Tổng cục Thống kê tổ chức điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 Lo ngại giá leo thang khi tăng lương: Tổng cục Thống kê đề xuất gì? |
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cơ quan này sẽ thay đổi thời gian phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý và năm từ ngày 29 của tháng báo cáo thành ngày 6 của tháng kế tiếp bắt đầu từ ngày 1/8/2024.
Tổng cục Thống kê sẽ thay đổi thời gian phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý và năm từ ngày 29 của tháng báo cáo thành ngày 6 của tháng kế tiếp bắt đầu từ ngày 1/8/2024 (Ảnh: Nguyễn Hoà) |
Trước đó, ngày 7/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều, phụ lục của Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê và Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 7/11/2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024 và bảo đảm cho việc thu thập, biên soạn thông tin thống kê phản ánh chính xác, đầy đủ, đúng bản chất của một kỳ báo cáo, đặc biệt là kỳ báo cáo tháng phục vụ kịp thời cho các cơ quan Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp trong quản lý, điều hành.
Theo đó, Chính phủ quy định thay đổi lịch phổ biến một số thông tin thống kê quan trọng của cơ quan thống kê Trung ương. Cụ thể, số liệu chính thức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phổ biến vào ngày 6 của tháng kế tiếp sau tháng báo cáo, khác với quy định hiện hành là “ngày 29 hàng tháng, riêng tháng Hai là ngày cuối tháng”.
Số liệu ước tính tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ phổ biến vào ngày 6 của tháng kế tiếp sau quý báo cáo. Số liệu sơ bộ tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ phổ biến vào ngày 6 của tháng đầu tiên của quý thứ hai sau quý báo cáo. Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý 1, quý 2 và 6 tháng, quý 3 và 9 tháng, quý 4 và cả năm phổ biến vào ngày 06 của tháng kế tiếp sau kỳ báo cáo…
Cũng theo Nghị định 62/2024/NĐ-CP, thời gian công bố số liệu GDP có sự thay đổi, cụ thể: Số liệu ước tính quý 1; sơ bộ quý 4 năm trước năm báo cáo: Công bố ngày 6 tháng 4 năm báo cáo. Số liệu ước tính quý 2, 6 tháng và ước tính cả năm lần 1; sơ bộ quý 1: Công bố ngày 6 tháng 7 năm báo cáo; Số liệu ước tính quý 3 và 9 tháng; sơ bộ quý 2 và 6 tháng: Công bố ngày 6 tháng 10 năm báo cáo; Số liệu ước tính quý 4 và ước tính cả năm lần 2; sơ bộ quý 3 và 9 tháng: Công bố ngày 6 tháng 1 năm kế tiếp sau năm báo cáo; Số liệu sơ bộ cả năm: Công bố ngày 6 tháng 10 năm kế tiếp sau năm báo cáo; Số liệu chính thức cả năm và theo quý của năm báo cáo: Công bố ngày 6 tháng 10 năm thứ hai kế tiếp sau năm báo cáo.
Đối với số liệu GRDP được công bố như sau: Số liệu ước tính quý 1; sơ bộ quý 4 năm trước năm báo cáo: Công bố ngày 1 tháng 4 năm báo cáo; Số liệu ước tính quý 2, 6 tháng và ước tính cả năm lần 1; sơ bộ quý 1: Công bố ngày 1 tháng 7 năm báo cáo; Số liệu ước tính quý 3 và 9 tháng; sơ bộ quý 2 và 6 tháng: Công bố ngày 1 tháng 10 năm báo cáo; Số liệu ước tính quý 4 và ước tính cả năm lần 2; sơ bộ quý 3 và 9 tháng: Công bố ngày 1 tháng 12 năm báo cáo; Số liệu sơ bộ cả năm: Công bố ngày 1 tháng 10 năm kế tiếp sau năm báo cáo; Số liệu chính thức cả năm và theo quý của năm báo cáo: Công bố ngày 1 tháng 10 năm thứ hai kế tiếp sau năm báo cáo.
Bên cạnh đó, hệ biểu thu thập thông tin phục vụ biên soạn GDP, GRDP cũng được sửa dổi. Giữ nguyên số lượng biểu theo quy định tại Nghị định số 94/2022/NĐ-CP. Sửa ngày nhận báo cáo, hướng dẫn ghi biểu và một số nội dung liên quan của các biểu mẫu để bảo đảm thời gian biên soạn và công bố số liệu GDP và GRDP.
Theo Nghị định 62/2024/NĐ-CP, thời gian công bố số liệu GDP cũng có sự thay đổi |
Chia sẻ về lý do thay đổi thời gian báo cáo số liệu thống kê, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Có một số lý do để Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ thay đổi thời gian phổ biến thông tin thống kê.
Thứ nhất, thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, số liệu thống kê phải thống nhất giữa các cơ quan, địa phương và phản ánh tình hình kinh tế-xã hội trọn tháng, quý, năm báo cáo.
Thứ hai, xuất phát từ thực trạng công tác thống kê hiện nay, quy trình thu thập, tổng hợp, biên soạn thông tin thống kê phải được thực hiện sớm để cơ quan thống kê có đủ thời gian tổng hợp, kiểm tra, xác minh thông tin từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp Trung ương dẫn đến một số hạn chế, bất cập.
Những bất cập đó là, thông tin thu thập phản ánh không đầy đủ, đúng thực tế hoạt động của các đơn vị theo tháng hành chính, không phản ánh đúng thuật ngữ số liệu trong tháng, trong quý; số liệu có sự gối đầu từ tháng trước sang tháng sau, quý trước sang quý sau…
Cũng theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, dưới góc độ nghiệp vụ thống kê, việc quy định thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế-xã hội có một số ưu điểm như thông tin, số liệu thu thập từ đối tượng cung cấp thông tin phản ánh đầy đủ diễn biến sản xuất kinh doanh của một kỳ báo cáo, góp phần tăng tính chính xác của số liệu, phản ánh sát hơn tình hình thực tế. Bên cạnh đó, nguồn thông tin phục vụ biên soạn một số chỉ tiêu tổng hợp như GDP, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) được cập nhật, đầy đủ hơn; ngành Thống kê có đủ thời gian để kiểm tra, tổng hợp dữ liệu, biên soạn các báo cáo chuyên ngành giúp nâng cao chất lượng báo cáo; số liệu tổng hợp có độ tin cậy cao hơn, phản ánh sát hơn với diễn biến tình hình kinh tế-xã hội cả nước.
Ngoài ra, quy định thời gian công bố, phổ biến Báo cáo kinh tế-xã hội tháng, quý I, quý II và 6 tháng, quý III và 9 tháng, quý IV và cả năm vào ngày 6 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo còn là cơ sở để thống nhất thông tin, số liệu trong công bố, phổ biến một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ, ngành biên soạn, công bố, đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan đến thu, chi ngân sách, xuất nhập khẩu hàng hóa…
Bình luận về việc thay đổi thời gian công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội bắt đầu từ ngày 1/8, PGS, TS Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Sự thay đổi như vậy là phù hợp, vì số liệu liệu thống kê được tổng hợp từ nhiều nguồn, chủ yếu từ địa phương đưa lên, nên phải để cho họ có thời gian để điều tra, khảo sát. Còn nếu báo cáo số liệu của tháng mà giữa tháng đã phải thông tin về tình hình chung cả tháng thì không chính xác, việc điều chỉnh công bố lùi lại sẽ giúp số liệu thống kê trở nên chính xác, sát với thực tế hơn.