Với định hướng xây dựng Trường Đại học Điện lực trở thành trường đại học xuất sắc về nghiên cứu, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành điện nói riêng và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nói chung. Trên cơ sở lấy chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) gắn kết với thực tiễn sản xuất, Trường ĐH Điện lực luôn thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách hàng và thực tiễn đặt ra.
TS. Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực chia sẻ - Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo cũng như rèn luyện năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên ở các trường Đại học. Tại Trường Đại học Điện lực, hoạt động NCKH đã bắt đầu trở thành một phong trào thu hút được đông đảo sinh viên tham gia điều này đã tạo tiền đề cho sự phát triển của phong trào NCKH và hoạt động học tập cũng như cho sự phát triển năng lực của sinh viên.
Với chiến lược phát triển KH&CN gắn kết với thực tiễn sản xuất và đào tạo, trong năm học 2019-2020 vừa qua nhàtrường đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN như: 08 đề tài KH&CN cấp Bộ Công Thương, 42 đề tài KH&CN cấp cơ sở. Ngoài ra cán bộ của trường còn tham gia các đề tài nhánh cấp Bộ, cấp Nhà nước, nghị định thư cùng với các đơn vị khác ngoài trường. Các đề tài KH&CN cấp Bộ được được tuyển chọn, quản lý, giám sát chặt chẽ, theo đúng quy trình đảm bảo chất lượng, nội dung. Trong đó nhiều đề tài có kết quả đã được áp dụng vào thực tiễn.
Công tác NCKH của sinh viên cũng được nhà trường quan tâm. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Trường, chủ yếu là đội ngũ đoàn viên thanh niên của các chi đoàn cán bộ giảng dạy đã có nhiều đóng góp cho công tác này. Nhiều hoạt động NCKH của sinh viên đã được triển khai thông qua các hội nghị khoa học của sinh viên, các cuộc thi olympic Toán, Tin học…. như đề tài “Nghiên cứu, chế tạo buồng đo thân nhiệt và khử khuẩn tự động”… Bắt đầu từ năm 2016, hàng năm Đoàn TNCSHCM đều tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo NCKH” trong sinh viên, qua cuộc thi đã lựa chọn được nhiều ý tưởng hay để phát triển thành các đề tài NCKH cấp trường.
Đặc biệt, biệt năm học 2019-2020 số lượng các công bố quốc tế thuộc danh mục SCI và SCIE, Scopus của Đại học Điện lực đã đạt được 77 bài. Trong đó, các công bố thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ được đăng trên những tạp chí khoa học uy tín thuộc danh mục ISI như “Solar Energy”, “Artificial Intelligence Review”, “Journal of Applied Polymer Science”, “International Journal of Hydrogen Energy” …
Theo Số liệu công bố quốc tế trong cơ sở dữ liệu (CSDL) WoS, Scopus của các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) giai đoạn 2014-2018, Trường Đại học Điện lực nằm trong top 30 cơ sở giáo dục đại học có số lượng công bố Quốc tế nhiều nhất. Cụ thể trong giai đoạn này Trường Đại học Điện lực có 152 bài báo WoS & Scopus.
Năm 2019, hệ thống đánh giá chất lượng đại học (ĐH) Việt Nam - University Performance Metrics (UPM) của ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố kết quả xếp hạng chỉ số nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, Trường Đại học Điện lực đã vượt qua nhiều “tên tuổi lớn” khác trở thành đơn vị dẫn đầu về chỉ số công bố bằng nội lực.
Cũng theo TS. Trương Huy Hoàng các lĩnh vực nghiên cứu thuộc thế mạnh của trường bao gồm: Các hệ thống kỹ thuật trong các nhà máy điện (thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác thải), trạm điện và đường dây truyền tải điện; các bộ phận và hệ thống nhiệt-lạnh (như lò hơi, lò quay, máy lạnh, tuabin nhiệt, bơm nhiệt, mạng nhiệt); các hệ thống đo lường, điều khiển, bảo vệ, giám sát và truyền tin trên diện rộng; các vấn đề liên quan đến cơ khí, chế tạo và xây dựng điện....các sản phẩm nghiên cứu khoa học của nhà trường đã được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam.
Tuy nhiên để khoa học trở thành động lực cho sự phát triển của nhà trường trong thời gian tới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như nền kinh tế số đã và đang diễn ra mạnh mẽ, Trường Đại học Điện lực xác định thời gian tới phải đưa hoạt động nghiên cứu khoa học đi vào chiều sâu, tạo “sân chơi” chuyên nghiệp cho cả cán bộ giảng viên và sinh viên.
Nhiều năm qua trường đã nghiên cứu hàng trăm đề tài các cấp như: cấp Trường, cấp EVN, cấp Bộ Công thương, cấp Sở Khoa học và Công nghệ, cấp Nhà nước. Bên cạnh các kết quả nghiên cứu phát triển và ứng dụng, các nhà khoa học của trường còn công bố các kết quả đó trong hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí uy tín ở trong và ngoài nước. |