Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư thăm hỏi tới Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hà Nội Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ 8 BCH TW Đảng khóa XIII |
Nghị quyết này có một điểm khác biệt là yêu cầu các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương… chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết; tăng cường kiểm tra, đánh giá, định kỳ sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn VCCI và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện Nghị quyết.
Như vậy, việc thực hiện nghị quyết được theo dõi, giám sát, tổng kết chặt chẽ mà mục tiêu quan trọng nhất là “phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng…”.
Sau gần 40 năm Đổi mới mà chúng ta mới chỉ có gần 900.000 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 9 doanh nghiệp/1.000 dân là rất thấp so với khu vực và quốc tế, cũng như đòi hỏi của đất nước hiện nay.
Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 10/10/2023 mang tính chỉ đạo, định hướng rất kịp thời và cầp thiết. |
Trong thực tế, giới doanh nhân đã và đang đối mặt với vô vàn rào cản trong chính sách lẫn thực thi chính sách. Điều này có thể hiểu được vì nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi, hệ thống luật pháp đang được hoàn thiện.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đã nhiều lần chỉ ra, hệ thống luật pháp kinh doanh Việt Nam có “8 không” như: "không rõ ràng", "không cụ thể", "không minh bạch", "không hợp lý", "không ổn định", "không hiệu quả", "không hiệu lực" và "không tiên liệu được".
Nhận xét này rất tương đồng với báo cáo PCI của VCCI. Tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được thay đổi trong quy định pháp luật của trung ương từ năm 2013 đến năm 2021 có chiều hướng giảm, tỷ lệ này đạt cao nhất vào năm 2014 với 15,75% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được, và đến 2021 thì chỉ còn 4,55% doanh nghiệp trả lời như vậy.
Đối với câu hỏi về tính dự đoán được của việc thực thi pháp luật, tỷ lệ doanh nghiệp luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được cũng có chiều hướng giảm. Năm 2014 có 8,27% doanh nghiệp dự đoán được việc thực hiện của chính quyền tỉnh đối với quy định pháp luật trung ương thì đến năm 2020 tỷ lệ này chỉ còn 5,56%.
Điều này có nghĩa, đại đa số doanh nghiệp không dự đoán được việc thay đổi và thực thi pháp luật, và tỷ lệ này ngày càng tăng.
Lý do của tình trạng thể chế này là tư duy, nhận thức của các cơ quan quản lý về kinh tế thị trường giảm sút, dẫn tới luật pháp cứ bị hành chính hóa, can thiệp nhiều và giật cục. Pháp luật được thiết kế để “quản lý” hơn là “kiến tạo” môi trường bình đẳng, minh bạch cho doanh nhân.
Câu chuyện về giấy phép con, cháu, chắt, chút, chít nở rộ gần đây sau mấy đợt cắt giảm năm 2017 và 1999-2000 là một ví dụ rất sinh động và đáng giá để minh họa.
Sau nhiều lần rà soát, cắt giảm thì Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện còn 227 ngành, nghề (theo Luật Đầu tư 2020). Đây là cách tiếp cận đột phá về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, chuyển từ “chọn - cho” sang “chọn - bỏ”. Theo đó, hiện thực hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của người dân trong ngành nghề mà luật không cấm.
Theo kết quả rà soát độc lập năm 2016 của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng số điều kiện kinh doanh đến hết năm 2016 là khoảng 6.000. Trong số đó, khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh được phát hiện không có hiệu quả về quản lý nhà nước hoặc can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai-Trường Hải năm sáng ngày 27/03/2022. Ảnh: VGP |
Trong giai đoạn 2016-2018, phong trào cắt giảm điều kiện kinh doanh được đẩy lên cao ở các bộ, ngành và rồi Chính phủ ban hành nghị định sửa nhiều nghị định quy định về điều kiện kinh doanh. Theo một báo cáo của Văn phòng Chính phủ giữa năm 2019, các bộ, ngành đã chính thức cắt bỏ và đơn giản hóa 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh.
