Nhắc đến Quảng Trị, trước đây nhiều người nhớ đến là vùng “đất lửa”, mảnh đất linh thiêng, và giờ đây họ còn nhắc nhiều về “trung tâm năng lượng”. Vùng đất đầy gió, nắng và cát ấy một thời gian khó, giờ đang “biến bất lợi thành tiềm năng”, dần phát huy hiệu quả. |
TỪ KHE GIÓ MANG NGUỒN SÁNG VỀ CHO QUẢNG TRỊ |
Khi hỏi cảm xúc về dự án điện gió đầu tiên (Dự án điện gió Hướng Linh 2 của Tân Hoàn Cầu Group) tại Quảng Trị đi vào hoạt động, ông Chính xúc động: “Mình mừng, mừng dễ sợ lắm. Đó là dự án điện gió đầu tiên tại Quảng Trị, mở đầu cho sự phát triển không ngừng của năng lượng tại tỉnh, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, phát huy tiềm năng vùng đất khó khăn bao lâu nay mà sao không vui mừng được…”. |
Hỏi về địa phương có ý tưởng từ đâu mà quyết tâm thực hiện những dự án năng lượng điện gió tại Quảng Trị như thế, ông Chính nhớ lại: Không phải ngẫu nhiên mà có. Đầu tiên là phát hiện của Vestas, là một công ty chuyên cung cấp thiết bị điện gió. Họ đo gió trên vệ tinh và thấy có vùng gió địa hình tốt ở 3 khu vực phía Tây của tỉnh. Từ đó thì có doanh nghiệp vào đo gió để kiểm tra. Đến cuối năm 2014 thì trình ra Bộ Công Thương 4 dự án điện gió đầu tiên dựa trên kết quả đo gió của doanh nghiệp. Bắt đầu cho thực hiện 2 cái, Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2. Năm 2015- 2017 mới triển khai thi công, phát điện, đó là những dự án đầu tiên. |
Khi phát điện thành công, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất chủ trương giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị trình Bộ Công Thương để xin quy cụ dự án khác để triển khai thực hiện. Có điện là một chuyện, đường dây truyền tải là một chuyện khác, thấy rõ được tính cấp bách trong việc truyền tải điện. Sau đó, địa phương trình Bộ Công Thương và Chính Phủ để xin làm đường dây 220 KV từ Lao Bảo về Đông Hà để giải phóng công suất điện sản xuất ra, từ đó tạo ra điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ sở để phát triển điện gió. Nhiều người thấy dự án đầu tiên thành công nên họ xin làm, và giai đoạn sau này thì gần như họ đã lấy các số liệu tương tự để thực hiện. Như vậy, hiện có trên 19 dự án đã thực hiện và 3 dự án tiếp tục đề xuất triển khai. |
“Mới đầu, Quảng Trị đi nghiên cứu ở Bình Thuận, Ninh Thuận, thấy có triển vọng, do đó mới thúc đẩy, quảng bá, đưa ra các dự án năng lượng tái tạo. Ban đầu lo sợ rằng không có đủ gió bởi vì mình đã đi khảo sát rất nhiều nơi, qua tận bên Thái Lan khảo sát nhưng có trường hợp làm xong nhà máy điện không chạy được, do hiệu suất phát điện thấp. Còn Quảng Trị thì hiệu suất trong một năm rất cao, nhất là khu vực Khe Gió. Đây là khu vực gió đều. Gió địa hình là có luồng gió đi, phía trên đo được, quan sát được. Thứ nhất là nó đều hơn và cái thứ hai nữa là gió phơn hướng Tây Nam vào mùa hè này là phát huy hiệu quả nhất. Bởi vì gió phơn Tây Nam mạnh nên mang lại hiệu suất phát điện cao. Mùa hè là mùa cao điểm dùng điện nên càng hiệu quả. Từ đó Quảng Trị càng có thêm quyết tâm, để tiếp tục triển khai các dự án năng lượng tái tạo”, ông Chính nhớ lại. |
Phát huy tiềm năng năng lượng vùng "đất lửa" |
