Bộ GD&ĐT nói gì về kiến nghị để địa phương tự tổ chức thi tốt nghiệp THPT? Những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 |
Tại buổi chia sẻ về chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu, chiều 18/2, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chia sẻ sơ bộ dự thảo phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025.
Ông Độ cho biết từ nay đến năm học 2023-2024, các kỳ thi vẫn ổn định vì học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006.
Tuy nhiên, từ năm 2025, lứa học sinh THPT đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp. Vì thế, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới cho phù hợp.
Cũng theo Thứ trưởng Độ, Bộ sẽ đưa ra phương thức lựa chọn đảm bảo, dù học 8 môn bắt buộc là Toán, Ngoại ngữ, Văn, Sử, Giáo dục quốc phòng an ninh, Thể chất, Hoạt động trải nghiệm và Nội dung giáo dục địa phương. Thi tốt nghiệp sẽ tập trung vào bốn môn bắt buộc là Toán, Văn, Lịch Sử và Ngoại ngữ.
Từ 2025, thi tốt nghiệp THPT sẽ tập trung vào bốn môn bắt buộc là Toán, Văn, Lịch Sử và Ngoại ngữ. |
Bên cạnh đó, trong các môn học lựa chọn, Bộ sẽ cân nhắc một số môn thi phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học có thể dùng tuyển sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đây mới là phương án dự kiến, đang trong quá trình nghiên cứu và xin ý kiến chuyên gia. Sau các bước này, phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 sẽ được trình Chính phủ phê duyệt.
Chương trình giáo dục phổ thông mới (ban hành năm 2018) được chia làm hai giai đoạn, gồm giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12).
Ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp, chương trình yêu cầu học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Lịch sử là môn lựa chọn, học sinh được tùy chọn học hay không theo sở thích và định hướng nghề nghiệp.
Tuy nhiên, khi triển khai với lớp 10 từ năm học 2022-2023, chương trình vấp phải tranh cãi về môn Lịch sử.
Cuối tháng 6/2022, Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội trong việc thiết kế môn Lịch sử ở chương trình THPT.
Giữa tháng 7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông mới, Lịch sử trở thành môn bắt buộc ở lớp 10, 11, 12.