Tự chủ bệnh viện - tránh lãng phí quỹ bảo hiểm y tế |
Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K với thời gian thực hiện 2 năm.
Tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn"? |
Tuy nhiên đến nay chỉ có 2 bệnh viện thực hiện Nghị quyết nhưng lại đề xuất xin dừng thí điểm, vì gặp nhiều khó khăn về vốn, rào cản pháp lý…
Nguyên nhân được các bệnh viện chỉ ra, trong quá trình triển khai thí điểm do cơ chế thực hiện tự chủ bệnh viện chưa đầy đủ, giá dịch vụ y tế không được tính đúng tính đủ, vấn đề liên doanh liên kết máy móc, trang thiết bị chưa rõ ràng, thậm chí vướng các quy định của pháp luật, dẫn tới thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân…
Đáng suy nghĩ, ranh giới giữa đúng và sai trong thực hiện tự chủ bệnh viện trên thực tế còn nhiều chỗ mong manh, tiềm ẩn rủi ro nhất đối với những người triển khai, thực hiện.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - ông Đào Xuân Cơ - đã từng chia sẻ: Nếu thực hiện cơ chế tự chủ, nguồn tài chính là một trong yếu tố quyết định hoàn thành mục tiêu của Đề án tự chủ toàn diện. Thời điểm thực hiện tự chủ đúng vào lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, bệnh viện bị phong tỏa, các hoạt động bị đóng băng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân dịch bệnh khiến cho mọi hoạt động bị đình trệ, chủ yếu tập trung chống dịch, nguồn thu sụt giảm 50%
Về tự chủ tài chính, ông Cơ cho biết thêm, việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính bệnh viện theo các tỷ lệ cố định của các văn bản hiện hành, ảnh hưởng tính chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm…
Thêm vào đó, bệnh viện đang thu giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế nhưng mức giá này đã lạc hậu, lỗi thời, mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí, dẫn đến thu không đủ bù chi. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là không còn nguồn thu từ trang thiết bị, máy y tế xã hội hóa…
TS. Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cũng cho hay: Hai bệnh viện K và Bạch Mại đều là bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối có thương hiệu và số lượng bệnh nhân đông, vì vậy khó đánh giá được thành quả của tự chủ toàn diện…
Tuy nhiên phải khẳng định, thực hiện tự chủ bệnh viện là một quyết sách lớn của Nhà nước và là xu thế được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhiều vấn đề nhận thức về tự chủ bệnh viện ngày càng được rõ hơn.
Vậy, cần triển khai tự chủ bệnh viện thế nào, nhất là các bệnh viện công lập tuyến cuối, để giúp các cơ sở vượt qua khó khăn trong giai đoạn này và phát triển bền vững nhằm nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, phục vụ người dân tốt hơn, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người khám chữa bệnh bằng bảo hiểm xã hội.
Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý phân tích, đánh giá, luận bàn, kiến giải về thực trạng tình hình triển khai tự chủ bệnh viện trên các khía cạnh; bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn trong triển khai thực hiện tự chủ bệnh viện thời gian qua.
Tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn" với sự tham dự của TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội; GS.TS. Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương; PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; GS.TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K; TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.