Những thảm họa đạo nhái
Mấy ngày qua, dư luận đã xôn xao về việc một số trang mạng xã hội đăng tải thông tin việc du khách ghé quán cà phê ở trung tâm thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng có thể check in với phiên bản cầu Vàng, Vạn Lý Trường Thành, Bà Nà Hill cùng với một tổ hợp nhiều công trình mô phỏng các điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới. Theo như lời giới thiệu, khách đến đây chỉ cần uống 1 ly cà phê với giá 20.000 đồng có thể vào bên trong chụp ảnh check in thoải mái mà không cần trả phí.
Phiên bản cầu Vàng, Vạn Lý Trường Thành, Bà Nà Hill tại Sóc Trăng |
Phiên bản cầu Vàng, Vạn Lý Trường Thành, Bà Nà Hill và tổ hợp nhiều công trình mô phỏng các điểm du lịch tại thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng là của ông Hồ Chí Toại (46 tuổi). Các công trình này được ông Hồ Chí Toại ấp ủ từ năm 2016, đến năm 2019 mới bắt tay vào xây dựng. Kinh phí đầu tư khoảng 60 tỉ đồng. Năm 2019, ông này xin phép xây dựng quán ăn uống và giải khát kết hợp trạm dừng chân và được UBND huyện Kế Sách cấp phép.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, ông Hồ Chí Toại tự nảy sinh ra nhiều ý tưởng và thuê thợ xây dựng phát sinh như: Cầu vàng, Vạn lý Trường Thành, Lạc sơn Đại phật, tượng Nhân sư, lâu đài... để kinh doanh quán ăn, nước giải khát và phục vụ tham quan, thư giãn miễn phí cho người dân khi đến đây.
Ngay khi mở cửa đón khách, công trình này đã bị dư luận lên tiếng chỉ trích do có nhiều sai phạm trong xây dựng và chính quyền đã yêu cầu dừng hoạt động. Trước đó, chính quyền địa phương đã 2 lần ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Toại do các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực đất đai tại tổ hợp công trình này. Ông Hồ Chí Toại cũng đã thừa nhận có những sai phạm và ông nhận phần lỗi của mình.
Chuyện Cầu Vàng ở Sóc Trăng không phải cá biệt. Cách đây ít lâu, phóng viên Báo Công Thương có dịp mục sở thị tới 2 phiên bản Cầu Vàng khác ở thành phố ngàn hoa Đà Lạt. Cây cầu vàng thứ nhất nằm ở cánh đồng hoa cẩm tú cầu Trại Mát, có địa chỉ ở tổ 1, thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ. Địa điểm này cách Đà Lạt khoảng 15km thu hút rất đông khách đến check in. Cây cầu này là bản sao gần như nhái y chang cầu vàng ở Bà Nà Hill của Tập đoàn Sun Group.
Cây cầu vàng thuộc khu du lịch Bắc Thang lên hỏi ông trời, KM244 H9 QL20 (cua 13) Thôn Túy Sơn, Xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt với mức thu phí check in 20.000 đồng/người |
Cây cầu vàng thuộc khu du lịch Bắc Thang lên hỏi ông trời, KM244 H9 QL20 (cua 13) Thôn Túy Sơn, Xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt với mức thu phí check in 20.000 đồng/người |
Ấy vậy mà trên một trang web du lịch công khai quảng bá với lời giới thiệu có cánh: "Phần đa những khách tham quan đến cầu vàng phiên bản Đà Lạt này đều dành sự khen ngợi vẻ Đẹp – Độc – Lạ của nó. Cầu vàng nằm xinh xắn trong vườn hoa cẩm tú cầu khoe sắc.Nhiều người còn mĩ miều ví nó như “bậc thang thiên đường” vì vẻ đẹp lãng mạn khó diễn tả. Dù đứng ở góc nào cũng giúp bạn có những khung ảnh sống ảo cực xịn sò.
