Bộ Công Thương tăng cường cung ứng xăng dầu đến các địa phương thiếu xăng dầu cục bộ Hà Nội: Để thiếu xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối sẽ bị truy trách nhiệm |
Thị trường xăng dầu rất khó dự báo
Trong thời gian gần đây có rất nhiều vấn đề liên quan đến dự trữ và cung ứng xăng dầu trên thị trường. Đáng chú ý, tại nhiều địa phương diễn ra tình trạng cây xăng hết hàng. Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế - nhận định, trong thị trường, việc thừa thiếu, mất cân đối cung cầu cũng là việc bình thường.
Thị trường xăng dầu thế giới còn rất nhiều bất ổn và khó dự báo |
Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9 năm 2022, giá xăng dầu có xu hướng giảm liên lục. Từ đầu tháng 10 đến nay, giá thành phẩm xăng dầu thế giới lại có xu hướng tăng trở lại do quyết định giảm sản lượng khai thác dầu của Opec+ và hiện nay tiếp tục có diễn biến phức tạp.
Về cơ chế điều hành xăng dầu, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, hiện nay đang có một bất cập lớn nhất đó là các cơ quan quản lý giá đang kéo dài thời gian tính bổ sung chi phí giá cơ sở của ngành kinh doanh xăng dầu khiến cho cơ cấu giá không có lợi cho những người bán nhiều, kể cả những người bán lẻ.
Trong bối cảnh đó, để duy trì hoạt động bình thường thì các đầu mối bán buôn cũng nhập khẩu ở mức độ thấp để không đứt khách nhưng cũng không bán với mức quá cao để bị lỗ.
Các đại lý thiếu xăng bởi một phần họ ở những ở cấp độ thấp hơn. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp bán buôn cũng như đầu mối nhập khẩu cũng không muốn sử dụng chiết khấu có lợi để khuyến khích tiêu thụ mà muốn sử dụng công cụ này để giảm thiểu lượng bán ra. Do đó, đã tạo ra tình trạng khan hiếm.
Hơn nữa, xu hướng giảm giá xăng dầu thế giới rất khó dự báo đến bao giờ. Do đó, các doanh nghiệp đang có xu hướng chung là giảm nhập khẩu, giảm dự trữ. Vì vậy, tình trạng khan hiếm này đang mở rộng.
Bộ Công Thương đã tích cực trong việc điều hành xăng dầu
TS Nguyễn Minh Phong đánh giá, Bộ Công Thương đã có những giải pháp rất quyết liệt và đáng ghi nhận trong vấn đề điều hành xăng dầu |
Trong bối cảnh này, TS Nguyễn Minh Phong đánh giá, Bộ Công Thương đã có những giải pháp rất quyết liệt và đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong 8 nhóm giải pháp mà Bộ đưa ra, có 5 nhóm giải pháp mà có thể thực hiện được ngay như: Các địa phương tạo điều kiện cho vận chuyển; tăng linh hoạt điều hành giá, bám sát và tính đúng, tính đủ vào chi phí giá cơ sở; rà soát lại các cơ chế để trở lên linh hoạt hơn, cũng như tăng kiểm soát thị trường.
Tuy nhiên, có 3 giải pháp triển khai không dễ dàng và không phụ thuộc vào cơ quan quản lý.
Thứ nhất, tăng nguồn cung trong nước. Mặc dù việc đa dạng hóa nguồn cung là rất quan trọng, nhưng việc tăng nguồn cung trong nước không chỉ phụ thuộc vào mệnh lệnh hành chính mà còn phụ thuộc vào sản xuất, khả năng cung ứng về kỹ thuật. Những doanh nghiệp trong nước đã làm hết công suất thì cũng rất khó có thể tăng công suất quá mức về mặt kỹ thuật. Giải pháp này chỉ có thể thực hiện được nếu có sự đầu tư mới để tạo năng lực cung ứng mới.
Thứ hai, đối với giải pháp về giảm thuế, đây cũng là giải pháp cần phải cân nhắc. Bởi cơ quan chức năng đã có những mức giảm thuế nhất định và về giá cả cho đến nay về cơ bản cũng đã được chấp nhận. Nếu tiếp tục giảm tiếp thuế, thậm chí bằng 0 đối với thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp thì sẽ ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trong bối cảnh chúng ta đã có thâm hụt ngân sách cao.
Thứ ba, việc gia tăng room tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp cũng không dễ. Tôi cho rằng, doanh nghiệp xăng dầu cũng là doanh nghiệp, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và đều dựa trên các quan hệ thị trường. Do đó, muốn được gia tăng hạn mức tín dụng thì ngân hàng thương mại phụ thuộc vào 2 yếu tố quan trọng gồm: room mà họ được Ngân hàng Nhà nước cấp; phụ thuộc vào tỷ lệ cơ cấu cho vay cho 1 đơn vị, 1 lĩnh vực và phụ thuộc vào phương án cho vay có khả thi cho vay có hoàn trả được hay không?
Trong bối cảnh một số doanh nghiệp đầu mối và bán lẻ có nguy cơ vỡ nợ, thua lỗ thì việc vay hay tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng bổ sung cũng sẽ không phải là việc dễ dàng.
Để giải quyết tình trạng xăng dầu hiện nay, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần có sự hợp tác tích cực hơn giữa các cơ quan chức năng trên tinh thần chung là duy trì lượng cung, đáp ứng yêu cầu thị trường và đảm bảo sự hài hòa lợi ích theo chỉ đạo chung của Chính phủ.