Thủy điện Lai Châu thử nghiệm xả nước |
Hai chuyến đi trước, xe các đoàn từ Hà Nội lên hay xuống, đều nghỉ đêm cho hồi sức ở Lai Châu. Nhưng cánh Ban A trực chiến chả khi nào nghỉ nửa đường như vậy. Họ cứ chơi một lèo. Bất kể mùa khô hay mùa mưa. Công việc luôn chờ họ. Nói chuyện với Nguyễn Việt Dũng, tay bạn trẻ mới quen người xứ Nghệ, chuyên lái xe cho Bùi Phương Nam - từ nay độc giả hãy cùng tôi, gọi tên thân mật như anh em thủy điện đặt là Nam Béo, để phân biệt với Hoàng Trọng Nam, cũng được anh em thân mật, gá cho biệt danh là Nam Trọc - Hắn bảo, bao nhiêu năm nay, làm thủy điện là cứ phải như con thoi ấy. Vọt xuống Hà Nội bất kỳ, lại ngược ngay về Sơn La hay Lai Châu ngay. Nghề thủy điện không cho phép an nhàn, nhất là ở ba, bốn năm đầu tiên cho mỗi công trình. Khi ấy, công việc ngổn ngang, dồn dập. Sau khảo sát vài năm là thi công, thì đối tác của cánh Ban A chúng cháu có vài chục đơn vị. Đơn vị nào cũng quan trọng, nên không thể từ xa mà bàn bạc. Nhiều sự phát sinh để sếp to, nhỏ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), của Ban A phải tận mắt nhìn, tận tai nghe, tận tay kiểm tra, đôn đáo. Như thế, đòi hỏi lãnh đạo trực chiến chúng cháu phải tranh thủ từng ngày bám công trường, để không dứt quãng với nhiều diễn biến bất ngờ luôn rình rập. Trời ơi, một anh lái xe mà thấu hiểu công việc của các sếp hắn đến thế. Tức là họ, như lũ chúng tôi ngày xưa ở chiến tuyến, binh sĩ trên dưới: “Phụ tử một lòng, chén rượu hòa cùng nước sông”.
Tôi cũng biết, Ban A có hai bộ phận. Tổng chỉ huy đặt ở Hà Nội, trong tòa nhà của EVN xây ngất ngưởng trên nền Nhà máy Điện Yên Phụ. Còn một bộ phận lớn đốc chiến nằm trên công trường. Y như ngày xưa chúng tôi ở lính, có sở chỉ huy tiền phương và hậu phương. “Lính tiền phương thì kinh rồi!” - tôi bảo Dũng.
Tất cả đội ngũ ấy, tạo ra một bộ máy cho Dự án Thủy điện Sơn La và Lai Châu. Họ, cả hai bộ phận, là chất kết dính, là thần kinh, làm chạy nhịp nhàng một bộ máy khổng lồ. Nhiều ngành công nghiệp quan trọng, nhân sự khoa học, lao động cơ giới tham gia có thời gian đến cả vài binh đoàn, gần một vạn người cho hai công trình thủy điện kích cỡ khủng cấp quốc gia. Hàng trăm đơn vị lớn, nhỏ, cả chuyên gia Anh, Đức, Canada, Thụy Sỹ và Nga. Tất cả phải hoạt động nhịp nhàng, trong sự quản lý giám sát ngặt nghèo của Ban Quản lí dự án, làm nên một sức mạnh đồng bộ, hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ mà Nhà nước, EVN giao cho: Bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn và hiệu quả làm ra điện, khi cả nước còn thiếu điện trầm trọng.
Tháng bảy mùa mưa, cứ xuyên mưa đi mãi, cũng qua thành phố Lai Châu. Thi thoảng, xe lại phải tránh những nơi núi sạt. Những chiếc xe ủi đang chăm chỉ gạt đất, đá. Nhiều tấm bê tông đúc sẵn chờ vỉa trên sườn núi. Ống cống thoát nước, thoáng thấy nằm trắng bên đường. Địa chất vùng núi Tây Bắc rất phức tạp. Núi đấy mà là tựa cát, có thứ hồ của trời đất kết dính cát mà thành núi. Bất kì chả hẹn, những đợt mưa lụt sụt liên miên làm núi rừng ướt sũng. Một nơi bất kỳ, sườn núi bỗng nát nhũn, trôi phựt, tuột xuống cả ngàn khối bùn, cát, như hồ vữa xây dựng, chặn cứng con đường. “Tất cả thiết kế, sau khi khảo sát, phải lường ra chuyện ấy mà kè, mà làm cống thoát nước. Nhưng cũng có chỗ do địa chất rất phức tạp, lại thêm mưa gió, núi bất kỳ cựa mình, khó mà lường. Vậy phải sửa chữa ngay trước khi bàn giao”, Phan Hồ Quang - Phó phòng Kỹ thuật an toàn, cùng đi trên xe - giải thích. Theo tay Quang chỉ, tôi thấy sông Đà nhiều đoạn kề bên đường, thoắt ẩn, thoắt hiện. Đây là con đường hoàn toàn mới thay thế con đường cũ xưa bé hẹp, nay đã chìm trong lòng hồ Sơn La.
