Việt Nam xếp thứ 6 tại Olympic trí tuệ nhân tạo quốc tế Doanh nghiệp Việt gặp nhiều thách thức khi áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) AI4VN 2024: Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh |
Đó là những câu hỏi, vấn đề được đặt ra tại phiên thảo luận chiều ngày 23/8 trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024.
Theo đó, các chuyên gia đã tập trung thảo luận cách AI có thể được ứng dụng để giải quyết các thách thức toàn cầu và cải thiện cuộc sống. Các diễn giả đề cập tới những tiến bộ mới nhất trong AI, từ việc tối ưu hóa quy trình công việc đến việc phát triển các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề phức tạp.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm quan các gian hàng tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024 |
Đặc biệt từ góc nhìn thực chiến của doanh nghiệp các diễn giả cũng đề cập vấn đề “Có nên tự chủ AI” và “Việt Nam cần chuẩn bị thế nào trước thời đại AI tạo sinh”.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 (Chiến lược) với mong muốn đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN.
Theo đánh giá của Chính phủ, sau 3 năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu đáng được khích lệ. Công nghệ Trí tuệ nhân tạo đang góp phần nâng cao rõ rệt năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Trên thực tế, ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ AI.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị không chỉ tại Việt Nam mà tất cả quốc gia trên thế giới. Việt Nam luôn khẳng định, việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo phải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội và người dân làm trung tâm, không được lạm dụng công nghệ để xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp này.
Bà Renée Deschamps phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Thanh Hiếu) |
Trước đó, phát biểu tại sự kiện, bà Renée Deschamps, Đại diện Lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, cho rằng AI không chỉ giúp thay đổi đời sống mà còn mở rộng hơn nữa cơ hội phát triển.
Theo bà Renée Deschamps, các chuyên gia Australia đã làm việc với nhiều bên liên quan khác nhau trong hệ sinh thái để hiện thực hóa chiến lược quốc gia này.
"Chúng tôi tiếp tục thực hiện cam kết xây dựng AI có trách nhiệm, các công nghệ AI được xử dụng có đạo đức nhằm mang lại giá trị cho xã hội", bà Renée Deschamps khẳng định.
Các chuyên gia của Australia đã kết hợp với Đại học Luật để xây dựng khung sử dụng AI có trách nhiệm, trong đó nêu rõ 6 quan điểm cơ bản. Theo đó, AI được phát triển, đổi mới theo chuẩn mực trên toàn cầu và Việt Nam, giúp việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm hơn.
"Australia vẫn hỗ trợ VIệt Nam trong việc ứng dụng, khai phá sức mạnh của AI để xây dựng một xã hội, thúc đẩy giá trị phát triển của hai quốc gia", bà Renée Deschamps cho biết.
Ông Cao Vương đánh giá cao lợi ích mà AI tạo sinh mang lại cho doanh nghiệp |
Nói về tác động của AI tạo sinh đến xã hội, theo ông Cao Vương, Chủ tịch Hội đồng quản trị AIVA Group: Về mặt tích cực AI giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tăng hiệu quả kinh doanh, AI có thể làm việc bằng 3-5 nhân viên bình thường, 1 nhân viên có thể làm 1 công việc mất 2 tuần nhưng với AI tạo sinh chỉ mất 2 giờ. Điều này sẽ tiết kiệm đáng kể về chi phí cho doanh nghiệp, tăng hiệu suất kinh doanh cho toàn bộ công ty.
“Đơn cử như giải pháp Trợ lý ảo thông minh AI của AIVA đang được đưa ra thị trường, giống như các nhân viên của chúng ta viết content chẳng hạn, sẽ giúp cho các doanh nghiệp làm content hiệu quả nhanh hơn gấp 5-10 lần. Ngoài ra Trợ lý ảo thông minh AI của chúng tôi cũng đáp ứng các chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục.. điều này có được là nhờ chúng tôi có những chuyên gia được đào tạo rất kỹ để đảm bảo tất cả đầu ra đảm bảo cho người dùng cuối.”- ông Cao Vương khẳng định.