Những cải cách này chắc chắn có tác động rất tích cực tới môi trường kinh doanh ở nước ta, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp; nhờ đó thúc đẩy tăng đầu tư, tạo việc làm và tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy vậy, từ năm 2020 đến nay, cải cách môi trường kinh doanh nói chung và ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh nói riêng có xu hướng chững lại. Điều kiện kinh doanh vẫn tạo nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh và ẩn chứa rủi ro đối với doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát PCI của VCCI cho thấy, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, làm gia tăng các chi phí đối với doanh nghiệp.
Khoảng 61% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép kinh doanh có điều kiện. Những phiền hà về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là nguyên nhân khiến khoảng 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh. Tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức còn cao trong hoạt động cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (61,36%).
Những vấn đề nêu trên phản ánh chi phí tuân thủ các điều kiện kinh doanh vẫn là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp. Do đó, cần nhiều nỗ lực cải cách và tâm huyết của các cơ quan quản lý nhà nước về tháo gỡ điểm nghẽn này. Đồng thời, thay đổi tư duy cải cách theo hướng tạo lập thể chế minh bạch, thuận lợi và thúc đẩy tuân thủ của doanh nghiệp.
Cách thức quản lý của cơ quan nhà nước vẫn còn nặng về tiền kiểm, coi nhẹ hậu kiểm. Các cơ quan nhà nước thiên về phát hiện, tìm lỗi để xử lý vi phạm thay vì chú trọng đến việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Điều này khiến doanh nghiệp coi điều kiện kinh doanh là rào cản đối với họ chứ không phải là những yêu cầu cần thiết của quản lý để đảm bảo lợi ích chung của xã hội.
Việc cấp phép, cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, kiểm soát tuân thủ điều kiện kinh doanh là dư địa tạo cơ chế xin – cho của các bộ, ngành vì thế, nhìn chung ít có động lực cắt bỏ hay đơn giản hóa.
Cơ chế kiểm soát việc ban hành điều kiện kinh doanh chưa hiệu quả. Hơn nữa, còn thiếu cơ chế rõ ràng về trách nhiệm và chế tài đối với các bộ, ngành đề xuất ban hành điều kiện kinh doanh kém chất lượng, gây tổn thất về chi phí của doanh nghiệp và của xã hội.
Những cách tiếp cận trong xây dựng thể chế như trên và hơn nữa cần được thay đổi để hệ thống pháp luật thúc đẩy phát triển hơn là thiên về quản lý, xin - cho.
Một trong những giải pháp có thể thực hiện được ngay là nên cân nhắc khôi phục lại nghị quyết của Chính phủ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19, 02) và Tổ công tác giám sát thực hiện nghị quyết với sự tham gia của đại diện các hiệp hội ngành hàng và chuyên gia độc lập từng hoạt động rất hiệu quả trước đây.
Cuộc sống đang là dòng chảy thuận lợi, thì nhiều ngành đưa ra quy định để quản lý như là đổ đá và be bờ làm tắc nghẽn dòng chảy. Khi thấy sai rồi, phải bỏ đá đi, thì gọi là cải cách. Nếu dòng chảy đang tốt thì cần hướng cho dòng chảy đúng chỗ nhanh hơn, mạnh hơn, thế mới là cải cách, chứ không thể tư duy là bỏ đống đá vào, rồi thấy vướng, lại dỡ bỏ ra là cải cách.
Xin một lần nữa nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10/5/2023: kiểm tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật có nhiều sơ hở, bất cập để tổ chức, cá nhân lợi dụng trục lợi; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong ban hành chính sách, pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội.
Chỉ đạo đó, cũng như tinh thần Nghị quyết 41 vừa ban hành và nhiều nghị quyết khác là vô cùng bức thiết để cải cách thực chất môi trường kinh doanh, xốc lại tinh thần cho doanh nhân và người dân trong sản xuất, kinh doanh, mang lại sự phồn vinh cho đất nước.