Hội thảo: Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 |
Chú trọng phát triển hạ tầng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh dịch vụ logistics
Tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là phải phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu kết luận tại hội thảo |
Theo TS. Dư Phước Tân – Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, để phát triển ngành dịch vụ phải chú trọng phát triển hạ tầng. Các địa phương phải lựa chọn ngành dịch vụ phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương và đầu tư hạ tầng đồng bộ để thúc đẩy các ngành dịch vụ này phát triển.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng nếu Nhà nước không đầu tư ra hạ tầng thì doanh nghiệp không dám đầu tư vì rủi ro là rất lớn. Nhìn từ thành phố Đà Nẵng, thành phố đã đầu tư hạ tầng cho công viên phần mềm số 1, qua hơn 10 năm đã thành công; thành phố đang tiếp tục đầu tư khu công viên phần mềm số 2.
Tuy nhiên, ông Quảng cũng cho biết, vướng mắc đầu tư hạ tầng hiện nay đó là luật đầu tư công không cho phép đầu tư ngân sách công vào các khu cụm công nghiệp trừ khu vực miền núi, hải đảo.
Ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam |
Một vấn đề rất được quan tâm thảo luận tại Hội thảo đó là nâng cao, thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics.
Ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, chi phí logistics của Việt Nam hiện nay chiếm 16,8%, cao hơn nhiều so với thế giới là 10,8%. Hạ tầng thiếu đồng bộ làm chi phí logistics tăng. Trong thời gian tới, cần hiện đại hóa quản trị logistics. Trong đó, chú trọng chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào quản lý vận hành logistics. Hợp lý hóa, đồng bộ quy trình, chuỗi cung ứng logistics. “Trong tái cơ cấu dịch vụ, cần đầu tư vào những dịch vụ Việt Nam đang thiếu. Vận tải nội địa thì doanh nghiệp nội địa đang chiếm thị phần, nhưng vận tải quốc tế của Việt Nam còn đang phụ thuộc rất nhiều vào đơn vị vận tải quốc tế. Vì vậy, cần chú trọng vào vận tải biển quốc tế và vận tải hàng không quốc tế”, ông Hiệp nói.
Là một đơn vị phát triển dịch vụ robot giao hàng tự động trong đô thị, ông Nguyễn Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Công ty Alpha Asimov cho biết hiện chi phí giao hàng dặm cuối đang rất cao, có thể chiếm đến 53% tổng chi phí vận chuyển. Vì vậy, nếu có thể tự động hóa và tăng hiệu quả khâu này sẽ tiết kiệm chi phí rất lớn cho người dùng cuối.
Ở góc độ địa phương, bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, thành phố Đà Nẵng đang hướng đến quy hoạch 7 trung tâm logistics. Xây dựng, phát triển nguồn hàng cho dịch vụ logistics thông qua cùng kết nối với các địa phương trong vùng để tạo chuỗi dịch vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, không chỉ ở miền Trung – Tây Nguyên mà cả 2 đầu miền Bắc, miền Nam, và các địa phương trên tuyến hành lang EWEC.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Công ty Alpha Asimov đề xuất cần có cơ chế thúc đẩy số hóa các hoạt động vận chuyển, trong đó có giao hàng dặm cuối |
Dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án đánh giá các báo cáo, tham luận tại hội thảo đã phản ánh sát những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra về phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thiết thực, hữu ích phục vụ cho việc hoàn thiện Đề án.
Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp mà cần phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ.
Thực tế đã chứng minh, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo số liệu thống kê tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% GDP.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ngành dịch vụ cũng có nhiều vấn đề lớn đặt ra như Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao.
Ghi nhận, đánh giá cao và cơ bản đồng tình với các ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tại hội thảo đã khẳng định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa cần trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, các lĩnh vực; đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ người dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng đồng thời khẳng định rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp toàn dân.
Hội thảo cũng khẳng định rằng, không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp, bảo đảm phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ theo lợi thế của từng vùng và địa phương, chú trọng liên kết vùng để tạo không gian phát triển mới.
Nhiều ý kiến đóng góp để phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận tại hội thảo |
Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, phát triển ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cần chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Quan tâm hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, logistics…
Thời gian tới, cần tăng cường năng lực hệ thống thương mại, phân phối bán buôn, bán lẻ song song với chủ động xây dựng và phát triển nhanh các nền tảng thương mại điện tử trong nước, gắn kết với mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam. Xây dựng và triển khai các đề án, chương trình phát triển các lĩnh vực dịch vụ phụ trợ nhằm cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu, công nghiệp ưu tiên.
Ngoài ra, cần phát triển ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, bền vững. Tạo lập hệ sinh thái du lịch thông minh. Cần tập trung ưu tiên hàng đầu cho phát triển dịch vụ giáo dục và đào tạo. Phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa và các dịch vụ khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông.
Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Việt Nam là nền kinh tế năng động, có độ mở cao, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. “Các nội dung trao đổi ngày hôm nay sẽ góp phần đề xuất những quan điểm mới, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, kiến nghị phù hợp về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, đồng chí Trần Tuấn Anh nói.