Các Bộ trưởng APEC cam kết bảo vệ hệ thống an ninh lương thực và đưa ra lộ trình đến năm 2030 Các tổ chức quốc tế phối hợp hành động khẩn cấp về an ninh lương thực |
Theo đó, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các nước đã lên tiếng cảnh báo về "những tác động toàn cầu đối với an ninh lương thực" do xung đột Nga- Ukraine và nhấn mạnh "tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc duy trì thị trường nông nghiệp và thương mại cởi mở và có thể dự đoán được". Điều đó sẽ "đảm bảo dòng chảy liên tục của thực phẩm, cũng như các sản phẩm, dịch vụ và đầu vào thiết yếu cho chuỗi cung ứng và sản xuất nông nghiệp và thực phẩm". Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo chiến tranh và các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow đã làm gián đoạn nguồn cung cấp lương thực toàn cầu, làm dấy lên lo ngại nạn đói lan rộng.
Hồi tháng 3, chuyên gia David Beasley, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng xung đột ở Ukraine có thể đưa cuộc khủng hoảng đói toàn cầu lên mức cao hơn bất cứ điều gì từng thấy trước đây. Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc cho rằng xung đột sẽ có nghĩa là "thực phẩm, nhiên liệu và chi phí vận chuyển tăng vọt, thực phẩm ít hơn cho những người chết đói và thậm chí nhiều người sẽ đói hơn." Nga và Ukraine, nơi có các vùng trồng ngũ cốc rộng lớn nằm trong số những vùng trồng lúa mì chính của thế giới, chiếm một tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của toàn cầu trong một số mặt hàng chính, bao gồm lúa mì, dầu thực vật và ngô. Hai nước này chiếm 30% thương mại lúa mì toàn cầu.
Chiến tranh đã khiến giá cả hàng hóa tăng vọt, với giá dầu hướng dương và dầu colza tăng 40% ở châu Âu trong hai tháng. Và tình trạng hỗn loạn trên các thị trường càng trở nên sâu sắc hơn khi một số quốc gia đang cân nhắc việc cắt giảm xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước. Quyết định tạm dừng xuất khẩu dầu cọ mới đây của Indonesia trước tình trạng khan hiếm trong nước đã đẩy giá dầu thực vật lên mức cao mới. Cũng có suy đoán rằng Ấn Độ, nhà sản xuất lúa mì số hai thế giới bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng kỷ lục, sẽ hạn chế xuất khẩu ngũ cốc - điều mà New Delhi phủ nhận. Indonesia và Ấn Độ không nằm trong số 51 quốc gia thành viên WTO đã ký tuyên bố ngày 6/5. Các quốc gia nông nghiệp lớn như Brazil và Argentina cũng không tham gia tuyên bố này. Tài liệu nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc hạn chế tích trữ và tích trữ quá mức các sản phẩm nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này vốn thường được xuất khẩu." Các nước cam kết làm việc cùng nhau để đảm bảo "thực phẩm đủ, an toàn, giá cả phải chăng và bổ dưỡng" luôn sẵn sàng cho mọi người, đồng thời cam kết giữ cho thị trường nông sản và thực phẩm của họ luôn "mở".
Các nước cảnh báo việc áp dụng các biện pháp như cấm và hạn chế xuất khẩu phi lý đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, làm tăng sự không chắc chắn và có thể dẫn đến vòng xoáy tăng giá và các hạn chế hơn nữa. Các biện pháp giảm thiểu tác động đến an ninh lương thực của bất kỳ quốc gia nào nên ít gây méo mó thị trường nhất có thể và phải tuân theo các quy định của WTO. Các nước nhấn mạnh không nên áp đặt lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu đối với thực phẩm do Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ mua vì mục đích nhân đạo.