Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mulatu Teshome bắt tay trước hội đàm hẹp |
Dưới đây là toàn văn Tuyên bố chung:
1. Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia Mulatu Teshome, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Ethiopia từ ngày 23 đến 25 tháng 8 năm 2018. Lễ đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang do Tổng thống Mulatu Teshome chủ trì, được tổ chức trọng thể tại sân bay quốc tế Bole, Thủ đô Addis Ababa. Ngày 23/8/2018, Tổng thống Mulatu Teshome đã hội đàm và chủ trì Quốc yến chiêu đãi Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
2. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Abiy Ahmed, Chủ tịch Thượng viện Keria Ibrahim; thăm trụ sở Liên minh châu Phi (AU) và gặp Quyền Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Amira Elfadil Mohammed Elfadil.
3. Trong khuôn khổ cuộc hội kiến, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng Ngài Abiy Ahmed vừa được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Đảng Mặt trận Cách mạng Dân chủ Nhân dân Ethiopia và Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia, mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế xã hội của Ethiopia, hợp tác giữa hai Đảng cầm quyền, cũng như tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao Ethiopia trong việc giữ vững môi trường ổn định chính trị và duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao nhất châu Phi, nâng cao đời sống nhân dân, đóng góp cho hòa bình, phát triển ở khu vực.
Thủ tướng Abiy Ahmed chúc mừng Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội và đối ngoại, đặc biệt là thành công của Hội nghị cấp cao APEC 2017; tin tưởng Việt Nam sẽ sớm đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có vai trò và vị thế ngày càng cao ở khu vực và trên thế giới. Trên tinh thần đó, Thủ Tướng Abiy Ahmed bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác đa lĩnh vực với Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp và nông nghiệp của Việt Nam.
4. Cuộc hội đàm chính thức giữa Tổng thống Ethiopia Mulatu Teshome và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị và nồng ấm. Hai nhà lãnh đạo trao đổi sâu rộng về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm, về quan hệ toàn diện giữa hai nước và những biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới. Hai bên cũng thông báo cho nhau về tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Tổng thống Ethiopia Mulatu Teshome nhấn mạnh chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới Ethiopia tạo nên một mốc son, đưa quan hệ hai nước phát triển lên một bước quan trọng trong lịch sử quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước.
5. Về hợp tác kinh tế, hai bên đánh giá tiềm năng lớn phát triển kinh tế thương mại giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương theo hướng: (i) cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường của nhau; (ii) thúc đẩy tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh như dệt may và da giầy, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm, nông lâm thủy sản, phát triển cơ sở hạ tầng... Trên tinh thần đó, Ethiopia hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư vào nhiều lĩnh vực ở Ethiopia.
6. Hai bên nhất trí sớm triển khai Hiệp định Dịch vụ hàng không và mở đường bay thẳng kết nối hai nước để thúc đẩy thương mại, du lịch và giao lưu nhân dân.
7. Hai nhà Lãnh đạo đã chứng kiến việc ký kết các Thỏa thuận hợp tác bao gồm: (i) Hiệp định Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, (ii) Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, (iii) Bản ghi nhớ về khuyến khích đầu tư; đồng thời nhất trí tiếp tục trao đổi, sớm thống nhất nội dung để đi đến ký kết các Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Tránh đánh thuế hai lần, Thương mại song phương nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư.
8. Hai bên đánh giá cao quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ethiopia, đồng thời khẳng định cần tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai nước thông qua việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc ở các cấp trên các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, địa phương, nhân dân, doanh nghiệp hai nước, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị, cũng như mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo…
9. Hai nhà lãnh đạo đều đánh giá cao vai trò và vị thế của mỗi nước trong các tổ chức khu vực và quốc tế mà hai nước là thành viên như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Liên minh châu Phi, ASEAN. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao Ethiopia trong vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2017 - 2018 đã có nhiều đóng góp cho chương trình nghị sự của Liên hợp quốc, góp phần xây dựng, củng cố an ninh, hòa bình trên thế giới. Hai bên nhất trí sẽ tăng cường phối hợp, trao đổi lập trường, ủng hộ các ứng cử của nhau tại các diễn đàn của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.
Ethiopia ghi nhận việc Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương cho vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục đóng góp vào hợp tác Nam - Nam, củng cố Phong trào Không liên kết và đề cao vai trò các nước đang phát triển trong cộng đồng quốc tế. Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ ủng hộ Ethiopia gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đàm phán gia nhập của Việt Nam.
10. Hai bên khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực và cùng nỗ lực vì sự tiến bộ và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi, đặc biệt trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm như gìn giữ hòa bình, phát triển bền vững, ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước và an ninh lương thực, phòng chống HIV,… Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao vai trò của Ethiopia trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đóng góp tích cực cho việc củng cố hòa bình tại châu Phi. Tổng thống Ethiopia Mulatu Teshome khẳng định sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực này. Với vị trí là nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Phi (AU), Ethiopia cũng cam kết sẽ ủng hộ Việt Nam tăng cường hợp tác với châu Phi và là cầu nối cho quan hệ giữa Việt Nam với AU.
11. Hai nhà lãnh đạo trao đổi toàn diện và sâu sắc về các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai bên cho rằng hòa bình, ổn định là nhu cầu thiết yếu nhằm mục tiêu phát triển, xây dựng cuộc sống phồn thịnh cho nhân loại. Hai bên kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hợp tác để giải quyết các xung đột, ngăn ngừa các xung đột vũ trang bằng các biện pháp hoà bình, như thông qua tham vấn, đàm phán,… phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế. Theo đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh việc Ethiopia và Eritrea ký kết thỏa thuận hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế chống khủng bố, mối đe dọa chung các dân tộc yêu chuộng hòa bình.
12. Chủ tịch nước Trần Đại Quang chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Tổng thống Mulatu Teshome, Thủ tướng Abiy Ahmed và người dân Ethiopia thân thiện và trân trọng mời Tổng thống Mulatu Teshome, Thủ tướng Abiy Ahmed sớm thăm Việt Nam. Tổng thống và Thủ tướng Ethiopia vui vẻ nhận lời và đồng ý thời điểm chuyến thăm sẽ được thống nhất qua đường ngoại giao.
Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Ethiopia |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến Thủ tướng Ethiopia |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Tổng thống Ethiopia |