Trung Đông trước nguy cơ chiến tranh toàn diện sau khi thủ lĩnh Hamas bị ám sát?
Thủ lĩnh Hamas bị ám sát
Ngày 31/7, lực lượng Hamas thông báo nhà lãnh đạo Ismail Haniyeh đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel tại Iran. Trước đó 1 ngày, trong cuộc không kích vào ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut của Liban, Israel tuyên bố đã tiêu diệt Fuad Shukr, chỉ huy quân sự và là người đứng đầu lực lượng chiến lược của Hezbollah.
Theo Tân Hoa xã, Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) xác nhận ông Haniyeh đã bị ám sát vào rạng sáng cùng ngày tại Tehran. Iran tuyên bố đang điều tra vụ việc này và kết quả điều tra sẽ sớm được công bố. Hamas cho biết, ông Haniyeh tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian vào ngày 30/7 tại Tehran, sau đó thiệt mạng trong một cuộc không kích tại nơi ở. Hamas nhận định vụ ám sát này là do Israel thực hiện. Trong khi quân đội Israel chưa có bình luận gì về vụ ám sát.
Người dân Iran tham dự lễ tang của cố lãnh đạo Hamas, ông Ismail Haniyeh tại thủ đô Tehran ngày 1/8. Ảnh: AP |
Giáo sư Lưu Trung Dân của Viện nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học ngoại ngữ Thượng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Trung Đông, Trung Quốc cho rằng, trong những năm gần đây, Iran từng xảy ra các vụ ám sát tương tự. Đối tượng bị ám sát bao gồm chuyên gia vật lý hạt nhân Iran cũng như những nhân vật khác có liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này, tình hình an ninh của Iran cũng thu hút nhiều sự quan tâm. Đồng thời, có dư luận cho biết Israel đã thâm nhập vào Iran trong thời gian dài.
Tuy nhiên, địa điểm xảy ra vụ không kích lần này rất nhạy cảm. Ông Haniyeh đến thủ đô Iran để tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống là để thể hiện mức độ quan hệ thân thiết giữa 2 bên. Hiện các thông tin đều cho rằng, Israel đã thực hiện hành động ám sát. Nếu hành động ám sát là do Israel thực hiện thì có thể có toan tính nhằm răn đe Iran và Hamas, đồng thời đáp trả các lực lượng chống Israel trong khu vực mà Iran ủng hộ. Đây được cho là hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với Iran và giáng đòn mạnh vào tân tổng thống nước này.
Giáo sư Lưu Trung Dân nhận định, kể từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra, lực lượng quân sự của Hamas đã bị Israel tấn công ở một mức độ nhất định. Việc thủ lĩnh chính trị Haniyeh thiệt mạng làm nổi bật mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công. Điều đáng chú ý là ông Haniyeh thuộc phe ôn hòa trong ban lãnh đạo Hamas và tương đối thực dụng. Gần đây, ông đã tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza.
Theo ông Lưu Trung Dân, tính đến nay đã hơn 1 tháng kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 2735 kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza, nhưng đàm phán ngừng bắn ở khu vực này vẫn đang bế tắc.
“Mặc dù Mỹ và Israel có sự đồng thuận trong việc chống lại Hamas, nhưng thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, gây áp lực lên Israel và Mỹ. Trong bối cảnh này, hành vi của Israel thể hiện tính hai mặt, chẳng hạn như vừa tấn công vừa đàm phán”, ông Lưu Trung Dân nói.
Căng thẳng Israel-Hezbollah leo thang
Chỉ một ngày trước khi ông Haniyeh bị ám sát, Israel hôm 30/7 đã tiến hành cuộc không kích vào vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut của Liban, khiến 3 người thiệt mạng và 74 người khác bị thương. Israel tuyên bố, vụ đánh bom đã tiêu diệt Fuad Shukr. Ngày 30/7, Thủ tướng tạm quyền của Liban, Najib Mikati đã lên án hành động "gây hấn" đối với Beirut. Ông cho rằng, việc Israel sát hại dân thường là vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế.
Nếu thông tin này là sự thật, ông Shukr sẽ là chỉ huy cấp cao nhất của Hezbollah bị sát hại kể từ năm 2016. Năm 2016, ông Mustafa Badreddine, chỉ huy cấp cao của Hezbollah đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công ở Syria. Ông Shukr được coi là cánh tay phải của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah. Mỹ coi ông Shukr là kẻ chủ mưu đằng sau vụ việc trại quân sự Mỹ ở Beirut bị đánh bom hồi năm 1983 và đã treo giải thưởng 5 triệu USD để truy tìm tung tích hung thủ. Israel cho biết, ông Shukr phụ trách vụ tấn công vào thị trấn Majdal Shams trên Cao nguyên Golan gần đây.
Kể từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra, Hezbollah thỉnh thoảng tiến hành các cuộc không kích ở miền Bắc Israel để hỗ trợ Hamas, nên bị quân đội Israel trả đũa. Sau khi quân đội Israel mở rộng cuộc tấn công tới thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza hồi tháng 5, xung đột giữa Israel và Hezbollah đã leo thang.
