Sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội: Phải đảm bảo chính sách là giải pháp lâu dài cho người lao động Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Thay thế hoặc điều chuyển cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm |
Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) với nhiều điểm mới không chỉ khẳng định đây là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, mà còn tiến tới mở rộng vững chắc diện bao phủ, thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân. TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương về Luật BHXH (sửa đổi).
Luật BHXH (sửa đổi) hướng tới bao phủ người tham gia chính sách BHXH. Ảnh: TTXVN |
Trong các quy định mới, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để người lao động có thêm cơ hội hưởng lương hưu. Vậy theo ông, quy định này sẽ tác động tới người lao động cũng như người sử dụng lao động ra sao?
Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã đặt ra nhiệm vụ cải cách chính sách BHXH với nội dung: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”.
Theo tôi đây là quy định phù hợp trong bối cảnh hiện này, bởi qua khảo sát thực tiễn, một trong những nguyên nhân được chỉ ra đối với việc nhiều người hưởng BHXH một lần là do số năm tích lũy hưởng lương hưu (20 năm) quá dài, làm giảm động lực tham gia, gắn bó lâu dài để hưởng lương hưu của người lao động.
Mặt khác, việc sửa đổi này góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH của Nghị quyết số 28-NQ/TW, để ngày càng có thêm nhiều người hơn được hưởng lương hưu, đồng thời cũng khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp BHXH để hưởng lương hưu hàng tháng thay vì nhận BHXH một lần.
Ngoài ra, tôi cho rằng, quy định này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, cũng như quy định của Công ước số 102 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là người lao động đóng BHXH tối thiểu 15 năm được hưởng chế độ hưu trí. Nhiều quốc gia trước đây cũng quy định thời gian đóng tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu thì hiện nay đã có điều chỉnh giảm.
TS.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) |
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu còn 15 năm sẽ khiến người lao động tính toán lựa chọn hưởng BHXH một lần?
Thực tế cho thấy hầu hết người tham gia BHXH đều mong muốn đóng BHXH trong thời gian dài để được hưởng tỷ lệ lương hưu ở mức tối đa gắn với có mức lương hưu cao, ổn định tốt hơn các nhu cầu cuộc sống khi về già.
Theo đó, nhằm hạn chế rút BHXH một lần, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng đã nêu 2 phương án. Một là, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm; hai là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thực tế, dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại khi họ hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo người lao động khi về hưu có khoản thu nhập đủ sống thiết nghĩ rất cần thực hiện mức đóng dựa trên mức lương thực nhận hàng tháng, chứ không nên dựa trên mức lương tối thiểu vùng như hiện nay, vì mức lương tối thiểu vùng thường thấp hơn múc lương thực nhận của người lao động.
Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH, ông chia sẻ gì về điểm mới này?
Theo tôi biết, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã tiếp tục mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (người lao động làm việc không trọn thời gian) tham gia và thụ hưởng 5 chế độ của BHXH bắt buộc.
Như vậy, việc bổ sung các đối tượng trên sẽ đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, đồng thời đảm bảo gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia và gia tăng diện bao phủ của BHXH. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Theo luật hiện hành, nhóm đối tượng này mới chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Nếu như Luật được thông qua sẽ có khoảng 100.000 người được hưởng lợi trực tiếp từ quy định này.
Song, nếu tiếp cận ở một khía cạnh khác, cần phải nhấn mạnh là trong thực tế hiện nay, hầu hết người lao động và người sử dụng lao động đều nhận thức vai trò và mức độ quan trọng của BHXH, BHYT, BHTN... Tuy nhiên mức đóng và chế độ hưởng lợi từ chính sách bảo hiểm vẫn chưa thực sự hấp dẫn để tạo động lực cho họ có quyết tâm cao khi thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm.
Riêng về mức đóng tôi xin nêu một ví dụ, một vài số liệu để so sánh, góp thêm thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, cân nhắc giảm bớt mức đóng cho doanh nghiệp và người lao động, cụ thể:
Bảng tỉ lệ mức đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động năm 2023:
Người lao động | Quỹ BHXH | Quỹ TNLĐ-BNN | Quỹ BHTN | Quỹ BHYT | Tổng mức đóng | |
Quỹ hưu trí, tử tuất | Quỹ ốm đau, thai sản |
|
|
|
| |
Việt Nam | 8% | 0 | 0 | 1% | 1,5% | 10,5% |
Nước ngoài | 8% | 0 | 0 | 0 | 1,5% | 9,5 % |
Bảng tỉ lệ mức đóng BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động năm 2023
Người sử dụng lao động | Quỹ BHXH | Quỹ TNLĐ-BNN | Quỹ BHTN | Quỹ BHYT | Tổng mức đóng | |
Quỹ hưu trí, tử tuất | Quỹ ốm đau, thai sản |
|
|
|
| |
Việt Nam | 14% | 3% | 0,5% | 1% | 3% | 21,5% |
Nước ngoài | 14% | 3% | 0,5% | 0 | 3% | 20,5 % |
Còn về quy định, về các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH trong đó, khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ Luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật, quan điểm của ông ra sao?
Đây là quy định mới kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Theo đó, khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của người sử dụng phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tôi cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ góp phần hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đặc biệt chậm đóng, trốn đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu hồi, góp phần đảm bảo quyền tham gia và thụ hưởng BHXH của người lao động. Tuy nhiên, việc quy định cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật hình sự là biện pháp rất “cứng rắn” và mạnh mẽ nên cần phải quy định hành vi cụ thể vi phạm, để đảm bảo khi thực thi tránh bị lạm dụng hoặc tăng nặng vi phạm của doanh nghiệp…
Xin cảm ơn ông!