Đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định
Cơn bão số 2 vừa đi qua, miền Bắc đã phải đón đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ các tỉnh phía Bắc, Trung bộ cao kỷ lục nhiều địa phương nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 400C, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng đột biến, nhiều mốc kỷ lục về tiêu thụ điện được phá vỡ trong đợt cao điểm nắng nóng vừa qua. Điều này dẫn đến nhiều tuyến đường dây truyền tải, nhiều trạm biến áp vận hành trong chế độ đầy và quá tải. Trong khi nhiệt độ môi trường tăng cao nếu không có các phương án, giải pháp khắc phục kịp thời thì nguy cơ tiềm ẩn sự cố là rất lớn. Đây thực sự là thác thức không nhỏ đối Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) nói chung và các Truyền tải điện (TTĐ) khu vực thuộc Công ty truyền tải điện 1 (PTC1) nói riêng.
Tuyên truyền cho người dân về an toàn hành lang lưới điện |
Có mặt tại TTĐ Ninh Bình vào đúng ngày đỉnh điểm của nắng nóng khi nhiệt độ ngoài trời mà chúng tôi đo được trên 400C và thời điểm ở trong khu vực Trạm biến áp (TBA) 500 kV Nho Quan thì nhiệt độ lúc này đã lên đến xấp xỉ 500C. Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Văn Lộc - Giám đốc TTĐ Ninh Bình thuộc PTC1 - cho biết: Đối với TTĐ Ninh Bình, trong 5 tháng đầu năm 2021 sản lượng điện đã tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2020. Nắng nóng liên tục từ đầu tháng 5 đến nay đã khiến nhu cầu tiêu thụ điện lớn dẫn đến nguy cơ sự cố cho các thiết bị do phải mang tải cao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Là đơn vị được giao quản lý, vận hành lưới truyền tải điện khu vực cấp điện áp 220 kV-500 kV trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và một phần của Hòa Bình, có nhiệm vụ cung cấp điện chính cho TP. Hà Nội và các tỉnh phía Nam đồng bằng Sông Hồng, nên ngay từ đầu năm 2021 theo chỉ đạo của EVNNPT và PTC1, TTĐ Ninh Bình đã phối hợp các đơn vị liên quan nâng công suất MBA trạm 500kV Nho Quan, trạm 220kV Thanh Nghị, Phủ Lý, thi công lắp đặt các dàn làm mát MBA tại tất cả các TBA, thực hiện kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ các tuyến đường dây, lau rửa sứ, soi phát nhiệt, đo khoảng cách pha- đất, kiểm tra các mối nối, ống vá, chặt tỉa cây, phát quang hành lang tuyến và xử lý ngay các bất thường khi phát hiện … các công tác sửa chữa, bảo dưỡng và thí nghiệm định kỳ thiết bị tại các TBA đã được triển khai thực hiện ngay từ đầu năm để trong mùa nắng nóng và mùa mưa bão các thiết bị truyền tải điện đảm bảo vận hành ổn định nhất.
Kiểm tra thiết bị tại TBA 500 kV Nho Quan |
Bên cạnh đó, thời điểm này mùa mưa bão cũng đã bắt đầu, để chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra, hiện công tác diễn tập ứng phó sự cố đã được đơn vị triển khai, toàn bộ hệ thống mương, rãnh thoát nước tại các TBA đã được khơi thông, các thiết bị vật tư phục vụ cho công tác sửa chữa, thay thế, cũng như các kịch bản ứng phó đã được chuẩn bị đầy đủ. Với mục tiêu cao nhất của TTĐ Ninh Bình là đảm bảo lưới Truyền tải điện vận hành an toàn, liên tục, ổn định.
