Bước ngoặt cho giai đoạn mới
Ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập và chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới, theo Nghị quyết của Quốc hội khóa IX tại Kỳ họp thứ 10, ngày 15/11/1996. Nhớ lại cách đây hơn 20 năm, ông Tạ Đăng Đoan - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho biết, vào thời điểm đó, tình hình kinh tế - xã hội của Bắc Ninh đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ phát triển kinh tế chậm, điểm xuất phát thấp, cơ cấu kinh tế chưa hợp lý. Sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng 45% GRDP, trong khi công nghiệp – xây dựng chỉ chiếm 23,8% và dịch vụ 31,2%. Công nghiệp nhìn chung có quy mô nhỏ bé với giá trị sản xuất chỉ đạt 645,5 tỷ đồng.
Toàn cảnh Khu công nghiệp VSIP |
Trước tình hình đó, thế hệ lãnh đạo đầu tiên của tỉnh đã họp bàn và xác định Bắc Ninh cần phải tập trung phát triển và đưa công nghiệp bứt phá. Quyết tâm này được hiện thực hoá bằng Nghị quyết 04/NQ-TU ngày 25/5/1998 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về đẩy mạnh phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương. Bởi lúc này, ở Bắc Ninh tập trung rất đông các làng nghề như sắt thép Đa Hội, giấy dó Phong Khê, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, bàn ghế Đồng Kỵ… Tuy nhiên, các làng nghề lại đối mặt với tình trạng thị trường tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định, năng lực tiếp cận thị trường khu vực hạn chế, sản phẩm hàng hóa cạnh tranh thấp, thiết bị và công nghệ chắp vá thiếu đồng bộ, tình trạng ô nhiễm môi trường chậm khắc phục.
Nghị quyết 04/NQ-TU ra đời đã thổi luồng sinh khí mới trong việc huy động nội lực giúp các làng nghề “chuyển mình”, tìm tòi nghiên cứu, đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó đã bước đầu hình thành một số cụm công nghiệp (CCN) làng nghề theo cơ chế thí điểm như CCN Châu Khê, CCN sản xuất giấy Phong Khê, CCN sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Quang…
Sau giai đoạn này, từ năm 2000, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề - đây chính là mũi nhọn, tạo bước đột phá cho sự phát triển công nghiệp Bắc Ninh, với định hướng tập trung vào phát triển các khu công nghiệp (KCN), CCN. Cụ thể, Nghị quyết số 12/NQ-TU ngày 3/2/2000 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển các KCN, CCN tiểu thủ công nghiệp; Nghị quyết 02/NQ-TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) ngày 4/5/2001 về phát triển các KCN, CCN; Nghị quyết 02/NQ-TU của Tỉnh ủy ngày 29/5/2006 (khóa XVII) ngày 29/5/2006 về việc tiếp tục đẩy mạnh các phát triển các khu, CCN gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại.
Nếu như Nghị quyết 02/NQ-TU ngày 04/5/2001 tạo điều kiện cho KCN Tiên Sơn, Quế Võ, CCN Tân Hồng - Hoàn Sơn... được giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng và tiếp nhận các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt bắt đầu đón dòng vốn ngoại với sự đầu tư của Canon vào KCN Quế Võ; thì đến Nghị quyết 02/NQ-TU ngày 29/5/2006, đặt ra yêu cầu phát triển mô hình KCN - đô thị để vừa tiếp nhận vốn, vừa tiếp nhận dòng lao động các nơi đổ về; vừa phát triển công nghiệp, vừa đẩy mạnh dịch vụ thương mại, tạo đà cho đô thị hoá. Lúc này, hạ tầng cơ sở phát triển, cả tỉnh như một đại công trường. Các KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn, Yên Phong, VSIP, Thuận Thành, Quế Võ 2 và hàng loạt các CCN được thành lập, đáp ứng mọi sự lựa chọn của các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đến từ các nền kinh tế, vùng lãnh thổ khác nhau như SamSung, Foxconn, Nokia, Pepsico, Orion... tạo ra đột phá về quy mô và thương hiệu ngoại.
