Theo đó, tối qua 12/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công khai 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi (bão số 3) với tổng số tiền lên tới 527,8 tỷ đồng.
Trong hơn 12.000 trang sao kê này, mọi giao dịch quyên góp của người dân đều được ghi nhận chi tiết như thời gian, số tiền, nội dung chuyển khoản.
Bão Yagi vừa đi qua, để lại những mất mát to lớn về người và của. Cơn bão cũng để lại một câu chuyện đầy suy ngẫm về lòng tốt và sự minh bạch, được khơi gợi bởi bản sao kê hơn 12.000 trang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tiền ủng hộ đồng bào.
Công khai minh bạch về số tiền quyên góp là một hành động đáng ghi nhận, bởi nó mang đến niềm tin cho người dân, những người đã đóng góp bằng tấm lòng của mình. Hành động này càng trở nên ý nghĩa hơn khi nó được thực hiện trong bối cảnh sự hoài nghi về sự minh bạch trong hoạt động từ thiện ngày càng lớn.
Từ mùa mưa bão năm 2020, câu chuyện về việc các nghệ sĩ quyên góp từ thiện, nhưng không công khai minh bạch sao kê, đã trở thành đề tài nóng của dư luận. Nhiều người nổi tiếng bị công chúng yêu cầu sao kê, đặt ra câu hỏi về việc họ sử dụng số tiền quyên góp như thế nào. Việc Thủy Tiên công khai 18.107 trang sao kê sau gần 10 tháng là một minh chứng cho áp lực và sự quan tâm của công chúng đối với việc minh bạch trong quyên góp từ thiện.
Tuy nhiên, câu chuyện về sao kê không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo sự minh bạch trong sử dụng tiền quyên góp. Nó còn là bài học về việc đừng lợi dụng lòng tốt để đánh bóng tên tuổi.
Cư dân mạng "soi" nội dung sao kê có tên "PHAM NHU PHUONG" |
Bản sao kê của Mặt trận Tổ quốc đã phanh phui một thực trạng đáng buồn: Nhiều người cố tình "làm màu" bằng cách chỉnh sửa ảnh chuyển khoản, che giấu số tiền thật, nhân danh tập thể nhưng chỉ đóng góp số tiền nhỏ. Những hành vi này không chỉ là sự thiếu tôn trọng đối với những người đã hy sinh, mất mát trong bão lũ, mà còn là sự lạm dụng lòng tốt của người dân.
Làm từ thiện mà còn "phông bạt" nữa thì không còn gì để nói - nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường đã phải thốt lên như thế khi bản sao kê đóng góp hướng về miền Bắc yêu thương với hơn 12.000 trang của Mặt trận Tổ quốc công bố tối 12/9. Sự thật phũ phàng được hé lộ khiến nhiều người thất vọng. Những khoản đóng góp tưởng chừng như hào phóng, được photoshop thêm vào các con số 0 để nâng khoản đóng góp lên, giờ đây trở thành trò lừa bịp trắng trợn.
Một trong những nhân vật được nhắc đến nhiều nhất từ tối qua là cựu vận động viên thể dục dụng cụ Louis Phạm (tên thật Phạm Như Phương). Cô bị cộng đồng mạng tố đã photoshop hóa đơn chuyển khoản đến Mặt trận Tổ quốc ủng hộ đồng bào một khoản tiền ít hơn rất nhiều so với con số thực. Trước sự chỉ trích của cư dân mạng, Louis Phạm cũng nhanh chóng lên tiếng: "Có thể có những người tên giống mình chuyển khoản cùng một nội dung hoặc ai ghét mình chuyển khoản giống nội dung. Ngay từ đâu mình nói không công khai vì vậy mình vẫn sẽ không công khai". Lời giải thích này của TikToker Louis Phạm tiếp tục gây sóng gió trên mạng xã hội.
Trong thông tin trước đó, Louis Phạm chia sẻ ảnh màn hình chuyển khoản tiền đến Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Dù không nói rõ cụ thể số tiền, nhưng cư dân mạng đều đoán cô phải chuyển tiền vài trăm triệu bởi cô dùng 8 icon chiếc lá che số 0, và lấp ló có con số 5 ở đầu dãy. Nhiều người cho rằng cô quyên góp khoảng 500 triệu đồng. Thế nhưng mới đây, dân tình lại "check var" (kiểm tra lại bản sao kê) ra một bill có thông tin được cho là khớp với nội dung tên chuyển khoản của Louis Phạm. Nhưng số tiền lại chỉ là... 500.000 đồng.
"Flex" tiền ủng hộ trên mạng xã hội không phải là cách giúp đỡ đồng bào. Thật sự giúp đỡ đồng bào là sự chia sẻ thật lòng, không vụ lợi, không để lòng tốt trở thành công cụ đánh bóng tên tuổi.
Việc đăng tải sao kê giả có thể liên quan đến giả mạo tài liệu của cơ quan tổ chức (ngân hàng) và gây ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan tiếp nhận tiền hỗ trợ là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ, việc "Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 05 - 10 triệu đồng. Thường mức phạt sẽ ở mức trung bình của khung hình phạt là 7,5 triệu đồng.
Câu chuyện về sao kê là lời nhắc nhở về ý nghĩa của sự minh bạch trong hoạt động từ thiện. Cũng là bài học về vấn đề này, tấm lòng chân thành mới là món quà quý giá nhất dành cho những người cần giúp đỡ.
Để sự việc không tiếp tục xảy ra, cần có sự tham gia của cả xã hội, từ cơ quan chức năng cho đến cộng đồng mạng. Xây dựng một nền tảng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý, lưu trữ và công khai thông tin về hoạt động từ thiện là việc làm cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả và minh bạch trong hoạt động từ thiện, giúp lòng tốt thật sự đến với người cần giúp đỡ.
Bởi lòng tốt là món quà quý giá, không nên để nó bị lợi dụng, bởi người trả giá cuối cùng sẽ là những người cần giúp đỡ, và uy tín của những cơ quan tổ chức tiếp nhận quỹ hỗ trợ.
Thiết nghĩ, cũng đến lúc cần xây dựng một nền tảng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý, lưu trữ và công khai thông tin về các hoạt động từ thiện để người dân, cơ quan chức năng tiện tra cứu và dễ quản lý hơn.
Đặc biệt, việc công khai minh bạch bảng sao kê khiến những người “phông bạt” tự động không còn đất diễn để “làm màu” hay đánh bóng tên tuổi nữa…