Nói về Quy hoạch Điện VIII, với việc đề xuất của Quảng Trị, ông Chính nhìn nhận: Sơ lược về Điện VII thì hiện nay đang xin để bổ sung về một số dự án điện gió mà tỉnh đã trình lên Bộ Công Thương. Nếu làm được có thể làm thêm 1000 đến 1500 MW nữa, nhưng quan trọng nhất là vấn đề về đường dây truyền tải. Nếu có được đường dây 500KV từ Lào về thì có thể phát triển trên vùng Tây của Quảng Trị khoảng thêm 1000 đến 2000 MW. |
Chia sẻ về các loại hình năng lượng tại Quảng Trị, ông Chính nhìn nhận: Điện bây giờ họ khống chế các vùng, vì miền Trung thì thừa điện, miền Bắc thì thiếu điện, bây giờ phải chuyển tải ra Bắc. Quảng Trị đã có nhiều dự án điện gió, điện mặt trời (Quảng Trị có 3 dự án là 150 MW), giờ làm dự án điện khí. Còn điện than thì bây giờ gặp khó khăn. Khó khăn này là không phải khó khăn từ tỉnh Quảng Trị hay Việt Nam mà khó khăn là việc nhà đầu tư chưa huy động được vốn, chưa thu xếp được vốn bên ngoài. Điện than đã được Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương cho… Cái này của tập đoàn điện lực Thái Lan là làm (tại huyện Hải Lăng-PV) nhưng bây giờ thì gặp khó khăn thu xếp vốn nên giờ đây sẽ có 3 phương án. Phương án thứ nhất là nếu huy động được vốn thì làm nhiệt điện than. Còn phương án thứ 2 là chuyển qua khí. Phương án thứ 3 là nếu không huy động được vốn thì phải dừng lại. Còn cái điện khí (tại huyện Hải Lăng- PV) thì bây giờ đang đề nghị là đưa vào quy hoạch. Dự kiến của tỉnh đến năm 2030 là phát triển khoảng 5000 MW là hoàn toàn có tính khả thi nếu như Trung ương đưa vào sơ đồ Điện VIII. |
“Hiện nay toàn tỉnh đã có 939MW điện gồm mặt trời, điện gió, thuỷ điện. Nhưng trong đó, điện gió là 671 MW, điện mặt trời 150 MW( chưa kể 104 MW điện áp mái nhà). Như vậy là hơn 1000 MW vận hành , đáp ứng được 1/5 mục tiêu. Bây giờ muốn đạt được mục tiêu thì cần phát triển tiếp điện gió, thêm được khoảng 1500 MW nữa, cộng với dự án điện khí đã khởi công với 1500 MW. Như vậy, cộng thêm một số dự án điện mặt trời nữa là có thể đáp ứng được mục tiêu khoảng 5000 MW (chưa kể dự án nhiệt điện than)”, ông Chính nói. |
Nói về việc Quảng Trị vừa đề xuất đưa các dự án vào quy hoạch Điện VIII là hợp lí chưa, ông Chính nhận xét: “Đề xuất là hợp lí. Nếu Trung ương chấp nhận cho vào Quy hoạch Điện VIII để phát triển điện ở vùng đất này là rất hợp lí. Bởi vì thứ nhất, là vùng đồi núi thì phát triển điện gió cũng không chiếm nhiều diện tích lắm. Thứ 2 là, trên vùng điện gió đó ở dưới có thể trồng các loại cây tán thấp, như vậy có thể phát triển được. Vấn đề quan trọng nhất là bây giờ phải làm thế nào để chống sạt lở, vì sạt lở sẽ ảnh hưởng đến nhân dân trong vùng dự án và trực tiếp là các dự án điện gió, có thể mất cả trăm trăm tỉ/trụ”. Chia sẻ về việc các dự án năng lượng góp phần thu ngân sách cho địa phương, ông Chính phân tích: “Theo lí thuyết thì 1 MW thu ngân sách khoảng 1 tỷ đồng/ năm khi nào phát điện ổn định và hết thời gian ưu đãi. Nhưng mà thường giai đoạn đầu thì chỉ thu từ 300 đến 600 triệu đồng/ 1MW/năm, tuỳ theo dự án”. |
NHỮNG VƯỚNG MẮC CẦN THÁO GỠ |
Ông Chính cho rằng, vừa rồi một số chậm trễ trong đấu nối cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp. Nếu như trong trường hợp chậm trễ trong đấu nối, không làm được truyền tải đến cho nhà đầu tư phát điện lên lưới, thì sẽ thiệt hại. Máy đã chạy nhưng không bán được điện để phát thì đó là lãng phí. Đó là lãng phí xã hội. Doanh nghiệp, ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn và nền kinh tế cũng không tăng trưởng được vì do không tận dụng được nguồn lực từ năng lượng. |