Vậy Việt Nam có nên tự chủ về AI, ông Marc Evans Knapper - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho rằng, đây là cuộc cách mạng toàn cầu mang lại nhiều giá trị cho xã hội. Ông cũng khẳng định, Việt Nam đang có cam kết chặt chẽ trong việc sử dụng AI một cách có đạo đức, trách nhiệm", ông Marc Evans Knapper nhấn mạnh và cho biết thêm, đây cũng là cuộc cách mạng toàn cầu mang lại nhiều giá trị cho xã hội.
Ông Choi Youngsam - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ tại sự kiện (Ảnh: Thanh Hiếu) |
Nói về AI tạo sinh, ông Choi Youngsam - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ, sự phát triển của AI đang có sự tác động sâu sắc đến kinh tế xã hội. Đặc biệt, GenAI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) đã mở ra một thế giới nơi mọi người có thể sử dụng AI dễ dàng thông qua ngôn ngữ tự nhiên, thay vì ngôn ngữ lập trình. Tuy nhiên, điều này cũng đặt nhiều quan ngại về các tác động tiêu cực tiềm ẩn như sử dựng AI không đạo đức, thiên kiến, thông tin không chính xác. Do đó, các nước đang có nhiều chính sách để sử dụng AI có lợi.
Ông Iain Frew - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam nhấn mạnh tiềm năng của AI với cách thức hoạt động mới, mở ra vùng trời mới cho các vấn đề toàn cầu. Vương quốc Anh cam kết phát triển AI có trách nhiệm, mở ra nhiều tiềm năng mới của công nghệ này.
Trong năm 2023, Vương quốc Anh và Việt Nam đã có nhiều sự hợp tác như hợp đồng kinh doanh trong AI tại các lĩnh vực y tế, phần mềm, phát triển an ninh mạng. Quốc gia này cũng tài trợ cho các trường đại học tại Việt Nam trong việc phát triển công nghệ, phổ biến áp dụng AI trong y tế và giáo dục.
“Đầu năm nay, 15 công ty công nghệ của Anh đã đến Việt Nam. Chuyến thăm này mang lại nhiều giá trị hợp tác thông qua các cuộc thảo luận. AI là trọng tâm để Anh phát triển kỷ nguyên mới tăng trưởng kinh tế, gia tăng chất lượng dịch vụ công. Chính phủ Anh cam kết phát triển AI cân bằng, an toàn, và sẽ phát triển các khung pháp lý trong tương lai để đảm bảo vấn đề này.”- ông Iain Frew nhấn mạnh.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Ngày hội AI (Ảnh: Thanh Hiếu) |
Chủ đề “Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh” nhấn mạnh khả năng AI trong việc tạo ra giá trị mới cho doanh nghiệp và cải thiện cuộc sống.
Đối với doanh nghiệp ở Việt Nam, AI có thể nâng cao hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa quy trình và phát triển sản phẩm đổi mới. Đối với người dân, AI có thể cải thiện dịch vụ y tế, giáo dục và hỗ trợ các vấn đề xã hội, từ việc dự đoán thiên tai đến cá nhân hóa học tập. Điều này không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh mặt tích cực mà AI tạo sinh mang lại, ông Cao Vương cũng chỉ ra những rủi ro cho người dùng, những rủi ro này hiện nay chưa có cơ chế kiểm soát. Ông Cao Vương cho hay: “AI như một lưỡi dao sắc”, nếu công cụ đó rơi vào người “nguy hiểm có ý đồ xấu” thì sẽ trở nên nguy hại, nó có thể tạo thông tin giả cũng như tạo ra các cuộc lừa đảo trên không gian mạng, AI tạo sinh kết hợp với công nghệ Deepfake để giả mạo một người như thật."
Bên cạnh đó, việc quá tải về thông tin tạo ra bởi AI dẫn đến người dùng bối rối trong việc tìm kiếm thông tin có chất lượng hay thông tin được tạo ra bởi AI quá chung chung. Đó là rủi ro khi ngày càng nhiều người sử dụng AI tạo sinh.
Hiện cả Việt Nam và thế giới chưa có giải pháp hiệu quả để có thể kiểm soát tốt những rủi ro nảy sinh từ AI tạo sinh. Đây là thách thức lớn cho các quốc gia trong đó có Việt Nam.