Ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21 đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương, mở ra trang sử vẻ vang của ngành Công thương trong nền kinh tế đất nước. Trải qua 71 năm , ngành Công Thương đi qua biết bao thăng trầm. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ, ngành Công Thương luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, quản lý bao trùm nhiều lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước cũng như chăm lo đời sống cho người dân. Để góp một cái nhìn đánh giá lại những thành tựu của ngành Công Thương trong 71 năm qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội khóa 15, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. |
Thưa ông, năm 2022 đánh dấu hành trình 71 năm hình thành và phát triển của ngành Công Thương. Là một người đã có nhiều năm gắn bó với sự phát triển của ngành Công Thương, ông đánh giá như thế nào về vai trò của ngành Công Thương trong sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước? |
Nhà bác học Lê Quý Đôn từng nói: “Phi nông bất ổn, phi thương bất hoạt, phi công bất phú, phi sĩ bất hưng”. Điều đó đã khẳng định vị trí của các giai tầng, ngành nghề trong xã hội trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm trên thế giới và ở nước ta. Với vai trò như vậy, trong suốt 71 năm hình thành và phát triển, ngành Công Thương đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước và sau này là vào quá trình hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tôi muốn nhấn mạnh hai đóng góp vô cùng to lớn của ngành Công Thương vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước kể từ khi đổi mới. Thứ nhất, đó là ngành Công Thương đã tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp có thu nhập thấp sang khu vực công nghiệp, thương mại có thu nhập cao. Về bản chất, đây chính là quá trình công nghiệp hóa – một trong những thành quả quan trọng bậc nhất của công cuộc đổi mới ở nước ta. Thứ hai, ngành Công Thương là nhạc trưởng đi đầu trong công cuộc hội nhập kinh tế của đất nước. Hội nhập không chỉ mở tung cánh cửa, tạo không gian thị trường cho việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư – những động lực quan trọng hàng đầu cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà mà còn tạo cảm hứng, tạo động lực và áp lực cho tiến trình cải cách, góp phần xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập của nước ta. |
Một bước tiến quan trọng của quá trình hội nhập của nước ta trong những năm gần đây là chúng ta không chỉ làm tròn bổn phận của một đối tác có trách nhiệm, mà với một số khuôn khổ hợp tác quốc tế, chúng ta còn đóng vai trò đưa ra sáng kiến, tham gia điều phối, định hình, dẫn dắt… được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Những nỗ lưc tham gia điều phối và thúc đẩy của chúng ta trong việc ký kết các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… là những ví dụ điển hình. Tôi xin nhắc lại một khung khổ hợp tác rất quan trọng là CPTPP. Trước đây, chúng ta rất kỳ vọng vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, sự rút lui của Hoa Kỳ khiến TPP không thể được ký kết. Khi TPP đang bị bế tắc thì lúc đó APEC diễn ra ở Việt Nam và chúng ta đã cùng với Nhật Bản đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều phối, tìm ra những giải pháp để có thể tái cấu trúc, giúp cho TPP có thể hồi sinh dưới hình thức mới là CPTPP. Dù không có sự tham gia của Hoa Kỳ nhưng vẫn trở thành một khung khổ Hiệp định thương mại tự do với chuẩn mực cao nhất của thế giới vào thời điểm đó. CPTPP có vai trò rất quan trọng của ngành Công Thương với tư cách là người đàm phán. Rồi đến khi ta đàm phán để hình thành Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ngành Công Thương và đội đàm phán của ngành Công Thương cũng đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc đẩy nhanh và hoàn thành quá trình ký kết hiệp định này, trong bối cảnh có những ý kiến khác nhau về hiệp định. Rồi rất nhiều những sáng kiến hợp tác về kinh tế và thương mại trong khu vực ASEAN và nhiều hội nghị quan trọng của khu vực ASEAN, chúng ta cũng đóng vai trò là người điều phối rất là thành công. Ngành Công Thương với tư cách là tư lệnh trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, trong việc hội nhập kinh tế đã đóng một vai trò quan trọng. Riêng trong lĩnh vực cải cách thể chế, Bộ Công Thương cũng là một trong những cơ quan tiên phong. Bộ đã đi đầu trong cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Đặc biệt, những cải cách của ngành Công Thương là những cải cách tự thân, xuất phát từ tinh thần chủ động, sáng tạo của ngành chứ không phải áp lực từ trên. Có được điều này có thể là do Bộ Công Thương là những người luôn phải làm quen và gắn bó liên tục với quá trình hội nhập, tiếp xúc và tiếp thu những chuẩn mực của nền kinh tế thế giới, của nền kinh tế thị trường hiện đại. Cho nên hình thành trong tư duy, tính cách của người Công Thương những tư tưởng cải cách, đổi mới rất phù hợp với yêu cầu đổi mới chung ở nước ta cũng như phù hợp với xu hướng chung của thế giới. |
Hai năm gần đây, nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Chính phủ, các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông có ấn tượng gì về những giải pháp gỡ khó kịp thời cho doanh nghiệp trong 2 năm gần đây của Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là yếu tố chưa từng có tiền lệ? |