“Kể cả những đơn vị làm xong rồi nhưng lại bị trễ so với thời điểm giá điện ưu đãi thì càng khó khăn hơn. Những đơn vị làm thì nên có chính sách cụ thể cho cái này và sau này thì vẫn nên tiếp tục. Hiện nay thì có một vấn đề nữa để tạo cho năng lượng phát triển đó là phải sớm xác định giá. Sau khi giá ưu đãi kết thúc rồi thì phải có giá mới, có thể thấp hơn hoặc cao hơn thì phải tính, cần phải khuyến khích”, ông Chính đề xuất. |
Theo ông Chính, thực ra, với năng lượng tái tạo, nếu như Chính phủ mình có chính sách cụ thể như vừa qua, ví dụ như giá ưu đãi cho điện mặt trời, áp mã giá ưu đãi trước ngày 30/6/2019, hoặc là giá ưu đãi điện gió trước 31/10/2021 thì rất nhanh chóng để có thể phát triển nguồn điện ở lĩnh vực năng lượng tái tạo. Và có lẽ đó là một trong những giải pháp thông minh của Chính phủ, có thể là thiệt đi một chút, nhưng được cái an toàn về năng lượng. Sẽ không có tình trạng thiếu điện. |
“Bây giờ nó không xảy ra thì mình thấy bình thường, nhưng khi mà xảy ra tình trạng thiếu điện thì thiệt hại gấp hàng trăm lần so với cái giá ưu đãi. Đất nước này chỉ cần mất điện một vài khu vực thôi là có thể thiệt hại một ngày cả trăm triệu USD. Ví dụ một khu vực mất điện thì sản xuất dừng, công nghiệp tăng trưởng không có, đời sống người lao động gặp khó khăn. Rất là thiệt hại”, ông Chính đánh giá. Trao đổi về việc hiện nay cơ chế đấu thầu có ảnh hưởng, tác động đến việc phát triển năng lượng như thế nào, ông Chính cho rằng, đấu thầu, đấu giá là về lâu dài, phải đi theo hướng đó. Đó là hướng để bảo đảm sự công bằng, minh bạch, khách quan, đi theo hướng đó là đúng rồi. Nhưng mà nếu như tại thời điểm cần điện, cần phải có cơ chế. Đó là phải chỉ định cho những nhà đầu tư có năng lực để họ làm. Có thể có sự công bằng khách quan nhưng rơi vào những người không có năng lực, tâm huyết thì cũng gây ra thiệt hại. Sự thiệt hại đó nằm tiềm ẩn ở trong năng lực tài chính, trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, trong vấn đề thời tiết, thiên tai bão lụt. Nếu như mình biết được và khắc phục, hạn chế những tiềm ẩn đó thì sẽ tạo ra tăng trưởng tốt cho nền kinh tế. |
“Còn bây giờ nếu như này thì chưa có vấn đề gì thì thôi, nhưng có vấn đề thiếu điện mà phải cắt điện thì thiệt hại rất lớn. Không những là thiệt hại về vấn đề vật chất mà còn thiệt hại đến vấn đề tâm lí, an ninh chính trị. Và bài học của các nước Châu Âu, của thế giới cho thấy năng lượng rất quan trọng, giống như máu. Thiếu máu thì con người sẽ co giật, có khi thiếu máu là con người bắt đầu bạc nhược, cơ thể yếu đi, thiếu máu lên não là con người bị nhồi máu, đột quỵ não…”, ông Chính ví von. |
GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ QUẢNG TRỊ SỚM “CÁN ĐÍCH” |
