X-Factor 2014: Nhóm nhạc sẽ đăng quang? Việt Nam có cơ hội tham dự Changwon K-pop World Festival 2022 tại Hàn Quốc? |
Như vậy, thành viên đầu tiên của nhóm BTS là Jin sẽ nộp đơn hủy bỏ việc hoãn nhập ngũ và tham gia quân đội sau khi hoàn thành dự án solo vào cuối tháng này. Các thành viên khác cũng sẽ lần lượt nhập ngũ theo kế hoạch cá nhân. “Nhóm BTS hy vọng tái hợp vào năm 2025 sau khi tất cả thành viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự"- đại diện Công ty Big Hit Music thông tin.
Nhóm BTS |
Trước đó, cuộc tranh luận về việc nhập ngũ của các thành viên nhóm BTS đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội và truyền thông xứ Hàn. Theo kết quả thăm dò trực tuyến được thực hiện bởi các công ty truyền thông khác nhau của Hàn Quốc, trong số 1.018 cá nhân trên 18 tuổi, 60,9% đã bỏ phiếu đồng ý cho phép đặc cách với nhóm BTS.
Những người ủng hộ việc nhóm BTS được miễn nhiễm vụ quân sự giải thích, nhóm nhạc nam xứ Hàn đã mang lại một khoản lợi nhuận khổng lồ cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Kpop trên toàn thế giới. Do đó, việc họ nhập ngũ sẽ ảnh hưởng và thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Hàn Quốc.
BTS gồm 7 thành viên của Hàn Quốc được thành lập từ năm 2013 hiện là một trong số những nhóm nhạc Kpop hàng đầu và mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho kinh tế Hàn Quốc.
Tháng 4/2022, một đêm nhạc của BTS có thể mang về 500 - 984 triệu USD cho kinh tế Hàn Quốc. Thậm chí, trang Fortune gọi BTS là “nền kinh tế” với giá trị thương mại khổng lồ. Tờ này đưa ra trích dẫn của viện nghiên cứu Hyundai (HRI) năm 2018 cho biết BTS đóng góp hơn 3,6 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm - tương đương 26 công ty tầm trung gộp lại.
Bản thân việc nhóm BTS nhập ngũ cũng ảnh hưởng tới doanh thu thương mại của công ty chủ quản. Theo tờ My Daily, vấn đề nhập ngũ của BTS khiến tập đoàn HYBE thiệt hại hơn 10 tỷ USD trong năm qua.
Việc nhập ngũ với các ngôi sao là một vấn đề nhạy cảm tại Hàn Quốc. Theo quy định của pháp luật xứ Hàn, độ tuổi nhập ngũ của nam giới nước này muộn nhất là 28 tuổi. Tuy nhiên, từ tháng 12/2020, Quốc hội Hàn Quốc thông qua "điều luật BTS". Theo đó, nghệ sĩ Hàn Quốc từng nhận huy chương chính phủ nhờ thành tích và cống hiến có thể hoãn nhập ngũ tới năm 30 tuổi.
Liên quan đến vấn đề nhập ngũ của BTS, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc - Lee Jong Seop đã khẳng định lại quan điểm của Bộ Quốc phòng, đó là khó có thể mở rộng hệ thống đặc cách nghĩa vụ quân sự đối với BTS. Quan điểm của ông Lee Jong Seop cũng đã được các thành viên trong Quốc hội Hàn Quốc ủng hộ.
Đề cập tới Đạo luật nghĩa vụ quân sự, Quốc hội Hàn Quốc từng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc xem xét, cân nhắc kỹ nhiều biến số tình huống khác nhau trước khi thông qua luật cho phép miễn trừ nhập ngũ theo nhóm. Ngoài ra, việc Hàn Quốc duy trì Đạo luật nghĩa vụ quân sự sát sao để xây dựng, củng cố quân đội luôn sẵn sàng, đảm bảo cho an ninh quốc gia trước mọi tình huống, nhất là trong giai đoạn có nhiều bất ổn về chính trị trong khu vực.
