Theo NGND.TS. Hà Xuân Quang- Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội: “Để nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp chúng tôi đã khảo sát và làm việc với một số doanh nghiệp, kết quả cho thấy điểm yếu của các học sinh, sinh viên sau khi ra trường là thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc cơ bản như: Kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, kỹ năng về 5S, tính kỷ luật…. Để từng bước khắc phục những điểm yếu trên chúng tôi đã đổi mới nội dung, chương trình và tổ chức lại quá trình đào tạo theo hướng thiết thực hơn, thực tế hơn”.
Biểu diễn thời trang của sinh viên khóa K2017, K2018 – Khoa May & Thời trang tại hội nghị |
Theo đó, từ năm học 2016 - 2017, toàn bộ hoạt động đào tạo của nhà trường đối với các khóa và các hệ được tổ chức theo tín chỉ và được quản lý trên hệ thống phần mềm quản lý điện tử QMC. Tất cả quá trình đào tạo từ khi sinh viên vào trường đến khi ra trường, từ theo dõi, tổng hợp kết quả học tập, đến theo dõi, đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh sinh viên đều được quản lý trên phần mềm QMC.
Để sản phẩm đào tạo sát với yêu cầu thực tế sản xuất, nhà trường đã mời chuyên gia từ các doanh nghiệp tham gia xây dựng “chuẩn đầu ra” và góp ý nội dung chương trình đào tạo. Đồng thời, gắn công tác tuyển sinh với hỗ trợ việc làm cho sinh viên, với cam kết 100% học sinh, sinh viên vào học các chương trình đào tạo của Trường cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội ra trường sẽ có việc làm. Điều này đã tạo niềm tin, yên tâm cho người học khi đăng ký, tham gia học tập tại trường.
Sinh viên Khóa K2016 tham dự khóa đào tạo: “Khởi nghiệp kinh doanh” do nhà trường kết hợp VCCI tổ chức |
Bên cạnh đó, mô hình “3 giai đoạn” được nhà trường triển khai áp dụng trong đào tạo. Cụ thể, giai đoạn 1, năm thứ nhất, sinh viên được học các kỹ năng làm việc cơ bản (5S, giao tiếp, tin học, một số kỹ năng chuyên môn...) để có thể tham gia làm việc ngay trong quá trình học; Giai đoạn 2, năm thứ hai, sinh viên vừa học tại trường, vừa thực tập và làm thêm tại doanh nghiệp; Giai đoạn 3, trước khi tốt nghiệp, sinh viên đi thực tế, thực tập, làm việc tại doanh nghiệp. Với cách thức tổ chức đào tạo mới này, kết thúc năm học thứ nhất, sinh viên của nhà trường đã có thể đáp ứng được một số công việc tại doanh nghiệp. Kết thúc khóa học, sau 2 -3 năm, sinh viên ra trường vừa có kiến thức, kỹ năng, vừa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Nhiều sinh viên đi làm thêm có thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Theo khảo sát của nhà trường thì trên 90% sinh viên ra trường có việc làm sau khi tốt nghiệp trong 6 tháng đầu và hầu hết làm việc phù hợp chuyên môn được đào tạo.
Bắt đầu từ năm học 2016-2017, nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Trường đã liên liên kết với các Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thuộc các huyện của Hà Nội và các địa phương lân cận để vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề cho học sinh, tốt nghiệp học sinh được cấp bằng THPT và bằng trung cấp, có thể đi làm và học liên thông lên cao đẳng, đại học.
Nhờ đổi mới toàn diện cả nội dung, chương trình và hình thức tổ chức đào tạo theo hướng thiết thực, gắn với thực tế, chất lượng đào tạo được nâng lên nên công tác tuyển sinh của nhà trường đã có nhiều khởi sắc, ngày càng thu hút nhiều người học và uy tín của Trường cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội với xã hội, với các doanh nghiệp sử dụng lao động ngày càng tăng lên.
Được biết, năm học 2018-2019, nhà trường sẽ tiếp tục mở thêm một số ngành/nghề mới, như: Quản trị dịch vụ du lịch lữ hành, Quản trị nhà hàng khách sạn, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Thương mại điện tử,... Ngoài ra, nhà trường còn mở các lớp đào tạo ngắn hạn về các lĩnh vực chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, các lớp bồi dưỡng về kỹ năng quản lý, lãnh đạo, lý luận chính trị cho cán bộ công chức, viên chức, chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý các cấp của doanh nghiệp…; Liên kết, hợp tác với học viện, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đạo tạo khác trong nước và nước ngoài để cung cấp các khoá học, các dịch vụ khác xã hội có nhu cầu. |