Để năng lượng Quảng Trị phát triển bền vững, ông Chính có đề xuất: “Mình thấy để có một chỗ dựa, thu hút các nhà đầu tư về điện gió, điện mặt trời và các dự án phát triển năng lượng thì nên thành lập một Hiệp hội năng lượng tại Quảng Trị. Và khi thành lập hội thì mình có một tổ chức để phối hợp, tham mưu cho địa phương. Việt Nam cũng có Hiệp hội Năng lượng rồi. Nếu như Quảng Trị có một Hiệp hội năng lượng thì mình có thể kết nối lại các chuyên gia, nhà đầu tư thì sẽ rất hay, hội năng lượng Quảng Trị… có thể tổ chức các hội thảo, thực hiện các hoạt động cho các chương trình liên quan đến năng lượng mà không phải mất kinh phí của địa phương, tự lo trang trải. Bên cạnh đó, Hội sẽ thúc đẩy kết nối nhà đầu tư, kết nối người sản xuất để có tiếng nói chung. Ví dụ khi có vướng mắc, Hội sẽ giúp đỡ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư về năng lượng có tiếng nói. Với tư cách là cơ quan phi Chính phủ thì tiếng nói sẽ khách quan hơn”. |
Ông Chính nhìn nhận thời gian tới để năng lượng Quảng Trị phát huy được tiềm năng, trở thành “Trung tâm năng lượng miền Trung” thì cần những giải pháp, như: Cái đầu tiên để tạo điều kiện cho Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung đó là sơ đồ điện Điện VIII hiện nay, phải tạo điều kiện để cập nhật những đề xuất của tỉnh và để có cơ sở pháp lí, đó là các dự án nguồn, trong đó là các dự án nguồn điện gió, dự án nguồn điện mặt trời, dự án nguồn điện khí… Khi có cập nhật rồi, có cơ sở pháp lí kêu gọi nhà đầu tư trong nước và ngoài nước cũng dễ dàng hơn. Đó là điều rất quan trọng. Trong sơ đồ Điện VIII cũng phải đưa thêm những dự án truyền tải. Nó sẽ tạo điều kiện để tạo ra sự đồng bộ trong dự án nguồn và truyền tải, kết nối. Nó sẽ làm cho các nhà đầu tư yên tâm để đầu tư. |
Giải pháp thứ 2, để thực hiện được các dự án đó là về phía chính quyền địa phương. Chính quyền phải tạo điều kiện tối đa trong khâu chuẩn bị đất đai, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi họ có dự án. Giải pháp thứ 3, đó là phải tăng cường kết nối, xúc tiến, quảng bá đầu tư để thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực. Bởi vì đầu tư điện mặt trời, điện gió và điện khí thì cần suất đầu tư rất lớn, phải có doanh nghiệp có tài chính mạnh, đủ năng lực về chuyên môn. Nếu không có những nhà đầu tư mạnh để “chọn mặt gửi vàng” thì sẽ nảy sinh ra tình trạng chậm trễ, hoặc có thể dễ mua bán dự án. Do đó sẽ không mang lại hiệu quả trong việc đẩy nhanh việc đầu tư. Đó là những giải pháp hết sức quan trọng, quan trọng hàng đầu vẫn là sơ đồ Điện VIII, bởi nếu không có quy hoạch thì không thể có nhà đầu tư, không thể có nhà máy. Cái này là cơ sở pháp lí gốc. |
Ở tầm vĩ mô thì nên có sự sắp xếp đúng năng lực của các tỉnh có điều kiện, đừng co hẹp lại. Nơi nào có điều kiện có đề xuất, có tính khả thi thì tạo điều kiện cho làm. Nhất là những tỉnh khó khăn như Quảng Trị, phải biến những thách thức thành lợi thế. Thách thức đó là điều kiện thời tiết khí hậu, thời tiết nắng nóng, gió nhiều, thì cho họ biến cái bất lợi thành có lợi để phát triển. Bên cạnh đó, công tác truyền tải là phải đi song hành, thậm chí có cái đi trước. Đi trước như là một sự cam kết. Còn nếu như không có truyền tải thì nhà đầu tư làm nguồn phát điện sẽ sạt nghiệp. Bởi vì khi đầu tư là phải có quá trình hoàn vốn, chỉ cần chậm phát điện cái là tiền lãi ngân hàng, tiền hoàn vốn không thực hiện được rồi sẽ thành nợ xấu, ảnh hưởng đến cả hoạt động tài chính tín dụng… |
Xuân Hoài Đồ họa: Đức Thảo |