinh DTTS dưới 1.000 người (gồm Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu và Ơ Đu) trúng tuyển vào đại học.
Ông Đỗ Văn Chiến – Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT mong muốn, lễ tuyên dương sẽ góp phần lan tỏa tinh thần nỗ lực học tập của con em đồng bào DTTS |
Phát biểu tại lễ tuyên dương, ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu. Trong đó, chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng DTTS và miền núi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Mỗi năm, ngân sách nhà nước đã dành hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng trường, lớp học; mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; hỗ trợ gạo, tiền ăn để các em học sinh DTTS khó khăn có điều kiện học tập…
Đến nay, cả nước đã có 5 trường dự bị đại học, 314 trường phổ thông dân tộc nội trú, 975 trường phổ thông dân tộc bán trú; 14 trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề cho con em đồng bào DTTS; hầu hết các xã đều có trường mầm non, 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, trung tâm cụm xã có trường THPT. Nhờ vậy, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ngày càng cao, chất lượng từng bước được nâng lên rõ rệt.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình - phát biểu động viên các em học sinh, sinh viên |
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình - đã biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng tinh thần nỗ lực học tập, rèn luyện của 166 em học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc được tuyên dương. Đồng thời biểu dương tinh thần tận tâm, trách nhiệm và đóng góp rất hiệu quả của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể đã động viên, chăm lo cho các em trong suốt quá trình học tập để đạt được thành tích đáng tự hào.
Màn hát múa chào mừng lễ tuyên dương |
Để công tác giáo dục và đào tạo ở vùng DTTS và miền núi tiếp tục đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực - Trương Hòa Bình đề nghị: Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung, giáo dục vùng DTTS và miền núi nói riêng. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục đào tạo vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục. Cùng với đó, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện kinh tế, quy mô phát triển giáo dục của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường và tham gia học tập chất lượng.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh cùng đoàn đại biểu và học sinh, sinh viên vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Cùng với việc được tuyên dương trang trọng tại Nhà hát lớn, trong hai ngày 24, 25/11, 166 em học sinh, sinh viên DTTS tiêu biểu đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công với Bác; Thăm quan Khu di tích Phủ Chủ tịch; Văn miếu Quốc Tử Giám; tham dự Gala Diner ấm cúng và ý nghĩa.
Những gương mặt xuất sắc, đại diện cho các em học sinh, sinh viên DTTS nhận phần thưởng tại lễ tuyên dương |
Vinh dự, tự hào vì được lựa chọn để tham dự lễ tuyên dương, thay mặt cho 166 học sinh, sinh viên tiêu biểu, em Lâm Văn Thanh - người dân tộc Khmer, sinh viên Đại học Công an TP. Hồ Chí Minh xúc động chia sẻ: Được Đảng, Nhà nước quan tâm động viên, chúng em rất phấn khởi, chúng em sẽ luôn ghi nhớ lời chia sẻ, căn dặn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Đỗ Văn Chiến: “Kết quả các em đạt được hôm nay mới là buổi đầu. Phía trước còn nhiều khó khăn thử thách. Chính vì vậy các em không được bằng lòng với những gì đã đạt được, phải tiếp tục chăm chỉ học tập văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, các kỹ năng mềm để sau này trở thành người có ích, tìm được việc làm, có thu nhập đảm bảo cuộc sống và giúp đỡ gia đình; làm giàu cho quê hương, đất nước”.