Là người đã gắn bó với Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh ngay từ những ngày đầu, ông Nguyễn Đức Long – Phó trưởng Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh chia sẻ, nghị quyết của Tỉnh ủy chính là “kim chỉ nam” cho hành động của các cấp, chính quyền. Đây là căn cứ để Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh lập đề án thành lập, quy hoạch các KCN tập trung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trên địa bàn. Theo đó, đến nay, Bắc Ninh đã có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung với tổng diện tích là 6.397,68 ha và 10 KCN đã đi vào hoạt động thực tế. “Từ những cánh đồng trống trơn đã trở thành những khu tổ hợp công nghệ khổng lồ, thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới, nơi hội tụ của những con “sếu đầu đàn”… điều này đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của tỉnh cũng như nỗ lực thực hiện của các cơ quan chuyên môn và sự đồng lòng, chung sức của người dân, doanh nghiệp” - ông Nguyễn Đức Long nói.
Cán bộ là gốc
Từ Nghị quyết 04/NQ-TU đến các nghị quyết sau này của Tỉnh ủy Bắc Ninh được coi là những “viên gạch” đặt nền móng, là tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo kế thừa, tiếp nối, sáng tạo và phát triển. Tuy nhiên, để đưa các Nghị quyết đi vào cuộc sống; tạo tư tưởng và hành động thống nhất trong việc thực hiện nội dung thì cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Đây được coi là nhân tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Sự phát triển các khu công nghiệp tạo bứt phá cho kinh tế Bắc Ninh |
Theo đó, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã quán triệt những quan điểm cơ bản của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp về công tác cán bộ: Quy định phân cấp quản lý cán bộ; Quy chế bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định cán bộ phải trình bày chương trình hành động trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử từ trưởng phòng đến giám đốc sở và tương đương; Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài; xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giai đoạn 5 năm và hàng năm…
Quá trình thực hiện, các cấp, các ngành đã có sự chuyển biến cơ bản về mặt nhận thức đối với công tác cán bộ và quan tâm khá toàn diện đến công tác cán bộ, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, quản lý, giáo dục, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, do đó đã xây dựng được đội ngũ cán bộ của tỉnh từng bước nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong những năm qua… Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh Bắc Ninh đều có những lớp tập huấn về các nghị quyết, chính sách, quy định, nghị định, thông tư, luật, để cán bộ công chức viên chức, người lao động được biết, được hiểu để thông tin, tuyên truyền đến doanh nghiệp, người dân.
Ông Nguyễn Trọng Tân – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, cán bộ và công tác cán bộ là một trong những vấn đề có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt, là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là cái gốc của Đảng". Thực hiện lời dạy đó, tính riêng từ năm 2016 đến nay, đã có 2.466 cán bộ công chức viên chức của tỉnh Bắc Ninh được cử đi học lý luận chính trị, trong đó bao gồm 161 cao cấp, 1263 trung cấp, 675 sơ cấp, 367 bồi dưỡng chính trị. Đồng thời, cử đi học sau đại về chuyên môn, nghiệp vụ cho 677 cán bộ công chức viên chức; Cử 5 công chức lãnh đạo cấp Sở, 317 công chức lãnh đạo cấp phòng và 96 viên chức lãnh đạo cấp phòng đi học về kiến thức kỹ năng lãnh đạo quản lý; 1.264 cán bộ công chức viên chức đi học về quản lý nhà nước. Riêng năm 2018, Sở Nội vụ mở 2 lớp chuyên viên chính cho 220 cán bộ, công chức.
Đánh giá về vai trò của đội ngũ cán bộ trong phát triển kinh tế, ông Nguyễn Đức Long cho hay, chúng tôi nhận thấy, vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy, ở nơi nào người đứng đầu nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện các nghị quyết thì thái độ, ý thức tham gia của các đảng viên, cán bộ, quần chúng cũng rất nghiêm túc và thực chất, không hời hợt, hình thức và việc triển khai nghị quyết chắc chắn mang lại những hiệu quả thiết thực.
Ông Tạ Đăng Đoan - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh: Bắc Ninh luôn có sự đồng bộ, đoàn kết, kết nối cao giữa các sở, ban, ngành; cùng đồng thuận thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết - khâu then chốt tạo sự bứt phá trong phát triển công nghiệp, thương mại tỉnh Bắc Ninh. |
Kỳ 2: Lan tỏa tinh thần phục vụ doanh nghiệp