- Làm đường là công việc đầu tiên của dự án sau khi công tác khảo sát hoàn tất. Đường này giờ đây do cậu Sáng phụ trách - Nam Béo nói với tôi rồi bốc máy. Anh gọi về cho sếp Phương, rồi gọi đi đâu đó, với giọng hơi căng thẳng. Từng đoạn đường được đấu thầu giao cho từng đơn vị khác nhau. Tất cả phải thiết kế và thi công sao để giảm thiểu ít nhất nạn sụt lở đường, trước khi nghiệm thu, bàn giao cho tỉnh. Hóa ra sỹ quan đốc chiến vừa tối hậu thoại cho một đơn vị nào đó đang thi công đoạn đường vừa lở. Dứt khoát về thời hạn thi công, nguyên tắc về sự khắc phục những đoạn yếu của sườn núi mà chúng tôi vừa đi qua. “Công việc công trường mà anh. Không kiên quyết với từng hạng mục là không xong, không kịp tiến độ và bảo đảm chất lượng”. Hơn một trăm cây số đường thủy điện mới bóng trải nhựa phẳng lỳ xuyên qua vùng núi rừng hiểm trở có khá nhiều nhánh rẽ đã tạo nên mạng lưới giao thông mới, rất thuận tiện cho cả huyện Mường Tè xa lắc nối với Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Tôi chợt nhớ khuôn mặt của “Sáng cầu đường” - Đào Trọng Sáng, kỹ sư xây dựng cầu đường. Khuôn mặt khi nào cũng dâm dấp mồ hôi ướt làn da hồng, phừng phừng của tuổi tráng niên. Sáng đã trải qua nhiều thử thách, từ khảo sát thi công đến việc bám địa phương giải quyết tồn đọng đền bù, giải phóng mặt bằng. Phó phòng rồi tận 2015, anh nhận chức Trưởng phòng, chuyên trách công tác giải phóng mặt bằng đường giao thông - đường thủy điện - Lai Châu.
Mưa vẫn rơi nhanh khi cái gạt nước cứ quét phần phật trên mặt kính trước. Xin cũng kể luôn về hắn, chuyện tám ngày sau đó, tôi đã được gặp, hỏi han nhiều chuyện. Nói là “được gặp”, vì cái nghề của hắn, đa số thời gian của ngày ngày, tháng tháng, phải bám đường, bám ủy ban địa phương hoặc bám dân. Khi lại phải nhông gấp về Hà Nội báo cáo thẳng cho sếp Phạm Hồng Phương - Giám đốc Ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La - Lai Châu.
Đấy là đêm thứ tám tôi ở Nậm Nhùn. Đã 12 giờ đêm, tôi bật máy nhận clip mà Sáng vừa gửi qua email. Thế giới bây giờ cực thuận tiện! Nơi tôi nằm có lẽ chỉ cách phòng Sáng ở vài chục mét, chỉ một cái click, cả một cuốn phim dài đã bay vèo tới tôi, thay vì tôi phải chạy sang hắn giữa đêm khuya khoắt, lấy những tin tức mà tôi cần.
Thi công trên công trình Thủy điện Lai Châu |
Những lá thư của thời buổi này cực kỳ thuận tiện, nhanh chóng. Không như lũ chúng tôi ngày xưa, lá thư báo tin mẹ tôi mất phải đi vòng vèo suốt từ Hà Nội qua miền Trung, trèo trên dọc Trường Sơn, Quảng Trị, đường Chín, lại sang Lào, tận BoLoVen, lại hạ sơn để theo các cánh quân vây chặt địch tại thành phố Khung Se Don. Và cuối cùng thư đến Tây Nguyên mới bắt kịp, đến tay tôi. Con đường thư ấy dài những hơn hai năm, mới đuổi theo được kịp người lính trẻ, cựu binh, khi đơn vị tôi chỉ huy, chỉ còn 2 ngày nữa đánh vào Buôn Ma Thuột. Tôi đeo băng tang mẹ, vào trận quyết tử đánh Buôn Ma Thuột, trận đầu tiên của chiến dịch cuối cùng. Góp thêm một cây súng mà làm nên chiến thắng cuối để thống nhất giang sơn. Chiến dịch vĩ đại Hồ Chí Minh lịch sử, cho giấc mơ hòa bình mãi mãi.
