TS. Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh |
Dưới tác động của CMCN 4.0, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các trường đại học sẽ phải đối mặt với những yêu cầu về cải cách và cạnh tranh mới, vậy IUH đã xây dựng chương trình đào tạo mới như thế nào, thưa tiến sĩ?
Nhằm thay đổi kịp với CMCN 4.0, bắt đầu từ năm học 2018-2019, Nhà trường tiến hành điều chỉnh toàn bộ chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CMCN 4.0. Qua đó sẽ trang bị cho người học những kiến thức rộng, vừa đáp ứng tính chuyên ngành đào tạo, vừa đáp ứng tính liên ngành về các lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật số... Đồng thời, giúp cho sinh viên (SV) vừa phát triển được các năng lực chuyên biệt theo yêu cầu của chuyên ngành đào tạo, vừa phát triển được các năng lực chung, như: tư duy có hệ thống, tổng hợp, liên kết giữa thế giới thực và ảo, làm việc nhóm, hợp tác liên ngành… nhằm tạo cơ hội cho SV phát triển được các năng lực nghiên cứu (NC) cơ bản, NC ứng dụng, làm chủ các thiết bị thông minh và kết nối vạn vật ...
Song song đó, Nhà trường cũng đang triển khai kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA và ABET, dự kiến đến năm 2020 sẽ kiểm định 12 chương trình theo tiêu chuẩn AUN-QA và 06 theo tiêu chuẩn ABET. Việc kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp cho thị trường lao động nguồn lực chất lượng cao.
Thưa tiến sĩ, để rút ngắn khoảng cách giữa chất lượng nguồn nhân lực với yêu cầu của thị trường lao động trong xu thế mới, IUH đã có những giải pháp gì?
Cuộc CMCN 4.0 vào giáo dục đại học sẽ thay đổi từ giáo dục tri thức, năng lực làm việc hiệu quả sang đổi mới sáng tạo để tạo giá trị cho người học và xã hội. Để bắt kịp được xu thế mới, NT chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo "những gì thị trường sẽ cần". Theo đó, khi xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo, chúng tôi đã mời doanh nghiệp (DN) cùng các chuyên gia, các nhà quản trị trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp tham gia đóng góp xây dựng chương trình đào tạo.
Thiết bị tự động hóa tiên tiến nhất của Mitsubishi Electric cho sinh viên thực hành |
Trong 2 năm 2016 - 2017, Nhà trường đã làm việc với 577 DN và ký kết hợp tác với 278 DN như: Siemens, Nike, Pepsi, KFC, Sam Sung, Mitsubishi… nhằm thảo luận tìm kiếm học bổng, cơ sở thực tập cho SV, tiếp nhận SV sau khi tốt nghiệp.
Ngoài việc đổi mới chương trình đào tạo, Nhà trường còn trang bị các máy móc thiết bị công nghệ cao, mới nhất của thế giới áp dụng thực hành cho SV. Bên cạnh đó, IUH đã hợp tác với Tập đoàn Siemens của Đức để được tư vấn, hỗ trợ, cung cấp cho nhà trường các công nghệ phần cứng, phần mềm cũng như máy móc thiết bị phục vụ giảng dạy, cải tiến chương trình đào tạo...
Nhà trường đã chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhân lực ra sao để đào tạo đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0, thưa tiến sĩ?
Về cơ sở vật chất, hàng năm, Nhà trường đầu tư hàng trăm tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy và học, sửa chữa các phòng học, phòng thí nghiệm. Mới đây, tháng 5/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản tín dụng 155 triệu USD để tăng cường năng lực NC, giảng dạy và thể chế của bốn trường đại học tự chủ của Việt Nam (Dự án SAHEP); trong đó, IUH được hỗ trợ 45 triệu USD với thời gian thực hiện dự án 5 năm. Từ nguồn vốn này, Nhà trường sẽ tập trung đầu tư nâng cấp trang thiết bị thí nghiệm, NC khoa học, xây dựng các hạng mục tại cơ sở mới ở quận 12 với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, thành một trung tâm đào tạo hiện đại, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương, TP. Hồ Chí Minh và cả nước.
Về nhân lực, nhà trường cử giảng viên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài để cập nhật các công nghệ mới về giảng dạy cho SV. Đồng thời, để thu hút các giảng viên có trình độ cao, Nhà trường có nhiều ưu đãi cũng như tạo mọi điều kiện tốt nhất để giảng viên yên tâm công tác tại trường (trung bình IUH tiếp nhận gần 40 giảng viên có trình độ tiến sĩ được đào tạo trong và ngoài nước về trường công tác mỗi năm).
Cảm ơn tiến sĩ!