Đúng là trong hai năm gần đây, khi cả đất nước phải gồng mình để đối phó với những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như các biện pháp giãn cách xã hội được triển khai trên các diễn rộng thì ngành Công Thương cũng đã có những nỗ lực vượt bậc trong việc chủ động đưa ra những giải pháp để hỗ trợ cho nền kinh tế, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Trước hết, tôi phải nhấn mạnh đến vai trò rất quan trọng của Bộ Công Thương trong việc tiếp tục thúc đẩy ký kết cũng như triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA). Khi chúng ta đưa các FTA, đặc biệt là những FTA thế hệ mới vào triển khai, trong bối cảnh khó khăn của thị trường thì các FTA này đã mở ra cánh cửa cho việc xuất khẩu của chúng ta. Kết quả, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn được mở rộng trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các nỗ lực mở cửa thị trường không ngừng nghỉ, tập trung vào việc triển khai thực hiện có hiệu quả các FTA song phương và đa phương đã thực sự trở thành cứu cánh cho các doanh nghiệp trong việc giải quyết vấn đề thị trường giữa bối cảnh rất khó khăn do Covid-19. Các biện pháp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử thời gian qua cũng phát huy tác dụng, đã giúp duy trì dòng chảy hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các nỗ lực nối lại chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và phát triển thị trường mới là những hoạt động được cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương đánh giá cao. Chúng ta cũng ghi nhận nỗ lực của ngành trong việc điều phối cung cầu, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra khan hàng, sốt giá cho người dân trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội được triển khai trên diện rộng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. |
Ngoài ra, những biện pháp khác để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh nhằm duy trì được nhịp độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp cũng được triển khai, được doanh nghiệp đánh giá cao. Tôi cũng đánh giá cao các biện pháp của ngành Công Thương trong việc hỗ trợ, thúc đẩy việc cải thiện hiệu quả của hệ thống logistics cũng như cắt giảm các thủ tục hành chính. Khi tình trạng giãn cách xã hội diễn ra thì Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo kịp thời. Việc Bộ Công Thương thành lập Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, các Tổ công tác đặc biệt để có thể đi vào các điểm nóng, hỗ trợ kịp thời cho các địa phương là việc được doanh nghiệp rất ghi nhận. Đặc biệt, dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch song Bộ Công Thương đã chỉ đạo ngành điện có đến năm lần giảm giá điện trong hai năm qua. Việc giảm giá điện là sự chia sẻ rất thiết thực của ngành Công Thương đối với những khó khăn của các doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh khó khăn chung khi dịch bệnh Covid-19 là yếu tố chưa từng có tiền lệ, việc không chỉ thực hiện khá hiệu quả các biện pháp ngắn hạn, những biện pháp tức thời để giúp tháo gỡ, hỗ trợ, giải tỏa cho sản xuất kinh doanh hay cho đời sống người dân mà còn tiếp tục kiên định những cái cải cách dài hạn, những nỗ lực mở cửa thị trường không ngừng nghỉ thì tôi cho rằng điều đó thể hiện một tâm thế, một tầm nhìn, hành động rất tích cực của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương – một lĩnh vực vô cùng quan trọng của nền kinh tế chúng ta. |
Kinh tế thế giới đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó lường tác động đến nền kinh tế trong nước. Những yếu tố này cũng đặt ra khó khăn lớn cho ngành Công Thương trong hoàn thành các nhiệm vụ của mình. Ông có gợi mở gì về những giải pháp để ngành Công Thương vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội phát triển bền vững hơn trong thời gian tới? |
Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới với rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít rủi ro. Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chiến tranh và cả những mặt trái của nền kinh tế số sẽ trở thành một phần không thể thiếu của bức tranh kinh tế toàn cầu. Dù hội nhập vẫn là xu thế chủ đạo và chúng ta vẫn cần thúc đẩy, nhưng việc xây dựng một nền kinh tế quốc gia có hiệu quả hơn, tự chủ hơn và có khả năng chống chịu cao hơn với những cú sốc cũng là một yêu cầu bức thiết và ngành Công Thương có vai trò rất quan trọng trong hoạch định và triển khai thực hiện chiến lược quốc gia theo những cách này. Chúng ta đều biết là hiện nay, mặc dù đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá lớn, mặc dù các doanh nghiệp của chúng ta xuất khẩu khá nhiều nhưng giá trị gia tăng thu được chưa được cao, vì chúng ta vẫn đang phải nhập phần lớn các nguyên vật liệu từ nước ngoài. Ở trong nước, chúng ta hiện mới chỉ đang đảm nhận được khâu gia công, với giá trị gia tăng rất thấp. Điều này cần phải được cải thiện. Chúng ta phải vươn lên ở những cái phân khúc cao hơn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và muốn làm được điều đó, phải phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, cần chuyển trọng tâm chính sách nhằm vào những đối tượng, doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực và sản phẩm riêng lẻ sang chính sách thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, các hệ sinh thái gắn kết được các doanh nghiệp, địa phương, các lĩnh vực ngành nghề trong nền kinh tế Việt Nam. Để hình thành các chuỗi cung ứng nhu vậy thì phát triển công nghiệp hỗ trợ giữ một vai trò quan trọng. Phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp chúng ta thoát khỏi kiếp gia công, gia tăng giá trị khi tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và cũng đảm bảo cho chúng ta tự chủ hơn trong việc duy trì các chuỗi cung ứng. |
