Đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của CBCCVC |
Thủ tướng: Cải cách tiền lương đi đôi với cải cách bộ máy |
Công tác cải cách chính sách tiền lương đã được nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XII). Nghị quyết của Trung ương nêu rõ, cải cách chính sách tiền lương phải bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ, kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương hiện hành; tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước.
Mục tiêu tổng quát của công tác này là xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng xác định: "Cải cách chính sách tiền lương theo hướng gắn với sự thay đổi của giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng năng suất lao động, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả".
Phân tích những tồn tại của chính sách tiền lương, Nghị quyết 27 nêu rõ chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.
Nghị quyết 27 cũng chỉ rõ, quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ.
“Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”, nghị quyết 27 nhận định
Ngày 11/11/2022, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, theo đó, việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện từ ngày 1/7/2023 lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Nghị quyết về hoạt động chất vấn ngày 15/11/2022 của Quốc hội yêu cầu, Nghị quyết yêu cầu trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Chính phủ đã nhấn mạnh nhiệm vụ của năm 2023 là xây dựng lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Cùng với việc xây dựng lộ trình này, Chính phủ đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; khắc phụ tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc. Đặc biệt sớm khắc phục cho được tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc.
Cần đổi mới tư duy trong cải cách chính sách tiền lương (ảnh minh hoạ) |
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, công tác xây dựng lộ trình cải cách chính sách tiền lương được xem là một công tác trọng tâm của năm hoạt động 2023 của ngành Nội vụ. Trong đó có việc hoàn thiện Nghị định quy định mức lương cơ sở, thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm, cần đổi mới tư duy trong cải cách chính sách tiền lương, chi tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức chính là chi cho đầu tư phát triển. Bảo đảm cho tiền lương thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng lực thực thi công vụ có hiệu quả hơn, giảm thiểu tham nhũng.
Bản chất tiền lương là cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tiền lương phải tiệm cận với giá trị sức lao động trên thị trường, cần phải hướng tới sự công bằng, thực chất.
“Cần xây dựng tiền lương tối thiểu của công chức hành chính tương xứng với sức lao động và tương đương mức lương thị trường; với tính chất phức tạp và vai trò quan trọng của cán bộ, công chức, viên chức, cần được xếp ở mức độ quan trọng hơn lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực sự nghiệp và chỉ đứng sau lực lượng vũ trang”- ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm .
Cùng đó khi đổi mới quản lý nhà nước về tiền lương thì bộ máy hành chính nhà nước cần được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, không bị chồng chéo, nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa trong bộ máy hành chính, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức tương xứng với giá trị sức lao động.
Một nội dung rất quan trọng trong cải cách chính sách tiền lương là tạo nguồn ngân sách để tăng lương. Đây là một trong những bước đi đột phá để đưa chính sách tiền lương đi vào thực tiễn đời sống, tiền lương phải gắn với hiệu quả công tác, năng suất lao động và bảo đảm nguyên tắc tốc độ tăng năng suất lao động phải nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương bình quân.
Ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, bản chất của việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương là trả lương theo vị trí việc làm - mang tính chất toàn diện, căn bản hơn nhưng nếu chưa đủ điều kiện thì cần trước mắt điều chỉnh mức lương cơ sở, vốn được duy trì từ ngót 30 năm nay.
“Một trong những nguyên tắc trả lương trong cải cách chính sách tiền lương là không còn mức lương cơ sở mà trả trực tiếp bằng tiền, căn cứ vào vị trí việc làm, khối lượng công việc. Để thực hiện cải cách tiền lương, đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn hơn và gắn liền với cải cách bộ máy, tinh giản biên chế” – ông Quảng nói.
Nhiêu chuyên gia nhìn nhận, các khái niệm về tiền lương ở Việt Nam hiện nay đều có chung nội dung cốt lõi, coi sức lao động là hàng hóa, tiền lương là giá cả sức lao động được trao đổi, thuận mua vừa bán theo quan hệ cung - cầu trên thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nhằm bảo vệ người lao động trong việc thỏa thuận, chống bóc lột và đói nghèo.
Tuy vậy, vẫn chưa có sự thống nhất đầy đủ về tiền lương, nhất là đối với hai thuật ngữ “tiền lương” và “tiền công”. Chính sự không thống nhất, đôi khi lẫn lộn đó đã ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và triển khai thực hiện.
Cải cách chính sách tiền lương là công việc đòi hỏi quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, bố trí cán bộ, công chức, viên chứcđúng vị trí việc làm, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ.
Đồng thời, phải kiên quyết chuyển đổi mô hình các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng bản chất của đơn vị dịch vụ công. Nhà nước thực hiện khoán chi phí dịch vụ theo kết quả đầu ra, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị, không phân biệt đơn vị nhà nước hay tư nhân, phải lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả làm thước đo.