Hiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã có 6 vườn ươm doanh nghiệp tạo ra 2 không gian sáng tạo, 10 không gian làm việc chung và 9 câu lạc bộ, trung tâm khởi nghiệp của các trường đại học, cao đẳng. 35 doanh nghiệp khởi nghiệp đã được thành lập, hoạt động tập trung ở các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thực phẩm, công nghệ thông tin…
Đoàn phóng viên tại các tỉnh làm việc tại Songhan Incubator trong chương trình “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” tại Đà Nẵng. Ảnh: Trần Dung |
Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator- SHi) là một trong những vườn ươm doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được thành lập tại Đà Nẵng vào đầu năm 2017 nhằm góp phần thúc đẩy Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và ươm tạo các tài năng doanh nhân trên toàn quốc. SHi thực hiện hai nhiệm vụ chính là tư vấn hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (ĐMST) cho địa phương và các tổ chức; đồng thời triển khai chương trình tăng tốc khởi nghiệp du lịch Việt Nam.
Tính đến năm 2019, Songhan Incubator đã thành công với nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động và liên kết các tổ chức thúc đẩy kinh doanh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Công ty còn tổ chức các khoá đào tạo, talkshows cho sinh viên và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong địa bàn tỉnh Đà Nẵng, khuyến khích phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương này.
Năm 2018, SHi đã đào tạo cho 100 dự án khởi nghiệp du lịch sáng tạo, đào tạo 15 giảng viên nguồn (ToT) và tổ chức chương trình ươm tạo “SHi Incubator Journey”; Tổ chức chương trình tăng tốc khởi nghiệp du lịch sáng tạo “SHi AcceleratorJourney”; Hỗ trợ nâng cao năng lực khởi nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo thông qua hội thảo khởi nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo cho các địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... Năm 2019, SHi đã tuyển chọn được 12/60 dự án miền Trung chính thức bước vào giai đoạn ươm tạo tại Đà Nẵng. Các dự án được tài trợ chi phí ươm tạo trong vòng 3 tháng, 6 bootcamp bao gồm các buổi training, workshop, pitching cùng với các huấn luyện viên cấp cao về khởi nghiệp du lịch trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ cho việc hoàn thiện ý tưởng, nâng cao kỹ năng, kiến thức, để đủ lực bước vào vòng cuối “Tăng tốc” kêu gọi vốn đầu tư, vươn ra thị trường.
Nhiều Dự án do SHi hỗ trợ đã tạo được tiếng vang trong cộng đồng khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực du lịch như Dự án phát triển Làng bích họa Ánh Dương, Liberzy... Đặc biệt, Chương trình Khởi nghiệp Du lịch Việt Nam (Vietnam Tourism Startup – VTS) do SHi xây dựng, tổ chức và vận hành từ năm 2017, với tầm nhìn dài hạn là xây dựng một hệ sinh thái ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành du lịch quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam, tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sản phẩm mới, dịch vụ mới, thị trường mới và động lực phát triển mới cho ngành du lịch Việt Nam.
Các buổi tập huấn về khởi nghiệp sáng tạo tại Songhan Incubator rất phù hợp để nhân rộng tại các địa phương. Ảnh: Trần Dung |
Với sự thành công bước đầu của SHi, không thể không nhắc đến sự ủng hộ từ phía chính quyền thành phố. Năm 2018, TP. Đà Nẵng đã dành hơn 275 tỷ đồng cho các hoạt động nghiên cứu, đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ đã “đi ra khỏi phòng thí nghiệm” và ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong năm 2018, 15 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được thụ hưởng những chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2,4 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 5 doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ với kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng; hỗ trợ 10 doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn và chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm, từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa với tổng kinh phí hơn 510 triệu đồng.
Có thể nói, nhờ có những cá nhân tâm huyết và đặc biệt là những địa chỉ uy tín về khởi nghiệp sáng tạo tại Đà Nẵng như SHi đã đang tạo sự lan toả cho các tỉnh khu vực miền Trung Việt Nam. Đơn cử như ở Gia Lai nói riêng mà đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên nói chung, cần nhiều hơn nữa sự tham gia của khối tư nhân, doanh nghiệp để cùng chung tay kết nối một mạng lưới thuận lợi để khởi nghiệp có điều kiện phát triển, đặc biệt là khi lãnh đạo tỉnh và chính quyền địa phương đang ngày càng có những dấu hiệu ủng hộ cho lĩnh vực này phát triển.
Phóng viên Báo Gia Lai đã có lời ngỏ ý với đại diện Shi là ông Lý Đình Quân về việc phối hợp tư vấn và tổ chức các chương trình ươm tạo phù hợp tại tỉnh. Tới đây, Techfest Vùng Tây Nguyên lần đầu tiên tổ chức tại Lâm Đồng vào tháng 10 sẽ là một “dấu mốc” mới nhằm thu hút sự chú ý của toàn bộ khối tư nhân và nhà nước trên địa bàn trong công cuộc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mong đợi rằng Tây Nguyên sẽ cùng với Miền Trung trở thành một khối đi đầu về phát triển kinh tế - xã hội thông quan khởi nghiệp sáng tạo lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, không chỉ giúp nâng cao đời sống của bà con mà còn góp phần quảng bá những giá trị tinh hoa của Vùng ra với các tỉnh khác trên cả nước cũng như xa hơn là cộng đồng quốc tế.