Tôi nhìn sang phòng Sáng. Đêm khuya, núi rừng quanh khu tạo nên một không gian cho cảm giác thăm thẳm, bình an đến kỳ lạ. Phòng hắn vẫn sáng đèn. Ngày mai, theo lệnh của lãnh đạo Ban A, hắn sẽ phải vào thị xã Mường Tè, cách đây hơn 100 cây số núi non, để giải quyết công việc còn lại, thuộc về những sự việc phát sinh ở mạng lưới giao thông trên khu dân cư mới hình thành. Liệu hắn có kịp theo tụi tôi quay về Hà Nội để gặp vợ con? Đôi mắt tôi chọc qua màn đêm, lướt trên cả khu ở của những con người trẻ đang ăn nằm bao năm trên mảnh rừng này. Nhiều phòng nghỉ đã tắt đèn. Lỗ chỗ, lác đác vài phòng đèn vẫn thức. Hệt như những ngôi sao nhỏ đứng chờ ai trên ngọn núi xa nhấp nhánh. Họ đang làm gì? Chát chít với vợ, với con ở khắp mọi miền trên đất nước; hay họ cũng như Sáng, vẫn cắm mắt vào máy tính toán, hoặc đống hồ sơ thủy điện, mà tập nào cũng dày cả gang tay.
Con đường ngày đầu tiên cho con người và máy móc lên đây, bây giờ Sáng chịu trách nhiệm quản lý hiện rõ ra trong clip. Máy ủi ngoạm và đẩy từng vỉa đất lẫn đá thi nhau trôi rào rào từng mảng rồi mất tiêu trong vực sâu thăm thẳm. Đường mới khai mở chỗ đỏ, chỗ đen, chỗ ánh lên rõ đen màu than non. Có tiếng thở phì phò như bò thở của người quay clip. Ống kính hắt trên cao, ghi con đường mới đang bóc đất nền. Nó vươn mãi lên cao, rồi nhỏ xíu, chìm lẫn trong đám mây tơ trắng bềnh bồng. Có tiếng ai nói. Tiếng khi lao xao, lúc rì rào như gió thầm thì trong cánh rừng vô danh. Tiếng ai, như từ xa xăm lắm, tận đẩu tận đâu vọng về. Ba người công nhân đội mũ bảo hiểm trắng đang huơ tay, như tranh luận, nói gì bên cái bánh xích bê bết đất bùn. Máy quay cảnh lại từ xa về gần và đứng lại. Tiếng người lốp bốp hòa vào tiếng máy ình ịch, chan chát, lách cách. Khói phun đen mù mịt phụt ra từ ống xả máy ủi bánh xích. Tiếng kim loại đột ngột ré lên. Có thể hình dung ra âm thanh nháo nhào ấy phát ra từ cỗ máy xù xì lấm lem.
Lúc ấy, tôi chợt nhớ tới con đường dài cả trăm cây số, hơn sáu, bảy lần tôi đã đi qua. Hơn trăm cây số đường nhựa láng coóng, sớm sớm, chiều chiều có đoạn luôn ướt mùi sương núi quanh năm. Con đường mới này thay thế con đường nhỏ, cũ phía dưới, ngoằn ngoèo trên cao, vươn qua hàng trăm ngọn núi. Ở đoạn gần đền Đức vua Lê Thái Tổ, mà tôi sẽ kể sau về ngôi đền đặc biệt này, có thể nhìn rõ cả đoạn sông Đà dài lững lờ trôi, lẫn vài dấu tích con đường cũ xưa, trên cao nhìn bé mỏng như sợi chỉ. Nghe nói đường cũ làm nền đá dăm hẹp lắm, gập ghềnh lắm, hầu hết giờ đã chìm trong lòng hồ Thủy điện Sơn La. Lại sát bờ sông, giờ nước đã dâng lên, còn loi thoi mấy điểm trắng nhỏ, từ xa không rõ ra hình hài gì. Người lái xe của Ban A dẫn tôi đi hôm ấy bảo, đó là dinh thự cũ của vua Thái.
