Thứ hai 06/05/2024 18:17

Truy xuất nguồn gốc: Giải pháp quan trọng để bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng

Sáng nay (26/4), tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn Hợp tác phát triển kinh tế Bảo vệ thương hiệu – Bảo vệ người tiêu dùng.
Giá trị cốt lõi là “thước đo” khẳng định uy tín, vị thế của Thương hiệu Quốc gia Thương hiệu quốc gia: Bệ đỡ cho hàng Việt vươn ra thế giới

Diễn đàn Hợp tác phát triển kinh tế Bảo vệ thương hiệu – Bảo vệ người tiêu dùng do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ chống hàng giả Việt Nam (ACTIV) tổ chức. Tại diễn đàn, ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp đã tập trung hướng đến tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc đối với vấn đề bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng…

Truy xuất nguồn gốc: Giải pháp quan trọng để bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng
Diễn đàn Hợp tác phát triển kinh tế Bảo vệ thương hiệu – Bảo vệ người tiêu dùng được nhiều doanh nghiệp quan tâm

Thời gian quan, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu, doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm này vẫn diễn ra với hình thức ngày càng tinh vi hơn. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các vụ việc vi phạm còn xuất hiện và phổ biến trên các kênh thương mại điện tử với quy mô, tốc độ ngày càng lớn, khiến cho lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác phát hiện và xử lý.

Theo các chuyên gia, hàng giả, hàng nhái đang là một vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung. Do đó, việc chọn lựa giải pháp truy xuất nguồn gốc nhằm chống hàng giả, hàng nhái một cách có hiệu quả là vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Truy xuất nguồn gốc: Giải pháp quan trọng để bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại diễn đàn

Công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đã trở thành tiêu chí bắt buộc trong quá trình lưu thông, xuất - nhập khẩu và hội nhập kinh tế thế giới, đóng vai trò thiết thực trong quá trình tái cơ cấu ngành với sự công khai, minh bạch và bình đẳng.

Đứng trước yêu cầu chung của nền kinh tế, các chuyên gia về công nghệ chống giả đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chống hàng giả. Tuy nhiên, không phải giải pháp nào cũng phù hợp với các hoạt động kinh doanh đặc thù của doanh nghiệp và không phải giải pháp nào cũng đảm bảo được tính hiệu quả và bền vững trong việc chống lại hàng giả, hàng nhái…

Theo ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp - VCCI: Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay, không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp đã thực sự quan tâm, coi trọng đến việc đầu tư vào sản xuất, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, của sản phẩm tạo niềm tin cho khách hàng bằng chất lượng và giá cả hợp lý.

Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và thương hiệu của doanh nghiệp, đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Rõ ràng, không doanh nghiệp nào muốn sản phẩm - dịch vụ của mình bị khách hàng hiểu nhầm, không phân biệt được với các sản phẩm giả mạo, sản phẩm kém chất lượng. Chính vì vậy, việc có thể giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Truy xuất nguồn gốc: Giải pháp quan trọng để bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và người tiêu dùng
Doanh nghiệp trao đổi về truy xuất nguồn gốc và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái

Đối với mỗi doanh nghiệp, việc áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ mang lại nhiều lợi ích. Truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ các khâu trong quá trình sản xuất sản phẩm, các chuỗi cung ứng liên quan, góp phần hỗ trợ hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ khi sản xuất đến khi đến tay người tiêu dùng. Điều này giúp hạn chế tình trạng sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường.

Truy xuất nguồn gốc giúp ngăn chặn việc sao chép không hợp pháp và sản xuất hàng giả. Các thông tin chi tiết về nguồn gốc và quá trình sản xuất giúp phân biệt sản phẩm chính hãng với hàng giả.

Truy xuất nguồn gốc là một cách để thể hiện sự minh bạch và cam kết của doanh nghiệp đối với chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Qua đó giúp chứng minh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và môi trường được quy định bởi các tổ chức quốc tế. Điều này tạo lòng tin từ phía đối tác kinh doanh và người tiêu dùng, thúc đẩy mối quan hệ thương mại và tạo lợi thế trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nói một cách khái quát, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động quan trọng đối với tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung ứng. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Hữu Huy, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Quốc tế My Milk, đơn vị sở hữu thương hiệu sữa non Vital Milk cho rằng: Sản phẩm mới ra mắt thị trường được 2 năm, cũng chưa bị làm nhái thương hiệu. Nhưng trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường, có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp và sức khỏe người tiêu dùng, doanh nghiệp đã ký kết với Cổ phần công nghệ chống hàng giả Việt Nam (ACTIV) để chống hàng giả và truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Huy, việc các doanh nghiệp tự bảo vệ thương hiệu của mình thông qua dán tem truy xuất nguồn gốc không chỉ để bảo vệ thương hiệu, quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Để giúp các doanh nghiệp thực hiện việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, các cơ quan nhà nước đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan. Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp các bộ có liên quan xây dựng và công bố 30 tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc.

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN ngày 28/3/2024 quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, sẽ có hiệu lực từ 1/6/2024. Văn bản này yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi xây dựng dữ liệu phải đảm bảo tối thiểu 10 thông tin cơ bản về tên, hình ảnh sản phẩm, tên đơn vị sản xuất kinh doanh, địa chỉ,… Thông tin này được in mã gắn trên bao bì sản phẩm và được kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Người tiêu dùng có thể tra cứu hạn sử dụng, nguồn gốc của sản phẩm.

Tin khác

Phiên bản di động