Ngày 8/3, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington (US Chamber) đã đồng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu khai mạc quan trọng tại sự kiện.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc tại hội nghị. Ảnh VGP |
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điểm lại thành tựu kinh tế của Việt Nam sau 35 năm đổi mới, điểm lại những dấu ấn và kết quả quan trọng trong hợp tác song phương mà hai nước đã đạt được trong những năm qua. Cụ thể, về những thành tựu sau 35 năm đổi mới, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam từ một quốc gia thu nhập bình quân đầu người 100 USD đã thu được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử.
“Có thể nói, chưa bao giờ đất nước Việt Nam có được cơ đồ, vị thế và uy tín như ngày nay” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về quan hệ song phương với Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sau hơn 26 năm bình thường hóa quan hệ (từ năm 1995), quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển rất nhanh, đạt nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực. Đặc biệt, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực kinh tế với việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương (năm 2000); Hoa Kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (năm 2006); hai nước ký Hiệp định Khung về thương mại và đầu tư (năm 2007); xác lập Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2013)...
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111 tỷ USD năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại thứ hai, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỷ USD với Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Đây là những điểm đáng tự hào trong tăng trưởng thương mại hai quốc gia.
Về đầu tư, nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (ngoài cùng bên trái) tham dự hội nghị. Ảnh VGP |
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - cho biết: Hoa Kỳ là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên tất cả các trụ cột hợp tác, đặc biệt là trụ cột về kinh tế thương mại. Hiện Hoa Kỳ cũng đã đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, hầu hết các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam, như: Exxon mobil, walmart, Intel, Amazon…
“Nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam đã và sẽ là địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ thêm.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper cũng cho rằng, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Mối quan hệ đối tác giữa hai quốc gia cũng là nhân tố trọng yếu giúp hai quốc gia đạt được những tầm nhìn chung liên quan đến lĩnh vực kinh tế, giúp hai quốc gia đạt được quan hệ song phương 130 tỷ USD bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vào năm 2021. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đã tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD trong các lĩnh vực quan trọng của Việt Nam như công nghệ, y tế, năng lượng, cơ sở hạ tầng…
Mặc dù quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được những tiến bộ tích cực trong thời gian qua, nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 cũng đem lại những khó khăn, thách thức nhất định đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và hai nước nói riêng liên quan đến các vấn đề về chuỗi cung ứng. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu cũng như các mục tiêu của Việt Nam đưa ra tại COP26, phát triển kinh tế số và phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
Để khắc phục khó khăn và đạt được mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ cho biết, tới đây Việt Nam tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, tương đương trên 4% GDP), tập trung vào mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi thị trường lao động, việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp thông qua hoãn, miễn, giảm thuế, phí, điện và nước… đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan toả lớn; bố trí một phần nguồn lực cho các vấn đề có thể phát sinh.
Bày tỏ sự lạc quan về quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong những năm qua, ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội - khẳng định: Xu hướng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.
Nhận định này cũng được nhiều đại biểu đưa ra, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam thời gian gần đây có nhiều chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh, dịch Covid-19 đã dần được kiển soát nhờ chiến lược vắc xin bao phủ rộng khắp. Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ vẫn khuyến nghị, để phát triển bền vững và đạt được những mục tiêu đề ra, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cho khu vực tư nhân và có những tiếp cận mới hơn trong phát triển kinh tế số, phát triển năng lượng. Việt Nam cũng cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo cơ hội thu hút dòng vốn chất lượng cao hơn từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Việt Nam - Hoa Kỳ là hai thị trường bổ sung cho nhau, chứ không có sự triệt tiêu hay cạnh tranh không lành mạnh, đó là điều quan trọng nhất để thúc đẩy hợp tác thương mại hai quốc gia trong thời gian tới. |