Buổi trưa ấy, cũng tại điểm đường ấy, Sáng chỉ cho tôi một cái bản thấp thoáng vài nóc nhà. Mái ánh lên trong nắng vàng thật thơ mộng, trên một cồn đất toàn màu xanh, nằm giữa lòng sông. Tay trái kia là di chỉ nhà ở của vua Thái, giàu có, quyền lực vô biên, oai hùng vị chúa đất một thời. Đổ nát hết rồi! Xưa là dinh thự, lâu đài to lớn lắm, nhiều gỗ quý, nhiều đá tạc đẽo công phu lắm, giờ chỉ còn mấy bức tường lở, vài cột đá gãy, bậc đá mẻ. Tất cả đã là phế tích ấy, có một ngày chìm nghỉm, chìm vô tăm tích, chìm không sủi tăm trong lòng sông. Còn cái bản dân Thái kia leo pheo như thế, vẻ hoang tàn, cô liêu như thế, vẫn tồn tại giữa con sông. Chơ vơ suốt cả bao thế kỉ rồi? Giữa dòng sông ấy, bản ngàn năm xưa vốn sinh ra toàn những phụ nữ đẹp. Vua Thái - Đèo Văn Long và lũ phìa tạo đã năm năm, tháng tháng dẫn quan Pháp lên bản bằng thuyền. Ngược nước tới bản giữa lòng sông để chơi gái, để hú hí trên núi xanh và mây nước. Để uống rượu cần cất từ dòng suối, con sông mùa khô nước xanh trong như ngọc, bên những kẻ hầu non da trắng mịn tựa có lớp phấn đào, trong cái ốc đảo giữa đoạn sông im lặng mây nước mà thâm u ấy. Tận bây giờ, đám con gái ấy đã sinh ra vài thế hệ, có cháu mũi rất cao, mắt xanh như ngọc bích. Nhưng ở cồn đất khi chưa có con đường thủy điện, vẫn bao năm là một đảo nhỏ bơ vơ côi cút. Có con đường mới, lại có chủ trương xây dựng nông thôn mới, ủy ban nhân dân huyện, xã đã cho đắp một con đường nối bờ tả vào bản cô liêu. “Tên bản là gì?” - tôi hỏi. Sáng bụm miệng cười: “Tên tục lắm nhà văn ạ. Anh không biết tiếng Thái không hiểu đâu!” “Ối trời ôi, cậu em! Anh đã ở ba bốn năm bên Lào. Đánh ngang quét dọc, ẩn chìm trong dân. Và, có khi lạc rừng phải tìm bản, xin ăn bằng tiếng Lào Lùm. Tiếng Lào Lùm na ná tiếng dân tộc Thái”. - Thế hả anh? - Sáng nói cái tên bản: Bản Chợ...! Lại kể: “Bản kia có dăm nóc nhà thôi, còn cái bản to nữa nằm dưới mạn sông xuôi kia cơ” - hắn phân bua! Ừ, dịch nguyên tiếng Thái ra, với ngôn ngữ Kinh, cảm như thô quá. Chợ gì nhỉ, bán cái gì? Ấy cũng là người ta luôn nhìn thẳng, gọi đúng tên sự thật! Ai lại đặt tên như thế! Hay là cái tên thô như vậy, chất chứa, ẩn náu một nỗi hận hờn của một quá khứ dài. Tên ấy dặn lại con cháu hậu thế đời đời nhớ, đời đời chẳng thể nào quên? Sáng không cười: “Bây giờ tụi em gọi tên bản này là Bản Bướm Đẹp. Tên hay không, nhà văn?” Đúng rồi, bướm đẹp! Loài bướm khi bay luôn đẹp và như thế, gọi vậy vẫn giữ đúng, nguyên bản chất của chữ nghĩa. Còn lại, nghĩa đen của sự thật, ở núi rừng Lai Châu, Tây Bắc này rất nhiều từng đàn bướm đẹp chấp chới bay trên các lèn đá vào cuối mùa khô. Dưới Sơn La, khi làm nhà máy thủy điện, cũng nhiều bướm lắm, nhưng trên Lai Châu nhiều bướm hơn, lại có loài bướm ngứa. Cứ để chúng đêm đêm theo ánh điện xà xuống, chui vào màn. Ai vô tình đụng phải chỗ nào là nơi nó phồng rộp như phải bỏng, ngứa ran cả tuần chưa hết. “Đấy là lời của một tay tổ trưởng bảo vệ mặt hồ thượng nguồn, thuộc quân lão tướng Nam Trọc nói với anh” - tôi tiếp lời Sáng, bảo.