Tôi đã nhiều lần đề nghị với Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy lĩnh vực rất quan trọng này và cũng là để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách thực chất và gắn kết được với các chuỗi cung ứng chứ không hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ như các “củ khoai tây trong một giỏ khoai tây”. Các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế mà chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân cũng cần được tiếp sức để trở thành các trung tâm của chuỗi, chứ không phải là những “ốc đảo” lắp ráp gia công, chỉ nhập vào rồi xuất ra mà không gắn với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Thời gian tới, chúng ta phải gắn kết được hệ sinh thái cộng sinh cùng có lợi với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này chúng ta chưa làm được và đây chính là cốt lõi, chính là linh hồn của chính sách phát triển công nghiệp của chúng ta trong thời gian tới. Các chuỗi giá trị của Việt Nam, các thương hiệu quốc gia của Việt Nam phải được hình thành như thế và để thúc đẩy hình thành các cái chuỗi liên kết như vậy thì không ai khác, Bộ Công Thương phải giữ vai trò là kiến trúc sư trưởng của các chuỗi cung ứng, của các chuỗi giá trị trong nền kinh tế Việt Nam. Cho nên tôi tha thiết đề nghị Bộ Công Thương trong thời gian tới để đặc biệt quan tâm tới nội dung phát triển công nghiệp. Tôi cũng biết là Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong những phát biểu gần đây, những định hướng gần đây cũng đã nhấn mạnh trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp nội địa, các chuỗi cung ứng nội địa. Tôi cho rằng đây là một xu hướng không thể nào khác được nếu chúng ta muốn có một nền kinh tế có hiệu quả cao hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn, bền vững hơn và tự chủ hơn. Đây là mệnh lệnh phát triển của chúng ta trong giai đoạn mới, bên cạnh những nỗ lực tiếp tục hội nhập. |
Và câu hỏi cuối cùng, ông có kiến nghị gì về những cơ chế chính sách của ngành Công Thương trong thời gian gần nhất để làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn hậu Covid-19 hiện nay? |
Chúng ta đã có một chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế cho giai đoạn hai năm vừa qua. Cho đến thời điểm hiện nay, khi chúng tôi kiểm điểm lại thì chúng tôi thấy là việc triển khai các cái gói hỗ trợ đó qua chậm. Cũng có ý kiến nói rằng có lẽ phải hồi phục lại các chính sách hồi phục và phát triển của nền kinh tế đó. Đặc biệt, yếu tố thời gian là vô cùng quan trọng cho việc triển khai các biện pháp hỗ trợ cho phục hồi nền kinh tế. Bởi rất nhiều doanh nghiệp đang đứng ở ranh giới của sự tồn tại hay không tồn tại. Cho nên việc đẩy nhanh thực hiện các chính sách một cách quyết liệt, khẩn trương thông qua việc cải cách mạnh mẽ các thủ tục và phát huy vai trò của các tổ công tác đặc biệt là vô cùng quan trọng. Tôi nhớ trước đây Bộ Công Thương có Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam và các Tổ công tác đặc biệt. Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ rằng vẫn cần phải duy trì các tổ công tác hay các nhóm công tác tương tự như vậy để đẩy nhanh việc đưa những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế vào thực tiễn. |
Ngành Công Thương là một ngành quản lý rất nhiều doanh nghiệp quan trọng, những doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế nước ta. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang khó khăn và thậm chí có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã vướng vòng lao lý. Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành khác nên có những biện pháp để hỗ trợ bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp. Khi doanh nhân sai phạm thì người ta phải bị xử lý một cách công minh trước pháp luật. Nhưng mà đằng sau họ là các doanh nghiệp, đằng sau họ là công ăn việc làm của hàng ngàn, hàng vạn gia đình. Đằng sau các doanh nghiệp đó là tăng trưởng, là đóng góp cho ngân sách đất nước. Bộ trưởng Công Thương sẽ cùng với các Bộ trưởng, các ngành khác trong Chính phủ cần nắm tay với nhau để có thể giúp cho các doanh nghiệp, ngay cả các doanh nghiệp gặp phải khó khăn hay chủ doanh nghiệp vướng vòng lao lý cũng thể duy trì được sản xuất, có thể tái cấu trúc, có thể khôi phục lại để tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng, tiếp tục đảm bảo cân đối việc làm cho người lao động và đóng góp cho ngân sách. Tôi rất mong muốn Bộ Công Thương sẽ tiên phong cả trong lĩnh vực này giống như Bộ Công Thương đã từng tiên phong trong hội nhập, cải cách hành chính. Bộ Công Thương cũng đã tiên phong trong việc thực hiện những biện pháp để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong Covid và bây giờ Bộ Công Thương cũng sẽ tiên phong trong việc hỗ trợ nền kinh tế để phục hồi, để phát triển. |
Xin cảm ơn ông! |
Thực hiện: Nhóm phóng viên |