Tại trụ sở chính TP. Hồ Chí Minh, đối với chương trình đại trà, điểm sàn cho tất cả các ngành (không áp dụng cho ngành Dược học) là 19 điểm. Đối với chương trình tăng cường tiếng Anh là 18 điểm. Tại phân hiệu Quảng Ngãi, điểm sàn cho tất cả các ngành là 17 điểm.
Đối với ngành Dược học điểm sàn thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điểm sàn là mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của thí sinh là học sinh THPT ở khu vực 3 đối với mỗi tổ hợp xét tuyển gồm 3 bài thi/môn thi.
Điểm sàn trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh từ 17 đến 19 với hầu hết ngành, thấp nhất ở phân hiệu Quảng Ngãi |
Hiện Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh còn khoảng hơn 5.000 chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp.
Học phí của Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh dự kiến là 32,85 triệu đồng/năm với khối ngành kinh tế; 33,5 triệu đồng với khối ngành công nghệ, kỹ thuật; riêng ngành Dược là 53,58 triệu đồng.
Năm ngoái, điểm chuẩn phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT của trường từ 18 đến 26 với các ngành tại TP. Hồ Chí Minh, cao nhất là Kinh doanh quốc tế. Căn cứ vào điểm sàn, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7.
Trước đó, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, phổ điểm các khối năm nay cao hơn năm 2023, ngoại trừ khối B00 có giảm nhẹ. Dựa vào chỉ tiêu phân bổ các trường xét tuyển điểm thi tốt nghiệp, điểm chuẩn của các lĩnh vực khoa học xã hội, kinh doanh quản lý (thường tuyển khối C00, D01) có thể sẽ tăng từ 0,5-1 điểm.
Riêng khối ngành sức khoẻ (thường xét tuyển khối B00), dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp điểm chuẩn có thể giảm nhẹ. Khối ngành xét tuyển khối A00, A01 điểm chuẩn có thể tăng nhưng không đáng kể.
“Điểm chuẩn C00, D01, D96 có thể tăng nhẹ. Điểm chuẩn B00 có thể chững lại hoặc giảm không nhiều. Điểm chuẩn A00, A01 tăng nhưng không đáng kể”, ông Nhân chia sẻ.
Theo TS Nhân, điểm chuẩn tăng là do điểm thi vào và tỷ trọng các trường xét điểm thi tốt nghiệp không nhiều.