“Hiện chúng tôi đang quản lý, vận hành 1 TBA 500kV và 07 TBA 220 kV với tổng dung lượng MBA là 5.475 MVA và gần 800 km đường dây 220kV và 500 kV. Trong đó TBA 500 kV Nho Quan là điểm nút quan trọng trong hệ thống lưới Truyền tải điện Quốc gia, có nhiệm vụ giải tỏa công suất cho các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La để cung cấp điện cho TP. Hà Nội và các tỉnh phái Nam đồng bằng sông Hồng cũng như truyền tải công suất Bắc – Nam. Trung bình sản lượng điện qua trạm mỗi năm ước đạt trên 13 tỷ kWh. Với tầm quan trọng của tuyến như vậy nên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì chúng tôi càng phải tuân thủ chặt chẽ và nghiêm túc công tác phòng chống dịch cũng như các giải pháp kỹ thuật với mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, truyền tải liên tục”, ông Vũ Văn Lộc cho biết.
Kiểm tra soi phát nhiệt đường dây tuyến ĐZ 220 kV Nho quan- Phủ Lý |
Để đảm bảo lực lượng quản lý, vận hành tại các TBA, TTĐ Ninh Bình đã thực hiện cô lập và cách ly toàn thể lực lượng quản lý vận hành tại các TBA từ ngày 12/5/2021, người lao động sẽ ăn, nghỉ và làm việc tại trạm. Đối với khối đường dây, có một số tuyến đường dây do đơn vị quản lý nằm trên địa bàn, địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng chính phủ nên ngoài việc sẵn sàng túc trực để tăng cường xử lý các nguy cơ sự cố, khiếm khuyết trên lưới thì những cán bộ công nhân này luôn phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mà Chính quyền địa phương, ngành Y tế đưa ra.
Anh Lê Anh Tuấn - Đội Truyền tải điện Nho Quan - cho biết: Do khối lượng đường dây quản lý nhiều, địa bàn rộng nên chúng tôi phải cố gắng hết sức, từ tỉnh này sang tỉnh khác chúng tôi đều phải tuân thủ chặt chẽ các bước phòng, chống dịch, giữ khoảng cách an toàn với người dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như giữ môi trường làm việc sạch sẽ.
Vượt qua thách thức
Khó khăn thách thức là vậy, nhưng với sự quan tâm, động viên kịp thời từ các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Công đoàn TTĐ Ninh Bình, Công ty Truyền tải điện 1, cùng sự chia sẻ, giúp đỡ từ phía các đồng nghiệp, tập thể CBCNV Truyền tải điện Ninh Bình luôn giữ một tinh thần lạc quan, đoàn kết hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Để thấy được công việc của người lính truyền tải, chúng tôi đã đi thực tế tuyến đường dây 220 kV Nho Quan - Phủ Lý, dưới cái nắng nóng hơn 400C nhìn những chiếc áo ướt đẫm mồ hôi của những người thợ truyền tải điện khi phải trèo lên những cột điện cao hàng chục mét, cũng đủ thấy sự vất vả mà họ đang phải nếm trải. Nhưng không vì thế mà các anh nản chí hay than phiền mà mỗi người các anh luôn nở nụ cười tươi và tập trung vào công việc.
Công tác quản lý vận hành tại TBA 500 kV NHo Quan |
Anh Phan Đức Bình - Đội truyền tải điện Nho Quan - chia sẻ: Nhiều khi đến 11h trưa rồi, nắng đã rất gay gắt nhưng khối lượng công việc trên cột chưa xong, nhưng chúng tôi đều cố gắng tập trung cao độ để hoàn thành công việc một cách cách an toàn tuyệt đối mà quên đi cái nắng cũng như sự mệt mỏi của bản thân. Mỗi vị trí cột được xử lý xong là anh em trong đội lại thở phào nhẹ nhõm, tranh thủ nghỉ ngơi cho sức khỏe hồi phục để buổi chiều lại tiếp tục công việc ở một vị trí khác.
Cũng theo ông Vũ Văn Lộc: Qua công tác kiểm tra thường xuyên thiết bị, chúng tôi đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều tồn tại, khiếm khuyết phát sinh trong quá trình quản lý vận hành, ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn gây sự cố nhằm giữ vững hệ thống lưới truyền tải điện vận hành an toàn, thông suốt.
Có thể nói, hình ảnh những người thợ truyền tải điện luôn để lại những ấn tượng đẹp, bởi sự nhiệt huyết, lòng yêu ngành, yêu nghề và lúc nào cũng nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao góp phần to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như sinh hoạt của nhân dân.