Trung tướng - Anh hùng LLVTND Nguyễn Trung Thu, sinh năm 1953, quê gốc Đà Nẵng nhưng sinh ra tại xã Bình Dương, Thăng Bình (Quảng Nam) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ông từng kinh qua các chức vụ, Tư lệnh Quân đoàn 3, Tư lệnh Quân khu 5, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam.
Mở đầu câu chuyện vừa đầm ấm vừa thân mật, Trung tướng Nguyễn Trung Thu với tên thân mật là chú Hai Thu tỏ ý ngại ngùng, ông nói rằng rất nhiều người có chiến công gấp nhiều lần ông, chiến công của ông chỉ là một phần nhỏ bé.
Những người lính không tên trong trung đoàn
Chú Hai Thu kể, vào sau Tết năm Đinh Mùi (1967), Trung đoàn bộ binh 31, Sư đoàn 2 (còn có tên gọi mật danh là "Công Trường 31"-PV) có cuộc hành quân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, khi trung đoàn vượt đường số 1 xuống vùng Đông huyện Thăng Bình thì bị địch phát hiện , chúng tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất chủ động tấn công quyết liệt.
Trung tướng Nguyễn Trung Thu chia sẻ về các kỷ vật với phóng viên Báo Công Thương |
Bắt đầu từ xã Bình Hải, trung đoàn 31 vừa đánh địch vừa di chuyển ra Bình Đào, rồi ra xã Bình Dương (quê chú Hai Thu-PV). Mới 4 giờ sáng, pháo binh từ biển, từ căn cứ điểm ở đất liền bắn như trút mưa đạn, đến 6 giờ từng tốp máy bay đến ồ ạt ném bom, xóm thôn chìm trong mịt mù khói, đạn.
Trong thời gian giữa 2 đợt địch chuẩn bị hỏa lực, bộ đội rời hầm trú ẩn của nhân dân ra chiếm lĩnh vị trí chiến đấu, họ lợi dụng các rừng phi lao, hào, bờ đất để chờ địch. Trước khi đổ quân từ trực thăng xuống, bọn địch dùng trực thăng vũ trang bắn phá tất cả những nơi nghi ngờ, Hai Thu nhìn thấy các anh bộ đội đưa súng lên ngắm, rồi di chuyển họng súng theo máy bay, sẵn sàng nhả đạn, Hai Thu hét to, “không được bắn trực thăng vũ trang các đồng chí ơi!”- Tiếng đồng chí ấy cũng là lần đầu tiên đánh dấu con đường binh nghiệp mà Trung tướng Nguyễn Trung Thu lựa chọn sau này. Tiếng hét của Hai Thu chưa dứt, thì tiếng súng tiểu liên nổ vang, lập tức những tràng róc- két, đạn phòng lựu của 2, 3 chiếc trực thăng vũ trang trút xuống đội hình, bộ đội ta hy sinh nhiều lắm.
Ánh mắt sáng rực lên khi nhớ lại kí ức ngày hôm đó, Trung tướng Nguyễn Trung Thu bồi hồi kể, trước đó nhóm du kích địa phương gồm 4 người tuổi đời đều bước vào mười bốn, mười lăm, được lệnh phối hợp, dẫn đường, hỗ trợ bộ đội đánh địch, đây là lần đầu tiên các cậu bé được đánh trận thực thụ, đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết song ai nấy đều tràn đầy nhiệt huyết, quyết tâm, sự yêu nước sôi sục trong con tim. Đến sau này chú Hai Thu cùng những người đồng đội năm xưa ví von rằng nhóm người các chú chiến đấu như những chú bộ đội Cụ Hồ thực thụ và là những người lính không có tên trong trung đoàn.
Sau trận đánh khóc liệt hơn một ngày trời đó, Trước khi rời thôn, mấy anh chỉ huy đến tìm và gặp Hai Thu, có một chú bộ đội tên là Tám thắc mắc, tại sao cháu hét to thế: “Không bắn trực thăng vũ trang là thế nào?”, Hai Thu nhanh nhảu đáp: “thưa chú đó là kinh nghiệm của cháu, cháu đã bắn máy bay nhiều lần rồi, nhiều lần suýt chết vì bắn máy bay trực thăng vũ trang bằng súng tiểu liên, súng trường và chính cháu cũng được bọn lính ngụy chỉ cho đấy, máy bay trực thăng vũ trang được bọc một lớp cao su dưới bụng, đạn tiểu liên không xuyên thủng được, hơn nữa nó bay ở tư thế chiến đấu khó bắn lắm, và đặc biệt là vũ khí nó rất mạnh, mỗi lần nhã đạn một khu vực như nhà cháu đây không còn một ngọn cỏ. Điều này nữa không bao giờ trực thăng vũ trang đi đánh một chiếc đâu, rất nhiều loại”.