Trên trang này tiếp tục giới thiệu cây cầu vàng thứ 2 như sau: "Cây cầu vàng bàn tay Đà Lạt thứ hai mà chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn nằm ở khu du lịch Bắc thang lên hỏi ông trời. Đây là nơi có cầu vàng Đà Lạt đầu tiên, một phiên bản cách điệu hơn so với cầu Đà Nẵng.
Cầu chỉ mới ra mắt trước Tết Nguyên Đán 2020, nhưng nhờ vẻ đẹp độc đáo mà nó đã nhanh chóng tiếp cận được nhiều khác du lịch. Thiết kế của địa điểm này có sự phá cách hơn so với cầu Đà Nẵng và cầu bàn tay ở Trại Mát".
|
Tuy bị xâm phạm bản quyền như vậy nhưng khi phóng viên trao đổi với cán bộ Tập đoàn Sun Group, đơn vị này ngần ngại không muốn bình luận hay đưa ra quan điểm về vấn đề này.
Những lùm xùm về các công trình đạo nhái tại các điểm du lịch xảy ra tại Việt Nam hiện không phải làm hiếm. Năm 2019, nhiều trang du lịch trên facebook đã chia sẻ rầm rộ những hình ảnh cùng thông tin về cây cầu Hảo Hán Kiều tại Sa Pa, Lào Cai với lời quảng bá là cầu kính hiện đại, được đầu tư nhất Việt Nam. Thời điểm đó, các hình ảnh về cầu Hảo Hán Kiều khiến cộng đồng mạng tò mò, mong ngóng được mục sở thị.
Thế nhưng sau khi tìm hiểu lại, nhiều người mới nhận ra mình bị lừa vì đó là những hình ảnh của cầu Sky wall nằm trên Thiên Môn Sơn thuộc khu vực bắc Hồ Nam (Trung Quốc). Và sự thật đến cuối tháng 8/2019, cây cầu này mới chỉ hoàn thiện xong 1 cột trụ giữa núi rừng Ô Quy Hồ (gần Sa Pa).
Năm 2021, tại Sa Pa cũng đã để xảy ra một thảm họa du lịch về đạo nhái Tượng Nữ thần Tự do của một khu du lịch gây xôn xao dư luận. Tượng Nữ thần Tự do nói trên là một bức tượng bán thân, cao khoảng 30m, bằng ximăng, thạch cao, có khung thép. Bức tượng này được dựng trong khuôn viên một điểm check-in thuộc phường Phansipan, thị xã Sa Pa.
Bức Tượng Nữ thần Tự do được làm một cách cẩu thả, thiếu tính thẩm mỹ, thậm chí nhiều chỉ trích gọi là "phiên bản đột biến", hay nhận xét "xấu ma chê quỷ hờn". Và không chỉ có Tượng Nữ thần Tự do, khu du lịch này còn có cả tượng các vĩ nhân của Mỹ trên vách đá. Ngay sau đó, chính quyền thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã sớm vào cuộc khi thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra, xử lý điểm du lịch đắp tượng Nữ thần Tự do “phiên bản lỗi”.
Báo động nguy cơ đánh mất bản sắc của điểm đến
Các điểm check-in là mô hình du lịch hoàn toàn mới, đáp ứng xu hướng thích khám phá, chụp ảnh “tự sướng” (selfie) của du khách, chủ yếu phục vụ đăng tải lên mạng xã hội, nhưng hiện chưa có quy chuẩn cụ thể về điểm du lịch theo hình thức này.
Vì vậy, sau sự cố công trình đạo nhái Tượng Nữ thần Tự do thiếu thẩm mỹ ở Sa Pa, hay Cầu Vàng, Bà Nà Hill ở Sóc Trăng mới đây, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương khác cũng cần quan tâm và chú trọng hơn trong quản lý các điểm check-in. Và nếu như chính quyền không quyết liệt, kiểm soát chặt chẽ sẽ làm mất đi bản sắc dân tộc, không thể giữ được dấu ấn riêng về du lịch khi để xuất hiện các “phiên bản lỗi” của một nền văn hóa khác gây phản cảm.
