Sản phẩm ốc sau mạ được Xuân Hòa sản xuất cho Toyota |
Đổi mới công nghệ để tăng năng suất
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm nội, ngoại thất, ông Lê Duy Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Xuân Hòa - cho biết, những năm gần đây, công ty đã không ngừng đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ ở trình độ tiên tiến, hiện đại của Nhật Bản, Italia, Đài Loan.
Theo đó, dây chuyền tẩy bóng điện hóa inox được đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2013 với tổng giá trị đầu tư 13 tỷ đồng, dây chuyền có công nghệ tự động hoàn toàn cho ra 2.000 sản phẩm ghế/ngày, số nhân công trực dây chuyền cũng giảm xuống còn 7 so với 9 người ở dây chuyền cũ; năng suất lao động đã tăng lên 70% tại công đoạn này. Đồng thời, chất lượng sản phẩm có độ bóng cao hơn, bền màu hơn, tỷ lệ lỗi hỏng giảm từ 1% xuống còn 0,5%. Trong khi đó, dây chuyền gia công cơ khí tự động liên hoàn uốn, đột Savagnini P2 và AMADA 2510 đã cho công suất một ngày là 150 tủ, tăng 2 lần so với máy thế hệ cũ. Tỷ lệ lỗi hỏng hầu như không có, các chi tiết được đột/uốn với độ chính xác cao, thời gian lắp ráp sản phẩm cũng vì thế mà giảm xuống.
Tại Công ty CP Lilama 18, cùng với việc mở rộng thêm 10ha ở Bình Dương, công ty đã đầu tư thêm nhiều thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất như: 2 cổng trục (Gramtry Crane) 30T và 20T, 4 cầu trục (Overhead Crane) từ 10T-30T, 10 máy cắt CNC (Kobe – Nhật Bản) có khả năng cắt tôn dày đến 200mm, 4 máy doa di động, 4 máy hàn tự động Lincon có công suất DC-1000A. Việc đầu tư thêm nhà xưởng, máy móc, thiết bị hiện đại đã giúp Lilama 18 chủ động hơn trong công việc, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Tự tin tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Nhờ đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, đã giúp nhiều doanh nghiệp từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chẳng hạn như Công ty CP Xuân Hòa đã ký hợp đồng với Toyota sản xuất giá đỡ của ghế xe ôtô, hay với IKEA sản xuất các chi tiết cho các sản phẩm nội thất văn phòng, gia đình…
Còn tại Lilama 18, công ty đã xuất khẩu được hàng chục nghìn tấn thiết bị cho các đối tác như Hoa Kỳ, Đức, Australia… Nhiều năm liền, doanh thu xuất khẩu thiết bị của Lilama 18 chiếm 30% tổng doanh thu của công ty (xấp xỉ 400 tỷ đồng mỗi năm). Công ty đã chế tạo thiết bị cẩu trục cho hãng Kocks (Cộng hòa liên bang Đức), thiết bị lò cán thép nguội cho đối tác Danieli (Italia)…
Như vậy có thể thấy, để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu các doanh nghiệp cơ khí trước hết phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thời gian giao hàng, giá thành cạnh tranh và để làm được điều đó, công tác đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động không thể tách rời.