Cậu bé Hai Thu nói một cách rành mạch, dõng dạc không vấp chữ nào khiến các chú bộ đội phải kinh ngạc. Chú Tám nói, “lẽ ra nếu sự đồng ý của gia đình và địa phương Chú sẽ xin cho cháu theo các chú để giúp nhiều cho các chú, nhưng thôi bọn Chú còn nhiều việc phải nhờ đến cháu, nào là tìm các đồng chí thất lạc, chăm sóc, bảo vệ thương, bệnh binh, rất nặng nề, chú coi cháu như người lính của trung đoàn đấy”.
Năng lực binh nghiệp thiên bẩm từ thuở thiếu thời
Trong thời gian chăm sóc thương bệnh binh, Hai Thu đã đưa mấy chú bộ đội đến hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một hôm, trời chưa sáng Hai Thu đến gặp mấy chú bộ đội dặn dò, hôm nay các chú nằm nghỉ trong nhà, không ra núp hầm nữa, cháu đi kiếm ít đồ hộp của Mỹ để các chú bồi dưỡng, khoảng 7 giờ sáng Hai Thu mang về đủ thứ đồ ăn, thức uống của quân Mỹ. Các chú bộ đội thắc mắc, cháu lấy của bọn Mỹ bỏ lại ư?, làm sao mà cháu biết bọn Mỹ đã đi?. Hai Thu liền đáp, đơn giản thôi chú ơi gần sáng nay trên hướng Xuyên Phước (huyện Duy Xuyên) súng nổ ầm ĩ đặc biệt là pháo sáng, sáng rực cả bầu trời, đó là tín hiệu quân Mỹ rút.
Câu chuyện tài năng quân sự thiên bẩm và óc quan sát phán đoán về quân sự từ thuở thiếu thời đã góp phần cho bộ đội ta nhiều lần thắng lớn trong các cuộc chiến đấu với đế quốc Mỹ. |
Một lần khác, Hai Thu lại đến dự báo cho mấy chú bộ đội, ngày mai địch sẽ càn quét rồi bắn phá dưới xóm dưới, các chú bộ đội hỏi ngay: “căn cứ đâu mà cháu đoán vậy”, Hai Thu rất vui vì các chú đã tin mình, cậu bé với chất giọng Quảng Nam trình bày, “mấy hôm nay mấy chiếc máy bay trinh sát cứ bay lượn khắp vùng ta, chiều nay chúng chỉ tập trung bay lượn nhiều vòng ở xóm dưới thì sẽ đánh dưới ấy. Đúng như dự đoán trận đánh phá ngày hôm sau vào xóm ông Bủa ở xóm dưới bị đánh bom, rồi quân Mỹ càn quét kéo dài mấy ngày diễn ra như những gì Hai Thu nói.
Câu hỏi nối tiếp câu hỏi, các chú bộ đội Trung đoàn 31 lại thắc mắc, tại sao cháu biết trước pháo từ tàu chiến sẽ bắn?. Liên tiếp là những câu hỏi thử tài cậu bé tuổi mười lăm và cậu bé đã không làm mọi người thất vọng, cậu bé Hai Thu trả lời: lại quy luật thôi chú, bọn cháu ở vùng ven biển này rất hiểu quy luật của bọn Mỹ trên biển đấy, nhìn từ đất liền biết ngay là tàu gì chẳng hạn tàu sân bay ‘chỉ sân bay trực thăng thôi’, tàu bệnh viện, tàu chở quân, tàu pháo, mỗi loại có hình dáng rất khác nhau; mấy bữa cháu thông tin cho các chú là cháu theo dõi quy luật đấy, ban ngày tàu pháo di chuyển vào gần bờ, ban đêm nó tắt điện là nó chuẩn bị bắn đấy.
Chắc là vào gần bờ để bắn xa hơn, còn tắt điện là để dành điện cho bắn pháo. Nghe giải thích mấy chú bộ đội cười rất to, cháu đúng là lính thực thụ rồi. Hun đúc từ những khí chất đó, sau này cậu bé Hai Thu đã tiếp bước con đường binh nghiệp tham gia nhiều trận đánh lớn góp phần giải phóng đất nước, đánh dấu móc son chói lọi trong ngày 30/04 lịch sử năm ấy.