Nhức nhối hàng dởm trên mạng
Trên các trang thương mại điện tử (TMĐT) và mạng xã hội, tình trạng kinh doanh hàng hàng lậu, hàng giả, nhái, kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ bày bán tràn lan. Hàng dởm phổ biến là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, điện thoại di động, đồng hồ, thực phẩm chức năng…
Hàng dởm tung hoành trên mạng gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng với nhiều diễn biến phức tạp, khó kiểm soát và sự gian lận trong kinh doanh ngày càng nở rộ, gây nhức nhối cho xã hội.
Lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh kiểm tra một cửa hàng kinh doanh đồng hồ và phát hiện một số sản phẩm vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ |
Bà Trần Huỳnh Thảo Lan, ngụ tại phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh cho biết: thông qua một trạng web chuyên bán hàng xách tay, bà mua hai lọ nước hoa Pháp với giá tiền rẻ hơn so với chính hãng 30%. Khi nhận hàng và sử dụng bà mới biết lọ nước hoa được mua với số tiền 1,9 triệu đồng là hàng giả. Tìm lại trang web để khiếu nại, mọi thông tin về người bán hàng online đã biến mất.
Các loại loa BMB đã được đăng ký độc quyền nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam nhưng đây cũng là mặt hàng bị làm giả và được bán công khai trên nhiều trang web. Ông Nguyễn Minh Trí - Giám đốc Công ty TNHH MTV TM-DV Điện tử Minh Tuấn - chia sẻ: trong năm 2019, công ty dự báo lỗ hơn 40 tỷ đồng vì hàng giả. Theo ông Trí, trên mạng hiện nay có hơn 20 trang web đang kinh doanh loa giả BMB, các đối tượng này đã thu hút hết khách hàng, làm thu hẹp thị phần của công ty. “Hàng giả mà họ bán giá chỉ 50% giá hàng thật và hình thức kiểu dáng không khác với hàng thật”, ông Trí cho biết thêm.
Đại diện Công ty L’Oreal Việt Nam, bà Lê Mai Thi thông tin, gần đây trên các trang TMĐT và mạng xã hội xuất hiện nhiều điểm kinh doanh mỹ phẩm KÉRASTASE, thuộc nhóm điều trị chăm sóc da dưới dạng hàng xách tay. Thực tế, KÉRASTASE là thương hiệu của L’Oreal, chỉ chuyên về các sản phẩm trong ngành tóc, không có dòng mỹ phẩm chăm sóc da KÉRASTASE, đây là sự giả mạo trắng trợn về thương hiệu và gây tổn hại lớn đến người tiêu dùng.
Triệt xóa nhiều hàng dởm trên mạng
Trước thực trạng hàng dởm kinh doanh công khai, nhiều hành vi gian lận với diễn biến phức tạp và không ngừng gia tăng, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 334/QĐ-BCT, Quyết định số 3304/QĐ-BCT, Quyết định 2981/QĐ-BCT và chỉ đạo Tổng cục QLTT, lực lượng QLTT các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý hàng dởm trên TMĐT. Từ chỉ đạo trên cùng sự thực hiện quyết liệt của lực lượng QLTT, nhiều vụ buôn bán kinh doanh hàng dởm trên mạng đã bị triệt xóa.
Cụ thể, theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, chỉ tính đến tháng 7/2020, cơ quan chức năng đã xử lý 2.213 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực TMĐT, chủ yếu là kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tại địa bàn miền Nam, lực lượng QLTT các tỉnh thành đã phát hiện nhiều vụ kinh doanh hàng dởm trên mạng, thu giữ hàng triệu sản phẩm và xóa nhiều trang web kinh doanh hàng dởm.
Lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh kiểm tra một địa điểm bán hàng onlne và phát hiện nhiều mặt hàng giả, nhái nhãn hiệu |
Ông Hà Trung Cang - Cục phó Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có nhiều trang web TMĐT, mạng xã hội như Zalo, Viber, youtube, Facebook kinh doanh hàng hóa, trong đó có nhiều địa chỉ bán hàng giả, hàng lậu, hàng nhái nhãn hiệu và diễn biến rất phức tạp.
“Chỉ trong nửa đầu năm 2020, lực lượng QLTT thành phố đã phát hiện 251 vụ hàng hóa vi phạm nhãn hiệu, 1 vụ giả xuất xứ, 6 vụ vi phạm về xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, 97 vụ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, chủ yếu bày bán trên TMĐT. Lực lượng QLTT đã tạm giữ 248.094 đơn vị sản phẩm, trị giá hơn 5,7 tỷ đồng”, ông Cang thông tin.
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng bán hàng dởm trên mạng ngày càng phổ biến và cơ quan chức năng khó kiểm soát. Ông Nguyễn Minh Trung - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bạc Liêu - nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để quảng cáo, giới thiệu hàng hóa có chất lượng, có xuất xứ nước ngoài, giá rẻ nhưng là hàng dởm với các hình thức bán hàng online, rất khó kiểm soát.
Theo ông Trung, trong 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng QLTT Bạc Liêu đã xử lý 125 vụ vi phạm liên quan đến hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… đã xử phạt hành chính hơn 1,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu hơn 132 triệu đồng.
Qua những chỉ đạo của Bô Công Thương, Tổng cục QLTT, lực lượng QLTT về tăng cường kiểm soát và xử lý hành vi gian lận trong hoạt động TMĐT, lực lượng QLTT các tỉnh thành miền Nam đã tăng cường kiểm soát, phối kết hợp nhiều cơ quan chức năng tại địa phương, liên khu vực tập trung tấn công hàng dởm trên mạng. Nhờ đó nhiều lô hàng dởm kinh doanh trên web, Zalo đã bị “sập mạng”, tịch thu số lượng lớn hàng dởm.
Theo các chuyên gia, đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh doanh TMĐT thay đổi nhanh chóng, nhiều hình thức kinh doanh mới ra đời và phát sinh các hành vi mua bán gian lận mới tinh vi hơn so với trước đây.