PGS.TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - cho biết, quá trình chuyển đổi số của Đại học Công nghiệp Hà Nội đang được vận hành theo lộ trình 6 giai đoạn. Đầu tiên là tin học hóa với hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) gồm 44 máy chủ, 4.082 máy tính, 3.349 thiết bị CNTT và truyền thông, 127 phần mềm ứng dụng các loại.
Giảng viên hướng dẫn sinh viên vận hành Trung tâm gia công CNC 5 trục DMU 50 |
Thứ hai, kết nối: Từ 2009, toàn bộ máy tính trong nhà trường đã được kết nối nội bộ bằng hệ thống cáp quang. Hệ thống mạng nhà trường cũng được kết nối internet đảm bảo 100% thiết bị có khả năng kết nối và thực hiện các tác nghiệp thông qua mạng quốc tế. Từ năm 2017, với việc đưa vào áp dụng hệ thống CNTT theo mô hình Đại học Điện tử với 28 phân hệ phần mềm, 5 ứng dụng trên nền tảng di động đã đảm bảo trên 90% hoạt động của nhà trường... được vận hành, kết nối trên cơ sở dữ liệu thống nhất theo thời gian thực. Toàn bộ các hoạt động liên quan trực tiếp tới sinh viên đặc biệt mạng xã hội trường học trên nền web và di động đã tạo sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường, sinh viên và các bên quan tâm. Việc kết nối với bên ngoài, khai thác các lợi thế từ hệ sinh thái số cũng đã được triển khai có hiệu quả.
Thứ ba, trực quan hóa: Việc vận hành hệ đại học điện tử theo mô hình quản lý quá trình tác nghiệp (BPM) đã giúp hình thành cơ sở dữ liệu thống nhất, chính xác làm cơ sở cho việc tổng hợp, phân tích và biểu đồ hóa các báo cáo kết quả các hoạt động trong nhà trường, với hơn 623 báo cáo thể hiện dưới dạng dashboard trên hệ thống đại học điện tử, xu hướng vận hành cũng như kết quả thực hiện của từng lĩnh vực đều được thể hiện rõ làm cơ sở cho quá trình ra quyết định ở các cấp.
Thứ tư, minh bạch hóa: Với 615 quy trình tác nghiệp được số hóa thành các ứng dụng phần mềm hỗ trợ tác nghiệp và quản lý tại từng khâu, đã giúp cho việc xác định trách nhiệm của từng cá nhân trên hệ thống, kết quả thực hiện các khâu của quá trình tác nghiệp, báo cáo đều được thể hiện rõ và công khai. Ý kiến của sinh viên được thu thập toàn diện và khách quan, thường xuyên thông qua hệ thống giúp giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, đồng thời xóa các điểm mờ trong hoạt động quản lý vận hành nhà trường.
Thứ năm, tiên đoán: Xu thế của ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thông minh hóa hệ thống quản lý, đã được Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội từng bước áp dụng. Thứ sáu, thích ứng: Đây là giai đoạn cao nhất của chuyển đổi số khi hệ thống tự động chuyển đổi, thích ứng với những vấn đề phát sinh. Hiện tại, nhà trường đang thực hiện một số bước chuẩn bị cho việc hình thành đại học thông minh tại nhà trường.
“Chuyển đổi số đã giúp trường bước đầu hình thành hệ sinh thái số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và vận hành; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong nhà trường” - PGS.TS. Trần Đức Quý nhấn mạnh.
PGS.TS. TRẦN ĐỨC QUÝ: Chuyển đổi số hiệu quả giúp nhà trường nhanh chóng thích ứng với những vấn đề phát sinh đặc biệt khi dịch Covid-19 diễn ra. Các hoạt động của nhà trường như: Tuyển sinh, nhập học, tổ chức đào tạo, đánh giá, cấp phát văn bằng... vẫn được triển khai bình thường trên môi trường số.
|