Bàn giải pháp thoát “lõi nghèo” cho vùng Trung du và miền núi Bắc bộ Phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ: Cần tháo “nút thắt” nguồn nhân lực |
Thu hút 29 tỷ USD, chiếm gần 6,2% tổng FDI đăng ký vào Việt Nam
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2023, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc đã thu hút được khoảng 1.240 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký gần 29 tỷ USD. Với kết quả này, Trung du và miền núi phía Bắc xếp thứ 5/6 vùng kinh tế của cả nước về mức độ hấp dẫn đầu tư nước ngoài và chỉ chiếm 3,4% tổng số dự án; 6,2% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.
Trung du và miền núi phía Bắc đã thu hút được khoảng 1.240 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (Ảnh minh họa) |
Cụ thể hơn, về mức độ hấp dẫn đầu tư, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc chỉ đứng trên Tây Nguyên với 170 dự án, có tổng vốn đăng ký 1,87 tỷ USD nhưng xếp sau Đồng bằng sông Cửu Long với 1.982 dự án và 35,8 tỷ USD; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 2.425 dự án với 67,52 tỷ USD; Đồng bằng sông Hồng với 13.287 dự án với 149,071 tỷ USD và Đông Nam Bộ với 19.887 dự án có tổng vốn đăng ký 182,895 tỷ USD.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sở dĩ Trung du và miền núi phía Bắc chưa hấp dẫn đầu tư nước ngoài là bởi đây là địa bàn khó khăn của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong vùng cũng có tỷ lệ thấp so với mặt bằng chung của cả nước, lại đa số là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Một số địa phương trong vùng chỉ thu hút được 1 dự án FDI, điển hình là Điện Biên, Lai Châu. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây cũng là 2 địa phương duy nhất của cả nước chỉ thu hút được 1 dự án đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, một cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên từng cho biết, cơ sở hạ tầng giao thông không thuận lợi chính là lý do chính khiến Điện Biên nói riêng và một số tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc chưa thực sự hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Bởi khi quyết định đầu tư vào một địa phương, nhà đầu tư phải tính toán đến vấn đề lợi nhuận và chi phí kinh doanh, doanh nghiệp sẽ ưu tiên đầu tư vào những địa bàn có kinh tế phát triển, thuận lợi về giao thông thay vì vùng khó khăn, hạ tầng kém phát triển, giao thông đi lại khó khăn.
Doanh nghiệp FDI đa số tập trung đầu tư vào những địa phương có hệ thống cơ sở hạ tầng thuận lợi (Ảnh minh họa) |
Kỳ vọng khởi sắc trong thu hút FDI
Mặc dù chưa tạo được nhiều ấn tượng với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng một số dự báo cho rằng, cơ hội để các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc thu hút FDI trong năm 2024 và những năm tiếp theo là rất lớn. Trong đó, các địa phương trong vùng thời gian gần đây nổi lên là điểm đến hấp dẫn đầu tư nước ngoài phải kể đến như: Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên.
Trong đó, điển hình là Bắc Giang, năm 2023 địa phương này thu hút được gần 1 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 4 cả nước về thu hút FDI. Riêng tháng 1/2024, Bắc Giang thu hút được khoảng 200 triệu USD, nằm trong top 3 địa phương hấp dẫn đầu tư nước ngoài của Việt Nam sau Bà Rịa – Vũng Tàu và thủ đô Hà Nội.
Đặc biệt, để hoạch định chiến lược phát triển dài hạn cho vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Nhằm tiếp tục hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển vùng đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị, cụ thể hóa các quy hoạch cấp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong vùng cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức lập Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc khẳng định, quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng, tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong phát triển thời gian vừa qua và đề ra mục tiêu, phương án phát triển, cũng như giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh, thành: Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Sơn La, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu. |