Truyền thông đã và đang đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội, là một trong những yếu tố góp phần vào thành công của các sự kiện trọng đại của đất nước gần đây như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công phải biết cách tuyên truyền; phải biết cách nói. Nói thì phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được. Chớ dùng những danh từ lạ, ít người hiểu. Chớ nói ra ngoài đề, chớ lắp đi lắp lại. Chớ nói qua một tiếng đồng hồ, vì nói dài thì người ta chán tai. Không thích nghe nữa. Phải có lễ độ”. (trích trong bài “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền”, đăng trên Báo Sự thật, số 79, từ ngày 26/6 đến 9/7/1947).
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nắm chắc, dự báo đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội. Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam… Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”…
Có thể nói, Đảng ta luôn coi trọng công tác truyền thông, báo chí, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và có tính chất mở đường về tư tưởng chính trị, góp phần xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng cách mạng, nền tảng chính trị của Đảng, nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần đưa đường lối đổi mới của Đảng đi vào cuộc sống, mở rộng dân chủ, khơi dậy sáng tạo của mọi ngành, mọi địa phương, các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, công tác thông tin, truyền thông đã đóng góp rất tích cực trong việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội, ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường và sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Thực hiện tinh thần này, ngày 31 tháng 3 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025 là thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền Trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, tuyên truyền về bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương. Đồng thời, tuyên truyền về hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế của đất nước; tuyên truyền khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; thông tin, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; công tác phòng, chống, khắc phục thiên tai, hiểm họa, dịch bệnh cho cộng đồng.
Trước yêu cầu phát triển của thực tiễn, thời gian qua, Ban cán sự Bộ Công Thương luôn quan tâm, chỉ đạo để công tác truyền thông thực sự là cầu nối quan trọng, hỗ trợ hiệu quả việc thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành. Công tác truyền thông báo chí của Bộ Công Thương ngày càng đi vào nề nếp, từ việc xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện; cơ sở pháp lý về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được hoàn thiện; việc thực hiện chế độ phát ngôn, cung cấp, xử lý thông tin báo chí, thông cáo báo chí ngày càng bài bản.
Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền của Bộ ngày càng phát triển về quy mô số lượng, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả vai trò là những kênh thông tin đóng vai trò trụ cột, quan trọng trong thực hiện công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Công Thương. Các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động trong việc truyền thông đối với các hoạt động của đơn vị; các kênh phối hợp thông tin, truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành cũng ngày càng được mở rộng; cách thức truyền thông ngày càng đa dạng, phong phú.
Ngoài các kênh truyền thông chính thống như Cổng Thông tin Điện tử của Bộ, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, để chuyển tải thông tin đến người dân cả nước, Bộ Công Thương đang sử dụng thêm các kênh thông tin như mạng xã hội (facebook, zalo…), tuyên truyền miệng (hội nghị, hội thảo, tập huấn, chuyển giao, truyền miệng, nhóm sở thích, sân khấu hóa…). Bộ đã thiết lập trang fanpage trên Mạng xã hội, nhóm kết nối thông tin ngành Công Thương tới 63 tỉnh thành qua zalo, nhóm kết nối thông tin tới trên 300 cơ quan truyền thông báo chí và hơn 500 phóng viên theo dõi ngành ở ba miền Bắc -Trung - Nam.
Kế hoạch truyền thông năm 2022 được phê duyệt tại Quyết định số 273/QĐ-BCT ngày 03 tháng 03 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương với mục tiêu nâng cao tính chủ động và kịp thời trong cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của ngành, các hoạt động và kết quả đạt được của Bộ đến các cơ quan truyền thông, nâng cao hình ảnh của một ngành Công Thương “Đoàn kết, Kỷ cương, Muôn phương thắng lợi”.
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ đối với Kế hoạch truyền thông năm 2022 là tăng cường hơn nữa sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí trong và ngoài Bộ, để làm tốt công tác thông tin, truyền thông, cung cấp thông tin một cách chủ động, kịp thời và đầy đủ về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ và của ngành Công Thương, đặc biệt là các vấn đề được xã hội và nhân dân quan tâm; cần tiếp tục đổi mới tư duy triển khai công tác thông tin, truyền thông; phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các lực lượng làm công tác thông tin tuyên truyền; nâng cao năng lực phân tích, dự báo, nhất là các xu thế, xu hướng phát triển của xã hội, của ngành để chủ động các kế hoạch truyền thông đáp ứng nhu cầu, xu thế thông tin, tạo định hướng thống nhất, tăng cường tính thuyết phục trong công tác thông tin, quảng bá, cũng như trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, chống phá; bảo đảm thế chủ động về thông tin, ứng phó hiệu quả với các tình huống, vụ việc, nhất là các vụ việc nhạy cảm, đột xuất phát sinh; đồng thời tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức, hình thức thông tin, đặc biệt cần tăng cường sử dụng nền tảng số, các phương tiện truyền thông mới, kênh thông tin mới, sản phẩm thông tin bằng các ngôn ngữ nước ngoài.
Ngoài ra, trong công tác chỉ đạo điều hành, Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng luôn nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ phải coi công tác truyền thông là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và quan trọng của đơn vị mình; phải phát huy tinh thần hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí để làm tốt công tác truyền thông; bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin cần thiết cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin không đúng sự thật gây hoang mang cho người dân, doanh nghiệp, làm tổn hại đến hình ảnh, vị thế ngành Công Thương. Các nội dung cần đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh truyền thông gồm:
Một là, truyền thông, phổ biến cơ chế, chính sách liên quan đến ngành Công Thương và các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; các chương trình xây dựng và thực thi pháp luật của ngành Công Thương theo quy định hiện hành;
Hai là, truyền thông về hoạt động sản xuất công nghiệp, triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, ô tô, chế biến, chế tạo, công nghiệp hóa chất...; nối lại chuỗi sản xuất trong bối cảnh hậu dịch Covid-19;
Ba là, công tác điều hành ổn định và phát triển thị trường trong nước, về phát triển hợp tác biên mậu; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại;
Bốn là, công tác điều hành, xử lý các khó khăn vướng mắc nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; các biện pháp phòng vệ thương mại để hỗ trợ xuất khẩu, bảo vệ ngành sản xuất trong nước, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu; các hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại giữa Việt Nam với các đối tác ngoài nước;
Năm là, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết quốc tế trong hoạt động thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia và ký kết; thông tin về việc xử lý các vụ kiện về cạnh tranh không lành mạnh và chống độc quyền, luật cạnh tranh;
Sáu là, truyền thông về đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời, sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn năng lượng, các chương trình ứng dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và các chương trình ứng dụng khoa học - công nghệ trong hoạt động sản xuất, các cơ chế phối hợp và biện pháp xử lý đối với các sự cố trong lĩnh vực công nghiệp; sản xuất và tiêu dùng bền vững, theo chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh...
Bảy là, truyền thông về các hoạt động khuyến công quốc gia; xúc tiến thương mại quốc gia, xúc tiến thương mại trên môi trường số; xúc tiến thương mại trực tuyến, bán hàng từ xa...