Mới đây, xuất hiện bài đăng trên mạng xã hội liên quan đến việc một người khuyết tật kể chuyện mình bị "từ chối phục vụ" vì đi xe lăn đã thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng.
Theo nội dung bài đăng trên tài khoản Facebook của anh V.M.L, anh cùng bạn gái đến một quán phở ở Hà Nội. Do bị liệt bẩm sinh, phải ngồi xe lăn, khi anh nhờ nhân viên bê xe qua bậc tam cấp, họ đã từ chối với câu trả lời "quán em không có nhân viên để khiêng người như anh". Đến quán phở thứ hai, chỗ ngồi bé, chủ nhân bài đăng hơi chen vào chỗ bà chủ quán. Bà liền đứng phắt dậy, mắng nhân viên: "Ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?".
Từ câu chuyện đó đã nổ ra nhiều bình luận trái chiều về sự việc. Người thì bức xúc, lên án hai quán phở đã phân biệt đối xử với người khuyết tật. Người cho rằng, câu chuyện của L. thật khó tin, gây tiếng xấu cho người Hà Nội và văn hóa Hà Nội...
Hình ảnh Tiktoker V.M.L. trong bài tố bản thân "bị đuổi khỏi quán phở" gây bức xúc dư luận |
Thực hư câu chuyện các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác mình. Ai đúng, ai sai rồi cũng sẽ rõ. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, phía sau câu chuyện còn là vấn đề công trình hỗ trợ tiếp cận dịch vụ công cộng dành cho người khuyết tật hiện đang thiếu và hạn chế.
Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có gần 8 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 8% dân số. Đây là những người thuộc nhóm đối tượng yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Để bảo vệ người khuyết tật, giảm thiểu sự kỳ thị, phân biệt đối xử, nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật với các quy định khá đầy đủ.
Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định: "Tiếp cận là việc người khuyết tật sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng". Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật Việt Nam phê chuẩn năm 2014 nêu rõ: Không phân biệt đối xử, bình đẳng về cơ hội…
Trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2014/BXD về Xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng cũng quy định: Đường vào công trình, lối vào ít nhất phải có một đường vào đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng và phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn về đường dốc như chiều dài, chiều rộng, độ dốc, tay vịn…
Quy định là vậy nhưng thực tế, khảo sát ở nhiều công trình công cộng, hạng mục hỗ trợ khách hàng là người khuyết tật vẫn "đếm trên đầu ngón tay". Một số nơi, dù có thiết kế tiếp cận người khuyết tật nhưng không đúng tiêu chuẩn nên có cũng như không.
Nhìn một cách thẳng thắn, ngay tại Hà Nội, trên nhiều tuyến phố và các trung tâm giải trí công cộng, các khách sạn, nhà hàng… vẫn còn nhiều sự bất hợp lý của kết cấu hạ tầng. Chưa tính đến việc làm vệt dốc hoặc lát các tấm cảnh báo, tấm lát hướng dẫn tại các nút giao thông, lối vào công trình còn chưa thuận lợi cho người khuyết tật. Một số nhà vệ sinh có biển ghi dành cho người sử dụng xe lăn nhưng sau một thời gian lại thành nhà kho, cửa khóa trái.
Đơn cử như hồ Hoàn Kiếm là không gian công cộng nổi tiếng của Thủ đô nhưng người khuyết tật cũng khó có khả năng tiếp cận. Có rất ít lối lên cho xe lăn và biển báo cho người khuyết tật, nhà vệ sinh để người khuyết tật sử dụng.
Hay tuyến xe buýt nhanh BRT - một công trình công cộng hiện đại ở ngay Thủ đô nhưng không đáp ứng nhu cầu sử dụng cho mọi đối tượng. Trên xe đều dành chỗ riêng cho người khuyết tật, sử dụng xe lăn; thế nhưng hạ tầng kỹ thuật của cầu đi bộ kết nối với nhà chờ xe buýt đều có độ dốc cao, không có đường dành cho xe của người khuyết tật. Một số lối dẫn vào nhà chờ lại có thanh sắt, dây xích chắn ngang…
Nhiều công trình công cộng đang "bỏ quên" người khuyết tật. Ảnh minh họa |
Với xu thế phát triển của xã hội, người khuyết tật đang nỗ lực sống hòa nhập với cộng đồng. Họ đi học, đi làm, đi khám chữa bệnh, tham gia thể thao, văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí, tham gia đóng góp sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương...
Việc người khuyết tật được sử dụng các công trình công cộng như những người bình thường khác là quyền lợi chính đáng của họ, chứ không phải sự giúp đỡ hay ban ơn của xã hội. Nó bảo đảm cho người khuyết tật được tôn trọng như tất cả những người bình thường khác và được hưởng quyền bình đẳng thực sự trong đối xử.
Do đó, việc tiến hành cải tạo và sửa chữa công trình công cộng để người khuyết tật tiếp cận và sử dụng là hết sức thiết thực và cần thiết trong việc xây dựng một xã hội không rào cản.
Quay lại câu chuyện của anh V.M.L. nêu trên, thực tế có xảy ra đúng như lời anh L. thuật lại hay không vẫn đang được xác minh. Tuy nhiên, câu chuyện gây tranh cãi vừa qua cũng thực sự đáng tiếc...
Chuyện đáng tiếc lẽ ra đã không xảy ra nếu chúng ta có nhiều hơn nhà hàng, công trình "thân thiện", có lối tiếp cận, có chỗ riêng cho những người khuyết tật...