Báo Công Thương đạt giải Nhì Giải Báo chí viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Quảng Nam Ngày lịch sử của Báo Công Thương trong buổi bình minh đất nước |
Nhiều thành tựu trên mặt trận thông tin kinh tế
Duyên nghiệp với báo cũng gần 30 năm song gắn bó chính thức với Báo Công Thương mới hơn 1 thập kỷ. Hơn 10 năm làm việc ở bộ phận nội dung cho tôi khá nhiều kỷ niệm và có nhiều cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về lịch sử nền báo chí cách mạng Việt Nam cũng như của Báo Công Thương.
Lế ra mắt Báo Công Thương sau khi sáp nhập Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp năm 2008. Ảnh Du Ca |
Trước đây, tôi cũng như nhiều người đều có quan niệm rằng, Báo Công Thương - cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương bây giờ sẽ có tuổi đời bằng với thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 21/SL ngày 14/5/1951 đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Nhưng thực tế, tiền thân của Bộ Công Thương lúc bấy giờ là Bộ Kinh tế và trước nữa là Bộ Quốc dân Kinh tế (thành lập ngay sau khi nước nhà được độc lập).
Lịch sử là một dòng chảy không ngừng và lịch sử đều có cội nguồn. Cũng giống như vậy, Báo Công Thương có cội nguồn kể từ ngày 2/10/1945, khi Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà ký Nghị định số 08-BKT/VP về việc tổ chức lại Bộ Quốc dân Kinh tế, trong đó, quy định bộ máy của Bộ có Phòng Kinh tế tập san (Phòng ba) trong số các phòng sự vụ với nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san. Tài liệu này may mắn vẫn còn lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Bộ Nội vụ). (Thời kỳ trước, Báo lấy ngày thành lập là ngày Tờ tin Mặt trận Kinh tế thuộc Bộ Kinh tế xuất bản số đầu tiên vào tháng 10 năm 1948 giữa chiến khu Việt Bắc, in tại nhà in Quyết Thắng ở Phú Thọ).
Trải qua những thời kỳ khác nhau, Bộ Công Thương cũng được phân tách thành các bộ khác nhau, mỗi bộ lại có cơ quan tuyên truyền riêng nhưng vẫn thực hiện chung một nhiệm vụ là thông tin, tuyên truyền về phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại và các lĩnh vực của ngành Công - Thương.
Năm 2008, Bộ Công Thương được tái lập trên cơ sở hợp nhất giữa Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp. Cơ quan ngôn luận của Bộ chính thức mang tên báo Công Thương từ đó cho đến nay. Điều đặc biệt, dù ở thời kỳ nào, tên gọi nào, Báo Công Thương cũng đã hoàn thành xuất sắc vai trò, nhiệm vụ của mình trên mặt trận thông tin kinh tế, góp phần quan trọng cho thành công chung của cơ quan chủ quản nói riêng và nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung.
Trải qua 78 năm, Báo đã vinh dự được nhận những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như: Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều phần thưởng, danh cao quý khác.
Để đạt được những thành tựu vẻ vang như trên, các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo Công Thương đã luôn quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như thực hiện nghiêm các chỉ đạo của cơ quan chủ quản; bám sát tôn chỉ mục đích, nhiệm vu được giao; thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức; chủ động trong công tác, không ngại khó ngại khổ đặt chân lên mọi miền của Tổ quốc, dấn thân vào những khó khăn để thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất về tất cả các lĩnh vực của ngành đến với độc giả trong và ngoài nước.
Từ nhiều ấn phẩm, đến nay, Báo Công Thương là tờ báo bộ, ngành có nhiều ẩn phẩm in nhất phát hành đều đặn, cũng như số lượng ấn phẩm lớn: Báo Công thương điện tử; Báo Công Thương in; chuyên đề Vietnam Economic News; Bản tin Khuyến công, Công nghiệp hỗ trợ; Báo cáo Xuất nhập khẩu thường niên; Tổng quan xúc tiến thương mại; chuyên trang Kinh tế Việt Nam, Công Thương Media, Cơ hội giao thương, chuyên đề Dân tộc - Tôn giáo, Giảm nghèo Thông tin...
Nội dung thông tin đã bám sát các vấn đề kinh tế, công nghiệp, thương mại gắn liền với các lĩnh vực ngành Công Thương và đất nước như: Điện, than, dầu khí, xăng dầu, công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế như các FTA; dịch vụ logistics, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng...
Đặc biệt, trong vài năm gần đây, nhiều tuyến bài đạt chất lượng của Báo Công Thương đã được vinh danh tại hơn 10 giải thưởng báo chí như: Giải Báo chí Quốc gia, Giải Búa liềm vàng, Giải Diên hồng, Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Giải báo chí xây dựng Đảng của TP. Hà Nội, Giải báo chí Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, Giải báo chí Sử dụng Tiết kiệm năng lượng...
Hòa mình vào dòng chảy số
Theo nhiều đọc giả, ở mỗi thời kỳ, Báo Công Thương đều làm tốt sứ mệnh của mình và không ngừng đổi mới, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng với xu hướng chung của thời kỳ hội nhập.
