Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều ngày 19/8, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để đánh giá tình hình, kết quả triển khai và bàn giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022; định hướng giai đoạn 2023-2025. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF).
Ông đánh giá như thế nào về Hội nghị trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài diễn ra vào chiều ngày 19/8 với sự tham dự của 62 cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương?
TS. Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia |
Theo tôi, việc Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thời điểm này rất có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều bất định và ẩn chứa nhiều yếu tố rủi ro, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường hàng hoá, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng mạnh thời gian qua.
Thông qua hội nghị này, các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng và cơ quan chức năng của Việt Nam những thông tin về tình hình thị trường sở tại đối với các mặt hàng nói chung và từng mặt hàng cụ thể, những yêu cầu về thị trường của nước sở tại cũng như những rào cản về quy định của các quốc gia này để cung cấp cho doanh nghiệp, từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ngành hàng, địa phương có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, thông qua Hội nghị thương vụ này, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp cũng nêu ra được những khó khăn của họ trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài, đây là những khó khăn mà phía doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng trong nước gặp phải. Dựa trên các thông tin chia sẻ của phía các tham tán thương mại và doanh nghiệp ngành hàng trong nước, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ có những thông tin mới để tìm cách tháo gỡ, tiếp cận tốt hơn thị trường thông qua con đường ngoại giao, con đường thương mại, từ đó tiếp xúc, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, song vẫn chưa thực sự hiệu quả. Hội nghị thương vụ lần này cũng là cách để Việt Nam tận dụng hiệu quả hơn các FTA, đồng thời giúp doanh nghiệp, ngành hàng chủ động phòng trách những vụ kiện chống bán phá hay rủi ro đối với hàng hoá xuất khẩu trong nước, ông nghĩ sao về điều này?
Chính xác là như vậy, vì hiện nay những thông tin về thị trường FTA, ví dụ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) thì nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ thông tin, thậm chí có nhiều doanh nghiệp chưa biết FTA đó là gì, Việt Nam được hưởng lợi gì từ những thị trường đó và liệu sản phẩm của doanh nghiệp mình có thể tiếp cận được không? Nên thông qua các cuộc gặp gỡ, giao ban với tham tán thương mại sẽ giúp các doanh nghiệp biết được khó khăn, rào cản mà mình đang gặp phải.
Cùng với đó, thông qua hội nghị này, Bộ Công Thương cũng có thể đưa ra những thông tin, quy định cụ thể tại các FTA mà Việt Nam đã tham gia, để cộng đồng doanh nghiệp nắm được, kết hợp với những thông tin cụ thể mà tham tán thương mại cung cấp tại các thị trường có FTA với Việt Nam, từ đó sẽ cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin cụ thể, rõ ràng hơn về thị trường, về ngành hàng để có cách tiếp cận và chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.
Thông qua Hội nghị thương vụ, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp cũng nêu ra được những khó khăn của họ trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài |
Theo ông, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều diễn biến khó lường, Bộ Công Thương cần làm gì để Hội nghị thương vụ thực sự trở thành “cầu nối” cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng thời là kênh thông tin tham khảo quan trọng, có ý nghĩa cho các cơ quan chức năng trong điều hành kinh tế?
Thứ nhất, nền kinh tế thế giới đang diễn biến khó lường bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và đặc biệt, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khiến giá năng lượng, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và giá lương thực, thực phẩm tăng cao, các chuỗi cung ứng hàng hoá bị ảnh hưởng, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Do đó, Hội nghị thương vụ lần này cần tập trung cung cấp thông tin về vấn đề hạn chế nguồn cung ứng giữa các nước, giữa các ngành hàng, đồng thời cung cấp thêm những thông tin, định hướng để thiết lập các chuỗi cung ứng mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xuất và nhập khẩu hàng hoá của doanh nghiệp.
Thứ hai, theo tôi, thông tin quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, ngành hàng trong nước hiện nay là các thông tin về nhu cầu, đơn hàng của các thị trường nước ngoài, bên cạnh đó là xu hướng dịch chuyển đầu tư giữa các nước, dịch chuyển các chuỗi cung ứng, thành lập các FTA mới, xu hướng bảo hộ thương mại của các nước để bảo vệ sản xuất trong nước… Đây là những thông tin rất cần thiết không chỉ đối với các doanh nghiệp, ngành hàng mà với cả cơ quan chức năng trong điều hành kinh tế vĩ mô. Theo đó, hội nghị cũng cần làm rõ hơn các thông tin này để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Từ tháng 7/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị giao ban thương vụ định kỳ hàng tháng, nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, nhằm tìm ra các giải pháp phát triển thị trường, nhất là thị trường nước ngoài, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. |