Tự nhiên trong tôi khi ấy lẫn lộn vừa buồn, vừa vui. Lịch sử đang chạy qua tôi với những cung đoạn hệt như sự tủi hờn trong sử sách hay vài câu chuyện dân gian mỗi khi nhắc tới để buồn. Tôi chợt nhớ tới cuốn tự truyện Chiều chiều của Tô Hoài, một nhà văn rất yêu Tây Bắc, Việt Bắc như Nguyễn Tuân. Ông có câu văn nhiều dư âm: “Dường như ở đâu cũng tương tự, những khúc quanh của tình thế cứ qua đi, chỉ có tấm lòng con người cứ ấm và đượm lại”(1). Vâng, dĩ vãng vẫn đượm lại trong câu chuyện của Sáng hôm nay. Rõ là lịch sử có nhiều khúc quanh như đời sống ngày ngày, tháng tháng. Lịch sử mỗi dân tộc dầu có quanh co, vẫn theo một hướng, giữ một hình hài bất diệt, khi cả dân tộc ấy bất khuất và đầy lòng tự trọng như dân tộc Việt chúng ta. Để ngày hôm nay, những con người thủy điện nhìn lại những khúc quanh mà yêu thương, mà gắn bó với mảnh đất và những câu chuyện như cổ tích trên nơi họ đã thấm bao mồ hôi, thậm chí cả máu. Và, những dấu vết thủy điện có cả bao mảnh đời, hai mươi năm Ban A, đúng bằng tuổi một người trẻ trưởng thành, xanh rượi dấu mầm trong từng kẽ đá, sườn núi ở Sơn La, Lai Châu. Hay chính ở một đoạn sông này? Đi ra thế giới, tôi từng thấy nhiều dân tộc bất khuất tương tư như vậy trong 27 năm tôi tha hương. Hình như có quy luật, bất kỳ sắc tộc nào, khi đã ý thức được rõ sự tồn vong, sẽ không bao giờ bị tiêu diệt. Nếu ta đã sinh ra ở đây, đất Việt này, luôn ý thức giữ trong từng cá nhân, để đốt lên những ngọn lửa. Lửa ủ ngàn năm như đống dấm lửa tro lửa trấu, thì có ngày gặp gió khởi lên sẽ bùng cháy dữ dội mà giữ nước, mà xây dựng thêm vẻ vang đất nước tổ tiên. Như lịch sử Việt Nam, Ngọn lửa lớn đã từng cháy một lần ở đây, làm ra chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại, chấm dứt hoàn toàn một thời kỳ buồn tăm tối.
Những người thủy điện như Sáng đang ở một khúc quanh nào trong lịch sử? Một khúc quanh mà thế hệ sau nhìn lại thấy con đường điện, những chùm điện sáng long lanh trên tất cả các bản mường như có vạn ngàn sao sa, thắp trong đêm tối, nếu ai trên máy bay nhìn xuống. Nhìn xuống cả ngàn xanh núi thắm của một vùng Tây Bắc lẫn Việt Bắc.
- Bữa nào rảnh anh em ta đến bản Bướm Đẹp! Ta đến cho anh một lần bước vào học viện của thế giới còn đầy bí mật này!
- Vâng. Em sẽ dẫn anh đi.
Sẽ dẫn đi! Tôi chợt lại nhớ tới khuôn mặt trầm tư của Giám đốc Phương trong bữa cơm hôm đầu tiên tôi lên Lai Châu, giữa nhà ăn khang trang sức chứa cả vài trăm người của Ban A ở Nậm Nhùn, dẫn tôi ngược về những ngày đầu Thủy điện Lai Châu: “Bây giờ chúng ta ăn uống đàng hoàng như thế này. Để bảo đảm cho anh em có sức khỏe trường kỳ, lao động dài 7, 8 năm, lãnh đạo EVN và Ban A chủ trương, phải tạo ra một nơi ổn định, sống tử tế như dưới xuôi, quyết không tạm bợ! Ngày đầu tụi em lên đây, phải ngủ giường tầng, ở trong lán tạm hàng vài tháng, đúng mảnh đất ta ngồi hôm nay. Bốn năm chục người từ cán bộ trung, cao cấp và anh em kỹ sư trẻ ăn ngủ như thế. Bữa ăn ngày khởi công, tập trung bao nhiêu người. Phải nấu ăn tận Lai Hà, cách đây vài chục cây, rồi cho xe gầm cao tăng bo vào đây. Vùng này thưa dân. Mua cọng rau, mớ tép cũng hiếm hoi. Từ ngày làm xong đường tạm, rồi đường nhựa, mọi sự khác hẳn. Sự thay đổi bao nhiêu mặt, không chỉ cho riêng công trường Lai Châu, mà cho cả nhân dân các dân tộc trên vùng xa xôi này”.
(1) Sách dẫn. Trang 457, Chiều Chiều. Nhà xuất bản Hội nhà văn. 2014.
(Còn nữa)
TIN LIÊN QUAN | |
Phần I - Xách ba lô lên đường |