Hội thảo xác định ngày thành lập, ngày truyền thống Báo Công Thương. Ảnh Cấn Dũng |
Tôi còn nhớ, trước năm 2015, cuộc cách mạng số đã thay đổi tư duy truyền thông của nhiều cơ quan báo chí trong nước. Báo in dần trở nên khó khăn hơn vì số lượng phát hành thấp; báo điện tử đơn thuần không còn phù hợp với nhu cầu của bạn đọc. Theo đó, các toà soạn bắt đầu cuộc chơi theo hướng “đa phương tiện”, tích hợp nhiều loại hình thông tin trên các nền tảng.
Không nằm ngoài xu thế đó, Báo Công Thương đã nhanh chóng đổi mới, đầu tư hạ tầng, tăng cường đào tạo nhân lực để thích ứng với xu hướng đa phương tiện và toà soạn hội tụ. Các chương trình truyền thông bằng hình ảnh động, truyền thanh, infographic, longform và truyền thông mạng xã hội được hình thành. Nội dung cũng được chú trọng theo hướng nhanh, trúng - đúng, chất lượng chuyên sâu và ngày càng lan toả.Các bài báo không chỉ đưa tin đơn thuần “hiền hiền” như trước mà đã mang nhiều dấu ấn phản biện, xây dựng. Đặc biệt, từ 2022 đến nay, sự đổi mới đó đã đạt được những thành tựu bước đầu, được bạn bè trong ngành và độc giả ghi nhận.
Đối với báo điện tử, số lượng tin bài đã vượt 200-300%. Lượng bạn đọc từ chỗ dưới 1 triệu lượt truy cập tháng, đến nay đã tăng trên 1,5 triệu lượt 1 ngày. Từ vị trí xếp hạng hơn 600 trong các trang báo điện tử ở Việt Nam, đến nay theo thống kê của Similarweb, Báo Công Thương điện tử đã tăng hơn 500 bậc, lọt Top 70 báo, trang tin điện tử hàng đầu Việt Nam; ở vị trí nhóm đầu của báo chí các bộ, ngành.
Trên lĩnh vực chuyển đổi số, từ chỗ chỉ có vài nền tảng mạng xã hội, báo đã nhanh chóng xây dựng và thực hiện thành công việc truyền thông trên các nền tảng như: Facebook, Youtube, Tik Tok, Zalo... Trong đó ¾ nền tảng được chứng nhận stick xanh, có lượng theo dõi từ hàng chục nghìn đến gần 3 triệu người; lượng truy cập đạt trung bình hàng chục ngàn đến hàng triệu lượt truy cập, thậm chí có video đạt trên 8 triệu lượt truy cập.
Đánh giá về những thay đổi và thành tựu của Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, thương hiệu và Cạnh tranh – TS Võ Trí Thành - cho biết, Báo Công Thương có những thay đổi rất ấn tượng. Báo luôn bám sát những vấn đề “nóng” trên thị trường, trong các hoạt động của ngành Công Thương. Báo cũng dành thời lượng, nội dung lớn cho các vấn đề phát triển dài hạn của nền kinh tế Việt Nam như năng lượng, xuất nhập khẩu. Ngoài ra, cách thức truyền tải thông tin có nhiều đổi mới, đa hình thức, đa phương tiện, trực tiếp, gián tiếp sống động. Những thông tin của Báo gắn với nhiều bên liên quan, sự tham gia trao đổi, chia sẻ về các câu chuyện, vấn đề bao gồm chuyên gia, doanh nghiệp, hộ gia đình, hộ kinh doanh và các đại diện cơ quan quản lý nhà nước.
Cùng quan điểm trên, PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng - khẳng định: Báo đã có những bước phát triển nhất định, phù hợp với xu thế truyền thông hiện đại. Báo đã có sự đa dạng về nội dung thông tin và được truyền tải dưới nhiều hình thức phong phú. Ngoài việc cập nhật kịp thời các tin tức, sự kiện có tính thời sự, chính trị, xã hội, Báo đã làm tốt việc bám sát những lĩnh vực chuyên ngành về diễn biến tình hình cả vi mô và vĩ mô trên mặt trận công nghiệp và thương mại. Chính từ việc liên tục cập nhật những thông tin tích cực ấy đã tạo ra tác động rất lớn tới xã hội, cung cấp thông tin kịp thời cho người dân và doanh nghiệp nắm, hiểu về những vấn đề đang được xã hội, ngành quan tâm.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thông qua các loạt bài, tọa đàm Báo phản ánh đã giúp nâng cao hơn vai trò, sứ mệnh của Báo và có tác động tích cực góp phần làm thay đổi các chính sách.
Dù còn nhiều việc phải làm ở phía trước, song tôi và nhiều cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động của Báo Công Thương có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang của mình và sẽ tiếp tục góp sức để Báo Công Thương thành công hơn nữa, tiếp tục cùng với các cơ quan báo chí khác hoàn thành sứ mệnh, xứng đáng với vai trò cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, tiếng nói, diễn đàn của giới Công Thương Việt Nam.