Trong khuôn khổ hoạt động truyền thông về Năm ASEAN 2020, sáng 15/1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và ERIA tổ chức buổi thảo luận bàn tròn với các cơ quan thông tấn, báo chí của Việt Nam, nhằm chia sẻ thông tin cập nhật về ASEAN, những nội dung liên quan tới Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam…
Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho hay, là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ đóng vai trò và trách nhiệm củng cố khối đoàn kết, thống nhất và nâng cao năng lực nội tại; thúc đẩy cộng đồng này phát triển vững mạnh, tăng cường liên kết khu vực, kết nối kinh tế. Đồng thời, Việt Nam sẽ nỗ lực hướng tới nâng cao năng lực thích ứng của ASEAN trước các biến động nhanh của tình hình thế giới, các thách thức nổi lên mới.
Theo ông Kavi Chongkittavorn - Cố vấn truyền thông cao cấp, ERIA - có 7 vấn đề quan trọng trong năm ASEAN 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch và sự thành công của Việt Nam phụ thuộc vào việc giải quyết các thách thức lớn này.
Cụ thể, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề như: Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ hai tại Mỹ diễn ra vào quý I/2020; Hiện trạng của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Liệu rằng Việt Nam có hoàn thành nhóm phiên họp thứ hai đối với dự thảo Bộ quy tắc ứng xử biển Đông trong năm 2020 với 6 cuộc họp đã được lên kế hoạch; ASEAN có tăng cường vai trò trong quá trình hòa bình giữa hai miền Triều Tiên và phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên…
Các vấn đề khác như Việt Nam làm thế nào để có thể thay mặt ASEAN đẩy nhanh quá trình hồi hương của người tị nạn Rohingya; ASEAN có thể hiện thực hóa Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như thế nào? Việt Nam có thể đảm bảo một số lãnh đạo cấp cao của một số đối tác quan trọng như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 15 diễn ra vào ngày 14 - 15/11 tại Hà Nội…
Tuy nhiên, để đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch Năm ASEAN 2020, theo ông Kavi Chongkittavorn, truyền thông Việt Nam cần rút ra ba bài học lớn từ Thái Lan.
“Thứ nhất, Việt Nam cần nắm quyền định hướng thông tin càng sớm càng tốt, Thứ hai, truyền tải định hướng thông tin càng rộng càng tốt. Thứ 3, cần giữ định hướng thông tin càng lâu càng tốt” - Kavi Chongkittavorn cho hay, đồng thời gợi ý, Việt Nam có 9 điều nên làm trong công tác truyền thông về năm ASEAN 2020. Đó là nên thận trọng hơn trong việc xem xét và sử dụng nguồn tin, không nên dựa vào quan điểm, góc nhìn của riêng một nước thành viên ASEAN nào. Bên cạnh đó, nên trích dẫn bình luận của nhiều nhóm học giả, chứ không chỉ riêng học giả phương Tây và nghĩ rộng hơn so với khung khổ truyền thống, đặc biệt trong các vấn đề phi chính trị. Ngoài ra, truyền thông Việt Nam nên theo dõi cả các đánh giá chính thức và không chính thức; suy nghĩ một cách tổng hợp, không phải theo góc nhìn song phương hay một chiều. Đặc biệt, cần đọc các văn kiện một cách thận trọng và đọc đi đọc lại nhiều lần trước khi đưa tin; có sự hiểu đúng và đầy đủ thuật ngữ chuyên môn và ngoại giao của các nước ASEAN; khai thác và viết về các câu chuyện liên quan tới người dân ASEAN.
Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu ERIA dự kiến sẽ phối hợp với phía Việt Nam tổ chức Hội nghị bàn tròn với các biên tập viên lần thứ 9 vào khoảng tháng 10/2020 tại Hà Nội. Trong 10 năm qua, ERIA đã tổ chức hội nghị bàn tròn với các nước chủ tịch ASEAN nhằm nâng cao vai trò và hiểu biết của các cơ quan báo chí địa phương về các vấn đề của ASEAN.