Một người dân Iran theo dõi truyền hình đưa tin về vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh. Ảnh: Anadolu |
Ngày 17/6, quân đội Israel thông báo đã tiêu diệt một "nhân vật chủ chốt" trong lực lượng tên lửa của Hezbollah ở miền Nam Liban. Ngày 27/7, thị trấn Majdal Shams đã bị tấn công bằng tên lửa. Một số tên lửa đã bắn trúng một sân bóng, khiến 12 thường dân bao gồm cả trẻ em thiệt mạng và hơn 30 người khác bị thương.
Truyền thông Israel đưa tin, đây là thương vong nghiêm trọng nhất mà Hezbollah gây ra cho nước này kể từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đe dọa sẽ khiến Hezbollah phải trả giá đắt. Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz cũng cảnh báo Hezbollah đã vượt qua “ranh giới đỏ”. Hezbollah thừa nhận đã tấn công các mục tiêu quân sự Israel ở Cao nguyên Golan, nhưng phủ nhận việc phóng tên lửa vào thị trấn Majdal Shams và khẳng định họ không liên quan gì đến vụ tấn công.
Hiện Hezbollah đã xác nhận ông Shukr thiệt mạng và những diễn biến mới nhất cho thấy quan hệ căng thẳng giữa Israel và Hezbollah sẽ leo thang. Liệu một cuộc chiến tranh toàn diện có nổ ra giữa Liban và Israel, cũng như liệu xung đột có lan rộng hay không, đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Điều đáng chú ý là Hezbollah có năng lực quân sự mạnh hơn Hamas và được cho là có tên lửa dẫn đường chính xác và bom có trọng lượng lên tới 500 kg.
Iran có buộc phải hành động?
Ông Lưu Trung Dân cho biết thêm: “Xét từ những thông tin hiện có, Israel không chỉ gây chiến với Hamas và Hezbollah trên chiến trường, mà còn làm tan rã hệ thống tổ chức của các lực lượng chống Israel thông qua các vụ ám sát và thanh trừng có chủ đích”.
Theo Tân Hoa xã, trong nhiều năm trở lại đây, Israel và Iran luôn đọ sức với nhau ở Trung Đông bằng hình thức đối đầu gián tiếp, cuộc đọ sức giữa 2 bên về cơ bản là thông qua “người đại diện” để tiến hành “chiến tranh bóng tối”. Từ lâu, Israel và các quốc gia phương Tây như Mỹ đã xác nhận các tổ chức như lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Liban và Lực lượng huy động nhân dân ở Iraq… đều có sự hẫu thuẫn của Iran.
Ngày 30/7, quân đội Mỹ tiến hành không kích vào một căn cứ ở phía Nam thủ đô Baghdad của Iraq, khiến 4 thành viên của Lực lượng huy động nhân dân Iraq thiệt mạng. Quân đội Mỹ cho biết, tổ chức này tìm cách sử dụng thiết bị bay không người lái đe dọa Mỹ và đồng minh.
Về xung đột Israel-Hamas, Giáo sư Lưu Trung Dân cho rằng, cái chết của ông Haniyeh khiến tương lai của Hamas trở nên khó khăn hơn. Trong thời gian tới, Hamas sẽ tái cơ cấu như thế nào và xử lý mối quan hệ với Phong trào giải phóng dân tộc Palestine (Fatah) ra sao cũng đáng để chú ý.
Về mối quan hệ giữa Israel và Iran, Giáo sư người Trung Quốc nhận thấy kể từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas xảy ra, 2 nước lớn trong khu vực này từng rơi vào “chu kỳ trả đũa” cường độ thấp. Tháng 4/2024, Đại sứ quán Iran tại Syria bị Israel không kích, Iran sau đó đã trả đũa bằng một cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào lãnh thổ Israel. Đây không những là lần đầu tiên Iran tiến hành một cuộc tấn công từ lãnh thổ của mình nhằm vào Israel, mà còn là lần đầu tiên xuất hiện một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa 2 quốc gia có chủ quyền kể từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas xảy ra.
Theo ông Lưu Trung Dân, hiện Iran đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn. Về chiến lược, Iran không mong muốn xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn với Israel. Nhiều quan chức Israel cho biết, Israel sẽ tấn công Hezbollah, nhưng không hy vọng đẩy Trung Đông vào một cuộc chiến tranh toàn diện, điều này không phù hợp với lợi ích của nước này.
Về an ninh và ngoại giao, các thông tin hiện tại đều chỉ ra, Israel thực hiện vụ ám sát thủ lĩnh Hamas vào thời điểm diễn ra các hoạt động quan trọng ở thủ đô của Iran. Đây là thời điểm nhạy cảm khi tân Tổng thống Iran vừa nhậm chức, bóng đen về cái chết của cựu Tổng thống Ebrahim Raisi trong vụ tai nạn trực thăng vừa qua vẫn chưa tan biến, các vấn đề kinh tế trong nước và sinh kế của người dân tương đối nổi cộm, hàng loạt vấn đề đối nội và đối ngoại đang cần được giải quyết.