Vì vậy, bên cạnh những lo lắng của cộng đồng fan BTS, theo một số trang tin của Hàn Quốc, thì việc BTS nhập ngũ được xem là lựa chọn khôn ngoan và cũng cho thấy tầm nhìn tốt của nhóm, tránh những tranh cãi và căng thẳng không đáng có. Bởi trước đây, không ít các ngôi sao Hàn Quốc đã mất hết sự nghiệp vì trốn nghĩa vụ quân sự thông qua việc tìm mọi cách để tạm hoãn thời gian nhập ngũ, không ngần ngại dùng loạt phương thức tiêu cực như làm bản thân bị thương, giả hồ sơ bệnh án…
Đáng kể như nam ca sĩ Yoo Seung Joon (còn gọi là Steve Yoo) tìm cách nhập tịch Mỹ để trốn nghĩa vụ quân sự và hiện tại, anh phải trả giá đắt khi bị cấm vĩnh viễn không được nhập cư vào Hàn. 3 nam ngôi sao đình đám như Song Seung Hun, Jang Hyuk và Han Jae Suk cũng dính bê bối nhiều lần trốn nhập ngũ: cáo ốm, nộp hồ sơ bệnh án giả để được miễn trừ... Sau khi sự việc bị phanh phui, cả ba đã phải họp báo xin lỗi và bị khán giả chỉ trích trong khoảng thời gian dài.
Một số quốc gia khác, nhiều nghệ sĩ đình đám của Mỹ như Elvis Presley cũng đã hoàn thành hai năm huấn luyện và vẫn có thể tiếp tục nổi tiếng sau khi giải ngũ. Ngay tại Hàn Quốc, các nghệ sĩ Kpop như EXO, SHINee và INFINITE đã tham gia quân đội và duy trì vị thế của mình thông qua các vở nhạc kịch tại ngũ. Ngôi sao Hallyu Hyun Bin vẫn củng cố được danh tiếng của mình như một tài tử hàng đầu sau khi giải ngũ khỏi vị trí lực lượng thủy quân lục
Năm 2007, nam ca sĩ PSY phải nhận nhiều chỉ trích từ khán giả sau khi anh dính cáo buộc tổ chức concert trong thời gian tại ngũ. Tòa án Seoul đã ra phán quyết, anh phải tái nhập ngũ để chuộc lỗi. Sau khi PSY nghiêm túc chấp hành và xuất ngũ lần hai, công chúng Hàn Quốc dần có cái nhìn tích cực hơn về anh. Hiện tại, nam ca sĩ thường xuyên được Bộ Quốc phòng mời biểu diễn tại các sự kiện lớn trong quân đội.
Tại Hàn Quốc, nhiều người cho rằng nổi tiếng và miễn trừ quân sự là hai khái niệm khác nhau. Việc đặc cách nghĩa vụ quân sự của BTS sẽ làm tổn thương các nghệ sĩ Kpop khác và làm tổn thất đến quốc gia khi ưu tiên thương hiệu Hallyu lên hàng đầu. Mặt khác, một số ý kiến nêu, có vô số ngành nghề đang đóng góp cho đất nước, việc ưu tiên cho một vài đối tượng là không công bằng.
Nhà ngoại giao Gunn Kim của Hàn Quốc từng nhấn mạnh, mong các nam thanh niên Hàn Quốc phục vụ đất nước và những thành viên BTS là hình mẫu cho nhiều thế hệ trẻ Hàn Quốc. Hầu hết người dân của đất nước mong đợi rằng các thành viên của BTS sẽ hoàn thành nghĩa vụ của họ với tư cách là công dân của Hàn Quốc.
Từ câu chuyện nhóm BTS nhập ngũ, tại Việt Nam, bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân tộc. Do vậy, thực hiện nghĩa vụ quân sự được xác định là trách nhiệm với Tổ quốc, với quê hương. Mỗi thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự là vinh dự, tự hào, bởi thực hiện nghĩa vụ quân sự chính là sự cống hiến một phần bé nhỏ của mình cho sự nghiệp của Đảng và toàn dân tộc.
Đồng thời, việc được tôi luyện ở môi trường quân đội, một trường học lớn để hoàn thiện nhân cách, góp phần năng lực và phẩm chất của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, mỗi thanh niên Việt Nam cần coi đây là vinh dự của bản thân trước gia đình, quê hương và xã hội.