Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bản anh hùng ca của chiến tranh nhân dân Truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) |
Đập tan âm mưu thành tập đoàn cứ điểm mạnh tại Điện Biên Phủ
Trong chuyến công tác về xứ sở hoa ban, chúng tôi đã được nghe về một nơi đã đi vào huyền thoại, dấu mốc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Đó chính là hang Huổi He (thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) - địa điểm đóng Sở Chỉ huy thứ 2 của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo tư liệu lịch sử về Chiến dịch Điện Biên Phủ, bước sang năm 1953, sau 8 năm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân ta đã làm thất bại chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" cùng âm mưu "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" của đối phương, lập nên nhiều chiến công, như: Chiến thắng Việt Bắc (1947), Chiến thắng Biên Giới (1950), Chiến thắng Hòa Bình (12/1951 - 2/1952), Chiến thắng Tây Bắc (1952), Chiến thắng Thượng Lào (1953)…
Những chiến thắng vang dội của quân và dân ta đã đẩy thực dân Pháp lún sâu vào thế bị động đối phó. Ðể cứu nguy tình hình, thực dân Pháp quyết định thay đổi chiến lược; triển khai Kế hoạch Navarre (tháng 7/1953) với hy vọng chuyển bại thành thắng.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ họp bàn tại hang Huổi He. (Ảnh chụp lại tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ) |
Tháng 11/1953, thực dân Pháp tổ chức đánh chiếm Ðiện Biên Phủ, từng bước xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm, âm mưu đánh bại lực lượng chủ lực của ta. Trước động thái của thực dân Pháp, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: "Địch nhảy dù xuống Ðiện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta".
Nhận định của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là cơ sở quan trọng để Bộ Tổng Tư lệnh từng bước hoạch định Ðiện Biên Phủ trở thành trung tâm trong Kế hoạch tác chiến Ðông Xuân 1953 - 1954.
Ðầu tháng 12/1953, thực dân Pháp quyết định tăng cường lực lượng lên Tây Bắc, xây dựng Ðiện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh - một "pháo đài không thể công phá", để giúp chúng đạt được mưu đồ thay đổi cục diện chiến trường.
Trước chuyển biến mau lẹ, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp nghe Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng Quân ủy báo cáo tình hình cùng phương án dự kiến tiến công Ðiện Biên Phủ. Hội nghị quyết định mở chiến dịch Ðiện Biên Phủ với mật danh Trần Ðình và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy.
Ðể trực tiếp tổ chức và thực hành chiến dịch, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Ðảng ủy Mặt trận Ðiện Biên Phủ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Ðảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng.
Ngày 14/1/1954, tại Sở chỉ huy chiến dịch ở Thẩm Púa, huyện Tuần Giáo (sở chỉ huy được đặt trong 32 ngày, từ 17/12/1953 đến 17/1/1954), Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch mở Hội nghị cán bộ phổ biến Kế hoạch tác chiến chiến dịch theo phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh" và giao nhiệm vụ cho các đơn vị tiến hành công tác chuẩn bị. Ngày 15/1/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đôn đốc các đơn vị mở đường để kéo pháo vào trận địa.
Để bảo đảm thuận tiện cho việc chỉ huy chiến dịch, ngày 18/1/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã di chuyển đến địa điểm thứ hai tại hang Huổi He, xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ (tại km62 đường từ Tuần Giáo đi Điện Biên - sở chỉ huy đặt trong thời gian 13 ngày, từ 18/1/1954 đến 30/1/1954). Bộ Chỉ huy Chiến dịch dự định thực hiện phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” trong 3 đêm 2 ngày, ngày nổ súng là ngày 20/1/1954.
Quyết định "khó nhất đời cầm quân" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Khi công tác chuẩn bị cho chiến trường chưa được hoàn tất, thời gian nổ súng dự định phải lui lại 5 ngày. Đến ngày 25/1/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch dự định nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhưng sau khi nghiên cứu tình hình thực tế, Chỉ huy trưởng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy nhiều khó khăn lớn ta gặp phải cũng như Điện Biên Phủ đã không còn ở trạng thái "sơ hở của một kẻ mới lâm thời chiếm lĩnh trận địa" mà "chật cứng những tiểu đoàn quân Pháp.
Đặc biệt, khi "con nhím Điện Biên" cứng cáp dần, nỗi lo lắng lẫn hoài nghi trong lòng vị tướng 43 tuổi về yếu tố "chắc thắng" cũng lớn theo.
Đánh giá những khó khăn trên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trăn trở suy nghĩ, nếu thực hiện phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” thì liệu có chắc thắng? Điện Biên Phủ sẽ trở thành biển máu, Đại tướng nhớ tới lời Bác Hồ dặn trước lúc lên đường ra mặt trận “chỉ được thắng, không được bại vì bại là hết vốn”, “trận này quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Tấm bia Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở hang Huổi He |
Sau 11 ngày trăn trở và một đêm thức trắng, sáng 26/1/1954, tại Huổi He, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định họp Đảng ủy Mặt trận và ra Nghị quyết thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Sau khi quyết định thay đổi phương án tác chiến, Đại tướng đã viết thư hỏa tốc gửi về báo cáo Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị nhất trí cho đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Trung ương Đảng và Chính phủ sẽ động viên toàn quân, dốc toàn lực chi viện cho tiền tuyến, quyết tâm giành thắng lợi tại Điện Biên Phủ.
Như vậy, hang Huổi He là nơi ghi dấu thời khắc lịch sử quan trọng về quyết định thay đổi phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, cách thời điểm nổ súng tiêu diệt Trần Đình - bí danh của Điện Biên Phủ, chỉ vài giờ.
Chính quyết định này, như nhiều năm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong hồi ký Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử nhớ 26/1/1954 là ngày "thực hiện một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình". Quyết định mà 70 năm sau, giới nghiên cứu quân sự trong nước vẫn đánh giá là "chìa khóa" mở cửa thắng lợi chiến trường.
Thực tế minh chứng, thắng lợi của chiến dịch Ðiện Biên Phủ (7/5/1954) là thành quả của nhiều nhân tố, trong đó có đường lối lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Ðảng, Tổng Quân ủy, trực tiếp là Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy Mặt trận Ðiện Biên Phủ. Trên cương vị là Bí thư Ðảng ủy - Chỉ huy trưởng, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp có vai trò quan trọng trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đã giáng đòn quyết định, đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Ngày 7-5-1954, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. Ảnh tư liệu |
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve đã chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm ở nước ta, mở ra một chương mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Đó là, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Hiệp định này cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.
Trong những ngày này, khi cả nước cùng hướng về Điện Biên, hàng ngàn, hàng vạn người tìm về với mảnh đất lịch sử như một lời tri ân gửi cho những hy sinh lớn lao của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước. Và ngày 7/5 đã đi vào lịch sử, trở thành sự kiện đặc biệt của đất nước, của nhân loại như một mốc son chói lọi mang ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại nhất trong thế kỷ 20.
Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là bản anh hùng ca tuyệt vời về tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng, về trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam trong đấu tranh cách mạng.