Thảm họa du lịch về đạo nhái Tượng Nữ thần Tự do ở Sa Pa, Lào Cai |
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Minh Mẫn – Giám đốc marketing Công ty TST Tourist cho hay, sự học hỏi nào cũng cần thiết, tuy nhiên sự sáng tạo, độc nhất đối với mỗi tác phẩm, công trình luôn được đề cao và mang lại giá trị tác phẩm, thương hiệu đó. Theo ông Mẫn, việc sao chép các phiên bản gốc không những vi phảm bản quyền tác giả, tác phẩm mà còn cho thấy cách nghĩ đơn điệu trong sáng tạo sản phẩm của một số điểm, khu du lịch hiện nay. “Đứng về khía cạnh pháp lý lẫn thương hiệu đều sai trái, vi phạm cho dù bản sao chép đó đẹp hay xấu”- ông Mẫn nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, chia sẻ với Báo Công Thương, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, trong xu thế cạnh tranh thu hút khách du lịch, nhiều địa phương, khu du lịch đã tìm nhiều cách để tạo ra sự mới lạ, hấp dẫn, sáng tạo cho điểm đến của mình thông qua các sự kiện, lễ hội, xây dựng các công trình độc đáo. Có một số địa phương, khu du lịch thực sự làm tốt như Đà Nẵng với festival pháo hoa hay điển hình là công trình cầu Vàng, Bà Nà Hill.
Mặc dù vậy, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá, có nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm hấp dẫn cho điểm đến, trong đó để xảy ra hiện tượng sao chép các biểu tượng của địa phương khác, thậm chí các quốc gia khác, thể hiện sự lai căng, mất bản sắc, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh điểm đến, làm giảm sức hút của du lịch, tạo ra sự nhận thức méo mó về phát triển du lịch của Việt Nam.
Một điểm đến chỉ thực sự hấp dẫn khi thể hiện được tính sáng tạo, độc đáo, riêng có. Và đặc biệt thể hiện được bản sắc, kể về những câu chuyện riêng của vùng đất, con người của địa phương mình. Do vậy, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, nếu để thiếu những chi tiết thú vị đó điểm đến chỉ là một bản sao chép mờ, vô hồn, thiếu sức sống; đồng thời, dẫn tới không có khả năng thu hút khách du lịch - những người mong muốn trải nghiệm các câu chuyện độc đáo, sáng tạo, riêng có của điểm đến.
Để tránh xảy ra các thảm họa du lịch khi đạo nhại công trình ở các điểm du lịch, ông Nguyễn Minh Mẫm cho rằng, về mặt quản lý nhà nước không cấm sáng tạo, song điểm đến du lịch cần chú ý nhiều hơn đến giá trị thẩm mỹ, cân nhắc các yếu tố liên quan đến tác quyền, tránh những tổn hại về mặt vật chất, thẩm mỹ và kể cả các vấn đề pháp lý sau khi công trình hoàn thành.
Còn PGS.TS Bùi Hoài Sơn thì ý kiến, trước hết cần nâng cao nhận thức về việc tạo ra tính hấp dẫn cho điểm đến bằng những sự kiện, biểu tượng có tính sáng tạo, độc đáo và có bản sắc của địa phương. Tiếp đến, cơ quan quản lý cần có biện pháp quản lý, giảm sắt chặt chẽ tránh xảy ra tình trạng tổ chức các sự kiện, xây dựng các biểu tượng, công trình sao chép lai căng, thiếu thẩm mỹ.
Về giải pháp, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất, cần ủng hộ việc tổ chức, xây dựng các sự kiện, công trình mang đậm đà bản sắc địa phương, thậm chí có thể tổ chức các cuộc thi để lựa chọn, hướng sự quan tâm của xã hội đến các tác phẩm, công trình như vậy. “Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền những việc làm hay, ví dụ tốt về hiệu quả của các công trình, tác phẩm sáng tạo, độc đáo, thể hiện bản sắc địa phương, dân tộc; đồng thời lan tỏa thông điệp về sự kiện, công trình, tác phẩm phù hợp, tạo sức đề kháng đối với sự sao chép, bắt chước các công trình, tác phẩm khác cũng là một giải pháp hữu hiệu”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.