Ưu tiên những ngành, nghề trọng điểm
Là trường công lập trực thuộc Bộ Công Thương, được thành lập năm 1956, TS. Nguyễn Duy Phấn - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, thời gian qua, nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, ưu tiên những ngành, nghề trọng điểm. Theo đó, luôn quan tâm bồi dưỡng nhận thức về giáo dục nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tay nghề cho đội ngũ giáo viên.
Thời gian dạy thực hành chiếm 70% thời lượng đào tạo |
Hiện 100% giáo viên nhà trường có trình độ đại học, trên đại học, đã được bồi dưỡng kiến thức về giáo dục nghề nghiệp. Trường cũng thường xuyên cử giáo viên tham gia lớp đánh giá kỹ năng nghề nghiệp và trải nghiệm thực tiễn nâng cao tay nghề tại các doanh nghiệp (DN) có uy tín; tăng cường hoạt động tự đánh giá nội bộ; triển khai hoạt động điều tra xã hội học về chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên nhà trường trong HSSV và nhà tuyển dụng.
Song song với đó, nhà trường tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hoàn thiện công tác xây dựng cơ bản phục vụ nhu cầu làm việc, nghiên cứu và triển khai hoạt động đào tạo. Mỗi năm, nhà trường đầu tư từ 2- 3 tỷ đồng cho cơ sở vật chất ngoài xây dựng cơ bản; cung cấp đủ phương tiện, thiết bị, công cụ học tập, đặc biệt ưu tiên học tập thực hành và lao động sản xuất.
Tăng cường công tác HSSV, nhà trường đã rà soát, bổ sung Quy chế HSSV nội, ngoại trú; ban hành quy định về văn hóa học đường; quan tâm tới tâm tư, nguyện vọng của HSSV; đảm bảo chế độ, chính sách cho các em theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác cố vấn học tập và đội ngũ giáo viên chủ nhiệm; tạo ra nhiều sân chơi bổ ích cho các em sau giờ học... Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu thực tế.“Năm 2020 là năm trường gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, song đã huy động tổng lực cán bộ, viên chức, người lao động toàn trường làm công tác tuyển sinh. Với tinh thần trách nhiệm, trường đã thu hút gần 500 HSSV đăng ký học tập cả hai bậc Cao đẳng và Trung cấp” - TS Nguyễn Duy Phấn cho hay.
Tập trung phát triển con người
TS. Nguyễn Duy Phấn chia sẻ thêm, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội. Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn năm 2030, nhà trường xác định ưu tiên phát triển con người. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo thu nhập ổn định cho đội ngũ cán bộ, viên chức; tạo điều kiện để cán bộ, viên chức phát huy năng lực, khẳng định được vai trò, vị trí trong tổ chức. Đặc biệt, cam kết về đầu ra cho sinh viên, xác định đào tạo HSSV ra trường có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu của DN, nhà trường luôn cam kết chặt chẽ với DN trong việc đào tạo, đánh giá kết quả thực tập thể hiện bằng sản phẩm thực tế của HSSV. Nếu em nào có kỹ năng được đánh giá chưa đạt yêu cầu, nhà trường có kế hoạch tổ chức học lại, thực tập lại, đến khi nào đạt yêu cầu mới cho tốt nghiệp. Thời gian dạy thực hành chiếm tới 70% thời lượng chương trình đào tạo.Bên cạnh đó, nhà trường luôn có kế hoạch để không ngừng nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề, kinh nghiệm nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo. Nhờ đó, các em sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm, 80-90% là đúng chuyên ngành, được DN đánh giá tốt.
Cao đẳng Công nghiệp Nam Định là trường có truyền thống đào tạo các ngành nghề kỹ thuật, với 65 năm xây dựng và phát triển, đã đào tạo được nhiều đội ngũ kỹ sư, công nhân thợ bậc cao, có uy tín được nhiều DN trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Trường có 1 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, 14 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Trường được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. |