Hợp đồng điện tử - Công cụ không thể thiếu của doanh nghiệp chuyển đổi số Ứng dụng VssID: Bước đột phá về chuyển đổi số ngành bảo hiểm xã hội |
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và ngày càng trở nên cấp thiết hơn đối với các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội. Không nằm ngoài xu hướng này, hoạt động bảo hiểm tiền gửi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng có những thay đổi mạnh mẽ.
Chuyển đổi số - chủ trương lớn
Có thể nói, “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là kim chỉ nam cho các hoạt động chuyển đổi số trong các cơ quan tại Trung ương và địa phương. Theo đó, chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương. Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và mục tiêu, động lực của chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Để triển khai có hiệu quả hơn, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, giáo dục tài chính, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, đúng quy định pháp luật. Thúc đẩy các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng để phát triển, cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, an toàn, tăng cường trải nghiệm khách hàng và đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp.
Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu cơ bản đến năm 2030, các tổ chức tín dụng sẽ có ít nhất 70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số và tối thiểu 80% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số. Đồng thời, sự kiện “Ngày chuyển đổi số” sẽ được Ngân hàng Nhà nước định kỳ tổ chức hàng năm. Các chương trình giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp sẽ được triển khai để tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, hiệu quả. Không chỉ vậy, khuôn khổ pháp lý sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Hạ tầng số, Chính phủ điện tử, mô hình Ngân hàng số dần được nâng cấp, xây dựng và hoàn thiện,….
Có thể thấy rằng, chủ trương chuyển đổi số được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thông suốt, thực hiện một cách có hệ thống. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng đã và đang triển khai từng bước chuyển đổi số một cách đồng bộ, hiệu quả trên tất cả các mặt hoạt động
Bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền
Trong tiến trình chuyển đổi số chung của ngành ngân hàng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã từng bước quán triệt, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ, làm cơ sở bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo đó, bám sát sự chỉ đạo và định hướng của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cũng như kế hoạch của toàn ngành ngân hàng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã ban hành các văn bản triển khai chuyển đổi số tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo chuyển đổi số tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam,…
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiếp tục thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số phù hợp với tiềm lực về nguồn tài chính, nhân sự, hệ thống cơ sở hạ tầng,... Đồng thời, xác định rõ chiến lược xây dựng tổ chức bảo hiểm tiền gửi số hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt chú trọng cấu phần đảm bảo an ninh, an toàn, nhất là an ninh mạng. Xây dựng, phát triển và nhất quán thực hiện văn hóa số, trong đó có văn hóa ra quyết định trên cơ sở thông tin, dữ liệu.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn đề cao phương châm “lấy người gửi tiền làm trung tâm”, hướng tới giáo dục, tuyên truyền để người gửi tiền nhận thức được tính tiện ích của các dịch vụ số hóa, đẩy mạnh các giao dịch trực tuyến, khuyến khích sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Mặt khác, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng cần thiết kế phần mềm ứng dụng, số hóa quy trình nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi để đáp ứng sự tiện dụng, nhanh chóng, nhu cầu đa dạng của người gửi tiền cũng như các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Trong thời gian tới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ tăng cường thiết lập quan hệ trao đổi thông tin, quy trình nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi trên nền tảng số, chú trọng nâng cấp cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực thu thập, sàng lọc, phân tích và quản lý Big Data, ứng dụng AI để nắm bắt, đảm bảo sự thông suốt, giúp nhanh chóng phát hiện những rủi ro đối với an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, đưa ra cảnh báo chính xác, kịp thời. Từ đó, có những tham mưu, đề xuất hợp lý đối với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Để thực hiện tiến trình chuyển đổi số, chất lượng nguồn nhân lực cần được chú trọng hơn, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo chuyên sâu nhằm trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Các công tác tuyển dụng, chế độ đãi ngộ cần hướng tới “nhân sự số” hơn như việc phát triển hệ sinh thái, phân tích dữ liệu…